Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng có xu hướng mua hàng online ngày càng tăng với hình thức mua qua các trang thương mại điện tử hay qua mạng xã hội. Mua hàng online mang lại nhiều tiện lợi như giúp khách dễ dàng chọn lựa, tiết kiệm thời gian đi lại... Nhưng bên cạnh đó nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là đối với những mặt hàng thực phẩm được chế biến sẵn.
Đặc biệt, từ sau vụ pate Minh Chay có bán phổ biến trên chợ online bị phát hiện nhiễm chất Botulinum kịch độc thì nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi: Liệu những thực phẩm bán trên mạng có đảm bảo chất lượng và ai đang chịu trách nhiệm kiểm soát chúng?
"Tôi thường xuyên đặt đồ ăn trên mạng như giò, chả, ruốc vì tiện lợi, trong số đó có nhiều đồ handmade (sản phẩm tự làm) của một vài cá nhân, không có nhãn mác, thành phần nguyên liệu chế biến hay khuyến cáo, cùng lắm chỉ có hạn sử dụng. Nhưng sau sự cố pate Minh Chay thì tôi thực sự lo sợ, chắc phải thay đổi thói quen mua thực phẩm chế biến sẵn qua mạng thôi", chị Minh Anh ở Nam Từ Liêm, Hà Nội nói.
Chị Thu Thủy ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng lo lắng: "Thực phẩm chế biến sẵn trên mạng rất nhiều, người tiêu dùng có thể đặt hàng bất cứ lúc nào. Nhưng đúng là người mua không hề biết những mặt hàng ấy được kiểm soát như thế nào, có cơ quan chức năng nào "sờ" đến chúng hay không? Nếu như những sản phẩm bán trên thị trường bị kiểm soát gắt gao hơn thì sản phẩm bán trên mạng có vẻ dễ thở hơn nhiều. Cùng lắm chỉ cần một nhãn mác không biết có xác thực không là đã có thể rao bán được sản phẩm. Thậm chí, những sản phẩm handmade thì còn không cần đến bất cứ giấy tờ nào".
Bánh Trung thu handmade - một trong những mặt hàng đang được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình).
"Quả thật, mua hàng trên mạng như đang đi vào mê cung, đã vào rồi là khó thoát ra vì quá nhiều lời mời chào, quảng cáo hấp dẫn và quá nhiều chiêu trò kích thích khách mua hàng. Sản phẩm pate Minh Chay là một ví dụ điển hình. Trên các trang mạng xã hội, thương hiệu này luôn được quảng cáo, tung hô với những mỹ từ hấp dẫn nhất. Mới đây, họ còn livestream video mời khách hàng dùng thử tại một hội chợ tiếng tăm để quảng bá thương hiệu. Và chắc hẳn qua kênh bán hàng online, nhiều người đã mua sản phẩm của họ, trước khi phát hiện nó nhiễm độc", chị Thu Hương ở Ba Đình, Hà Nội nói.
Rõ ràng, trên thực tế, nhiều trang mạng xã hội cá nhân đang bán hàng online không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. Chất lượng thực phẩm được đảm bảo chỉ bằng "niềm tin" giữa người mua và người bán.
Theo quy định, các cơ sở chế biến thực phẩm phải thực hiện công bố hoặc đăng ký bản công bố thành phần đối với cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều loại bán online, đặc biệt là thực phẩm handmade hầu hết không đáp ứng được tiêu chuẩn trên (trừ những nhãn hàng của doanh nghiệp, tổ chức có uy tín, có tên tuổi).
Người tiêu dùng vì thế được khuyến cáo khi mua thực phẩm chế biến sẵn, dù là sản xuất bằng máy móc hay thủ công vẫn phải chọn những mặt hàng đảm bảo mọi quy định: có nguồn gốc xuất xứ, nhãn sử dụng được xác nhận, kiểm định của cơ quan có thẩm quyền, thời hạn sử dụng...để đảm bảo tốt nhất sự an toàn về sức khỏe.
Người mua cũng nên lựa chọn những nơi bán hàng có uy tín, có đăng ký kinh doanh và có cam kết về chất lượng. Trong trường hợp mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng có quyền kiến nghị, báo cáo với các phòng kinh tế thuộc các quận, Sở Công Thương xem xét giải quyết.
Ai chịu trách nhiệm về pate Minh Chay nhiễm độc?
Trong khi dư luận đang xôn xao về sự cố pate Minh Chay nhiễm độc, ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người tiêu dùng thì các cơ quan chức năng vẫn tranh luận về trách nhiệm quản lý doanh nghiệp sản xuất thương hiệu này.
Sở Công Thương Hà Nội cho rằng trách nhiệm rà soát, kiểm định về đảm bảo quy định an toàn thực phẩm của doanh nghiệp này thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội. Việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thuộc Chi cục Quản lý Nông lâm Thủy sản của Sở Nông nghiệp.
Sở NN&PTNT Hà Nội lại cho rằng cơ quan chủ trì các vấn đề về an toàn, vệ sinh thực phẩm là Sở Y tế.
Còn đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thuộc Sở Y tế, lại cho biết cơ sở sản xuất pate Minh Chay sử dụng nguyên liệu từ các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp. Do đó, Sở NN&PTNT là nơi cấp giấy chứng nhận và tiếp nhận các công bố sản phẩm.