Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số, ngày 4/10/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 2 doanh nghiệp công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực; sản phẩm phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin của doanh nghiệp trong tỉnh đáp ứng tốt yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số và đô thị thông minh phục vụ hiệu quả các cơ quan, tổ chức và người dân, góp phần thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số.
Đến năm 2030, toàn tỉnh có ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số đáp ứng yêu cầu là nguồn lực hỗ trợ xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, phát triển kinh tế số, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số của tỉnh. Bằng những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn sẽ thúc đẩy việc hình thành và phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và kinh tế số tại địa phương.
Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đã chỉ rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai trong giai đoạn 2021-2025, bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương; phát triển hạ tầng số; phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam; phát triển nhân lực công nghệ số; phát triển thị trường cho doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương và bảo đảm kinh phí.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, đầu mối, hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch này và thường xuyên rà soát kết quả thực hiện, đề xuất cập nhật, điều chỉnh nội dung thực hiện cho phù hợp với thực tế tình hình triển khai. Định kỳ hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả đạt được; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các nguồn kinh phí Trung ương, địa phương và vận động nguồn kinh phí khác để triển khai các nội dung, nhiệm vụ đã nêu.
Sở cũng có trách nhiệm tổng hợp định kỳ các sản phẩm công nghệ số hiện có trên địa bàn tỉnh sẵn sàng cung cấp của doanh nghiệp; tổng hợp nhu cầu ứng dụng sản phẩm công nghệ số của các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội và công bố trên Cổng thông tin điện tử tỉnh.
Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan căn cứ nhiệm vụ được phân công triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.