Phát biểu mở đầu phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19 để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kế hoạch kịch bản để phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.
Thủ tướng cho biết, trong 4 tháng vừa qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe nhân dân, gây thiệt hại về con người, tác động tới tâm lý xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp và dịch vụ bị ảnh hưởng lớn nhất.
Tuy nhiên, tình hình 8 tháng cơ bản ổn định. Việt Nam tiếp tục duy trì các nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các nhiệm vụ về văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tăng lên, phức tạp hơn nhưng các lĩnh vực này vẫn được giữ vững, đạt kết quả tích cực, đặc biệt ngoại giao vaccine được đẩy mạnh.
Tại nhiều địa phương, đặc biệt là 23 địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách, ưu tiên hàng đầu cho phòng chống dịch bệnh; 40 tỉnh, thành phố còn lại cũng tùy từng lúc, từng nơi để ưu tiên phù hợp cho chống dịch hoặc phát triển kinh tế.
Vừa qua, chúng ta đã chuyển hướng trong công tác phòng chống dịch, từ tập trung sang kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân cấp. Theo đó, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu, còn tổ chức thực hiện vừa tập trung vừa phân cấp, nhất là chú trọng phân cấp tới xã, phường, thị trấn. Đây là cấp gần dân nhất, hiểu dân nhất, tiếp xúc nhiều nhất, trực tiếp nhất với người dân.
Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới. (Ảnh: Nhật Bắc)
Do đó, lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, người dân là trung tâm, là chủ thể của phòng chống dịch. Người dân là trung tâm thì mọi chính sách và thực hiện chính sách phải hướng tới người dân, vì nhân dân. Người dân là chủ thể tức là phải tích cực tham gia phòng chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
Chúng ta cũng huy động các lực lượng y tế, quân đội, công an, các đoàn thể khác để tập trung phòng chống dịch. Các địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, phải thực hiện bằng được 5 nhiệm vụ: Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu phải đáp ứng kịp thời; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.
Cuộc họp ngày 5/9 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cho thấy công tác phòng chống dịch đang đi đúng hướng, phải tổ chức thực hiện cho tốt, nhất là ở xã, phường, thị trấn. Đến nay, về cơ bản, Việt Nam đã kiểm soát được tình hình tại các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các lực lượng tuyến đầu, đội ngũ tình nguyện viên, cùng các địa phương, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị đạt được kết quả nêu trên.
Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục tập trung nhiều công sức, thời gian cho phòng chống dịch. Thủ tướng giao Bộ Tài chính tổng hợp các đề xuất của địa phương về kinh phí phòng chống dịch để giải quyết, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thúc đẩy việc này. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở các kiến nghị của các địa phương có chính sách cho lực lượng tuyến đầu.
Việc lưu thông hàng hóa, di chuyển con người phải có chỉ đạo thống nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tham mưu, phối hợp với các lực lượng khác, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo công tác này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, tiếp thu ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, sơ kết, tổng kết thực tiễn, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tình hình, nghiên cứu việc thích ứng an toàn với dịch bệnh trong điều kiện mới.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phụ trách việc thúc đẩy ngoại giao vaccine và thuốc, vật tư y tế… phục vụ phòng chống dịch.