Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thủ tướng nêu 10 điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

(VTC News) -

Chiều nay, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Thủ tướng nêu 10 điểm sáng về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 2021 và các mục tiêu phát triển năm 2022.

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, đa số các đại biểu bày tỏ đồng tình với nội dung dự thảo các báo cáo, nghị quyết được trình bày tại hội nghị, đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, nhất là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Các đại biểu cũng đề xuất tiếp tục tháo gỡ, khơi thông các “điểm nghẽn” trong đầu tư; tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, đặc biệt là phân cấp cho địa phương chủ động trong việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch, quản lý các khu công nghiệp, các dự án tại các địa phương; có chính sách hỗ trợ, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phát triển văn hóa xứng tầm với kinh tế, chính trị.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2021, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách, chúng ta đã quyết liệt, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả khá toàn diện. Đồng thời, Thủ tướng chỉ ra 10 điểm sáng mặt được chủ yếu bao gồm:

Một là, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đẩy nhanh ngoại giao và tiến trình tiêm vaccine; điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, ban hành các gói hỗ trợ, tạo điều kiện khôi phục kinh tế - xã hội: Dịch COVID-19 với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm xâm nhập sâu vào nước ta. Ở những thời điểm quan trọng, chúng ta buộc phải quyết đoán đưa ra những quyết định hết sức khó khăn, báo cáo cấp có thẩm quyền để triển khai.

Các biện pháp phòng, chống dịch được kế thừa và liên tục được điều chỉnh, hoàn thiện và phù hợp với tình hình thực tiễn. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.

Các biện pháp phòng, chống dịch được kế thừa và liên tục được điều chỉnh, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn. Từ tháng 10, Chính phủ đã điều chỉnh sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Hai là, tăng trưởng GDP phục hồi trong quý 4, là mức đáng khích lệ, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội: Kinh tế nước ta đang phục hồi tích cực. Tăng trưởng GDP quý IV/2021 ước tăng 5,22% so cùng kỳ. Tính chung cả năm 2021, GDP chỉ tăng 2,58%, thấp hơn kế hoạch đề ra, song là mức chấp nhận được, trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Ba là, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt: CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84%, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm. Kết quả tích cực này đã khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát lạm phát, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn giá cả (đặc biệt các mặt hàng thiết yếu ở những lúc cao điểm), trong bối cảnh giá cả hàng hóa và nguyên, nhiên vật liệu toàn cầu tăng mạnh trong năm 2021.

Mặt bằng lãi suất giảm nhẹ và duy trì ở mức thấp. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,8% so với đầu năm (năm 2020 giảm 1%), thấp nhất trong vòng 20 năm. Tín dụng năm 2021 ước tăng khoảng 13,5%, cao hơn so với mức 13% năm trước. Huy động vốn có tốc độ tăng chậm hơn, tăng khoảng 9%, thấp hơn mức tăng 13-14% các năm trước, nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo, do điều hành linh hoạt hơn.

Tỷ giá tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, ổn định. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động (cùng với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương…) trao đổi với Bộ Tài chính Mỹ, nhờ đó Việt Nam được tháo mác “thao túng tiền tệ” từ tháng 4/2021 đến nay.

Bốn là, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới có nhiều biến động: Vốn FDI đăng ký ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Giải ngân vốn FDI cả năm 2021 đạt 19,74 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với năm trước; đặc biệt, tình hình đã cải thiện trong quý IV khi Việt Nam thay đổi chiến lược phòng, chống dịch và đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine.

Năm là, xuất khẩu là điểm sáng, thặng dư thương mại ở mức khá, góp phần phục hồi kinh tế: Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 668 tỷ USD tăng 22,6%; thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, trong đó, xuất khẩu ước đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước; nhập khẩu đạt 332,3 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước. Xuất siêu khoảng 4 tỷ USD, là năm thứ 6 liên tiếp thặng dư, cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp đẩy mạnh khôi phục sản xuất, thương mại, cho thấy vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam ngày càng tăng.

Sáu là, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đạt nhiều bước tiến vượt bậc: Theo báo cáo của một số tổ chức nghiên cứu quốc tế, Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan) và xếp hạng 14/50 khu vực Châu Á về quy mô kinh tế Internet. Kinh tế Internet Việt Nam ước đạt 21 tỷ USD năm 2021 (khoảng 5,8% GDP năm 2021), tăng 31% so với năm 2020.

Về đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á (sau Indonesia và Singapore) về thu hút vốn đầu tư vào Fintech, chiếm 11% tổng số vốn của khu vực,  đạt khoảng 4 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2020)...

Bảy là, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân được chú trọng: Đã dành gần 71.500 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Đã tổ chức rất thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Dạy và học được tổ chức linh hoạt, phù hợp, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Tám là, tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng thể chế; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường chuyển đổi số; đã hoàn thành một số cơ sở dữ liệu lớn.

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 2 luật và xem xét, cho ý kiến 6 dự án Luật. Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 23 đề nghị xây dựng luật; ban hành 74 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; ban hành 200 nghị quyết, 153 nghị định. Thủ tướng Chính phủ ban hành 42 quyết định quy phạm pháp luật; 36 chỉ thị. Các Bộ, ngành ban hành 773 thông tư. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được thực hiện quyết liệt. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng.

Chín là, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm: Nắm chắc tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Chú trọng xử lý các tình huống phát sinh trên biển, biên giới đất liền, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Mười là, hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó, chiến lược ngoại giao vaccine giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng tại Việt Nam.

Hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực và Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, tham dự và có tiếng nói tích cực tại Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN và giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế đang được quan tâm….

Trong bối cảnh nguồn cung vaccine còn khan hiếm, chính sách ngoại giao vaccine đã được đẩy mạnh, giúp Việt Nam có nguồn vaccine để đẩy mạnh chương trình tiêm chủng. Điều này đã giúp Việt Nam tự tin thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, thay đổi căn bản Chiến lược phòng chống dịch, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội từ quý 4/2021./.  

Vũ Khuyên (VOV)

Tin mới