Trình bày tham luận tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ diễn ra sáng 18/7 tại TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, để Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại cần tăng cường tính kết nối chặt chẽ về hạ tầng.
Ngoài tuyến cao tốc Mộc Bài - TP.HCM, có thể nghiên cứu hình thành đường sắt tốc độ cao Mộc Bài - TP.HCM, đặc biệt là kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành, với cảng Cái Mép - Thị Vải.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh trình bày tham luận tại hội nghị. (Ảnh: Nhật Bắc)
"Đồng thời, sớm xúc tiến quy hoạch sân bay Tây Ninh trở thành cảng hàng không, sân bay dân dụng vệ tinh, giải tỏa áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng như tạo sự kết nối quan trọng giữa khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen với các điểm du lịch trong nước và quốc tế", ông Ngọc nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế năng động, có tốc độ phát triển nhanh với đầu tàu kinh tế là TP.HCM, việc cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã, đang và sẽ được đầu tư hình thành vùng tam giác, bộ ba cửa khẩu, cảng quan trọng hội đủ yếu tố “đường biển - đường hàng không và đường bộ” của vùng và khu vực.
Phát triển thành công Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được xem là giải pháp mở rộng không gian phát triển cho vùng TP.HCM và Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Người đứng đầu chính quyền Tây Ninh cho rằng, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có đủ dư địa và điều kiện cần thiết để phát triển theo mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ hiện đại, xanh, bền vững và trở thành điểm kết nối quan trọng vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
"Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển sẽ tạo ra nguồn lực, động lực và tiềm lực về kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại quốc gia trên tuyến biên giới phía Tây Nam", ông Ngọc nói.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo các quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ khoảng 738.500 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 342.000 tỷ (ngân sách Trung ương đã bố trí khoảng 60.800 tỷ đồng); giai đoạn 2026 - 2030 cần tiếp tục huy động khoảng 396.500 tỷ, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong phối hợp triển khai thực hiện và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ.
Cụ thể, cần sớm hoàn thiện các quy trình, quy hoạch vùng tích hợp đầy đủ, thống nhất và đồng bộ với 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải đã được Thủ tướng phê duyệt.
Đồng thời, xây dựng danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030 của vùng.
Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong vùng tổ chức Hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước với mục tiêu lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, trong đó tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.