
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) về nội dung trên.
Trước đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ số 09/CT-TTg ngày 21/3/2025, chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng là 2 trong số 6 lĩnh vực mà DNNN phải tiên phong. "Cả nước tăng tốc, bứt phá để về đích, thì doanh nghiệp phải tăng tốc, bứt phá và về đích sớm hơn các chủ thể khác", Thủ tướng đã nêu rõ tại cuộc làm việc vào cuối tháng 2 vừa qua.
Thủ tướng làm việc với DNNN về chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng, sáng 15/4. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Chính vì thế, Hội nghị hôm nay tiếp tục là mối quan tâm của Chính phủ khi xây dựng các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của DNNN nhằm phát huy vai trò tiên phong của DNNN trong chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng.
DNNN phải lớn mạnh hơn nữa
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trước những khó khăn, thách thức trong những năm qua như đại dịch COVID-19, xung đột nổ ra tại nhiều nơi, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiên tai, bão lũ…,chúng ta đều đã vượt qua được nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, trong đó có vai trò rất quan trọng của các DNNN.
Do đó, càng khó khăn, thách thức thì toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội càng phải nỗ lực, trong đó có các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNN, khi chúng ta xác định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
"Chúng ta phải giữ vững bình tĩnh, không hoang mang, lo sợ cũng không chủ quan, lơ là trong bất cứ hoàn cảnh nào; tiếp tục phát huy tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, tự vượt qua giới hạn của chính mình để đổi mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tự tin hơn, bản lĩnh hơn", Thủ tướng phát biểu.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, hiện cùng với những nhiệm vụ thường xuyên, chúng ta tập trung thực hiện những nhiệm vụ chiến lược như đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; hội nhập quốc tế trong tình hình mới với tinh thần bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, tham gia dẫn dắt và đóng góp trách nhiệm với cộng đồng quốc tế…
Cùng với đó, chúng ta phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trong năm 2025, tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo và điều này là có cơ sở với nguồn nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.
Thủ tướng yêu cầu mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lúc này cần phải lớn mạnh hơn nữa, xông pha, nỗ lực, tham gia mạnh mẽ hơn vào thực hiện 3 đột phá chiến lược, tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tập trung khai thác thị trường nội địa và tìm kiếm các thị trường mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Chúng ta không chỉ có một động lực tăng trưởng hay một thị trường, một sản phẩm, một chuỗi cung ứng", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng lấy ví dụ, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cần tích cực hơn nữa trong triển khai sân bay Long Thành, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) tích cực hơn nữa trong xây dựng cao tốc Bến Lức – Long Thành…
Phấn đấu đến 2045, tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương nước phát triển
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm, trong những năm qua, DNNN đạt được nhiều kết quả phát triển tích cực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu NSNN, phát triển các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Thủ tướng từng nhấn mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng là 2 trong số 6 lĩnh vực mà DNNN phải tiên phong. (Ảnh minh họa)
Năm 2024, tổng tài sản của 671 DNNN (473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023; vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng, tăng 61%, tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 24%, lợi nhuận trước thuế gần 227,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8% và nộp NSNN gần 400 nghìn tỷ đồng, tăng 9%.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, DNNN vẫn còn một số tồn tại trong việc thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh, khoa học công nghệ còn hạn chế; công cụ quản trị kinh doanh còn chậm đổi mới, chưa làm chủ công nghệ lõi trong chuyển đổi số.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho rằng, các DNNN cần bố trí ưu tiên nguồn vốn thực hiện chuyển đổi số với tiến độ cụ thể. Triển khai các hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ số trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa các công nghệ nền tảng và các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số như Cloud, AI, BigData…
Đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ mới, dịch vụ mới (5G, AI); chú trọng kiên cố, bền vững hạ tầng mạng lưới, phòng chống thiên tai; ưu tiên, mở rộng hạ tầng cho công nghiệp sản xuất, công nghiệp công nghệ cao; tiếp tục triển khai các dự án xây dựng cơ bản lớn, quan trọng đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
"Phấn đấu đến năm 2045, tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến", ông Tâm nói.