Ngày 2/8, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức PPP (đối tác công tư), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Tổng mức đầu tư sơ bộ dự án là 19.617 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước trong dự án là 9.674 tỷ đồng, chiếm 49,31% tổng mức đầu tư; vốn Trung ương là 2.872 tỷ đồng để chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; vốn ngân sách TP.HCM là 6.802 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư - doanh nghiệp dự án PPP là 9.943 tỷ đồng chiếm 50,69% tổng mức đầu tư dự án.
Trục đường Trường Chinh - Quốc lộ 22 ở cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM kết nối với tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Tuấn Kiệt)
Dự án có điểm đầu giao với đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi (TP.HCM). Điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Tổng chiều dài cao tốc khoảng 51 km, trong đó đoạn qua địa phận TP.HCM khoảng 24,7 km và đoạn qua tỉnh Tây Ninh khoảng 26,3 km.
Dự án chia thành 4 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1: đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 10.421 tỷ và UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện.
Dự án thành phần 2: đầu tư xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang đường cao tốc với tổng mức đầu tư 2.422 tỷ đồng.
Dự án thành phần 3: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc đoạn qua TP.HCM với tổng mức đầu tư 5.270 tỷ đồng.
Dự án thành phần 4: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh tổng mức đầu tư 1.504 tỷ đồng. UBND tỉnh Tây Ninh là cơ quan chủ quản.
Về quy mô đầu tư, giai đoạn 1 có 4 làn xe cao tốc rộng 25,5 m; giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc toàn tuyến. Tiêu chuẩn kỹ thuật có vận tốc thiết kế 120km/h. Trên tuyến xây dựng 5 nút giao trong đó có 4 nút giao khác mức liên thông (Vành đai 3, TL8, ĐT 787B, QL 22B) và 1 nút giao bằng tại vị trí cuối tuyến giao với QL22.
Tại các đoạn giao cắt dân sinh sẽ sử dụng cầu vượt ngang hoặc hầm chui dân sinh bố trí phù hợp với cấp đường hiện hữu và có xét đến nhu cầu mở rộng, nâng cấp theo quy hoạch tương lai nhằm đảm bảo tĩnh không cho phương tiện giao thông.
Ngoài ra, còn xây dựng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, trạm dừng nghỉ; Hệ thống giao thông thông minh (ITS) phục vụ quản lý, điều tiết an toàn giao thông trên tuyến; Trạm thu phí trên tuyến cao tốc và các nhánh ra vào nút giao; Áp dụng công nghệ thu phí không dừng; Làm đường gom dân sinh hai bên tuyến tại các phạm vi có dân cư sinh sống, đảm bảo kết nối dân sinh khi đường cao tốc được xây dựng…
Thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2024 - 2027. Dự kiến nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng khoảng 409,3 ha.