Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 12/11, sau khi báo cáo một số vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội.
Nêu vấn đề chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) đánh giá cao sự quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng qua việc xử lý các dự án tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm ở Trung ương và các địa phương.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn còn một số dự án tồn đọng và tổ chức tín dụng yếu kém chưa được xử lý. Từ đó, bà đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân, giải pháp về cơ chế và tiến độ trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: quochoi.vn)
Trả lời, Thủ tướng cho biết, với nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, 12 dự án yếu kém kéo dài cơ bản xin xong chủ trương của Bộ Chính trị, và được Bộ Chính trị đồng ý. Từ đó, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ sẽ xử lý; vấn đề nào vượt quyền hạn của Chính phủ, Chính phủ sẽ báo cáo xin ý kiến Quốc hội.
"Trên cơ sở đó sẽ rà soát xem dự án tương tự, xử lý trên tinh thần tôn trọng hiện trạng, bởi dự án đã thất thoát, ai vi phạm cũng bị xử lý", Thủ tướng nói. Với các vấn đề vượt quá thẩm quyền, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ xin ý kiến của Quốc hội.
Thủ tướng nhắc lại một trong những dự án tồn đọng được tháo gỡ như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2...
Người đứng đầu Chính phủ tái khẳng định việc tôn trọng hiện trạng của các dự án tồn động kéo dài, từ đó ban hành các cơ chế, chính sách để xử lý, thẩm quyền của cá nhân nào thì người đó phải thực hiện.
"Về 4 ngân hàng yếu kém, vừa rồi chúng ta đã chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng, còn 2 ngân hàng đang làm. Với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), việc xử lý theo tinh thần đảm bảo an toàn hệ thống, quyền lợi hợp pháp của người dân, kiểm soát tài sản không để thất thoát", Thủ tướng nhấn mạnh.
Báo cáo trước khi trả lời chất vấn về tình hình kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm, Thủ tướng cho biết, kinh tế - xã hội tục xu hướng tích cực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước thấp hơn giới hạn quy định.
"Đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm qua, trong đó một số dự án đã có lãi", Thủ tướng nói.
Báo cáo của Chính phủ dẫn chứng, dự kiến năm 2024, DAP Hải phòng lãi 215 tỷ đồng, Đạm Lào Cai lãi 102 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc lãi 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc đến việc chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng yếu kém.
Trên cơ sở những kết quả tích cực của 10 tháng, từ nay đến cuối năm, Chính phủ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%.
"Qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021-2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng", Thủ tướng khẳng định.