Phát biểu tại tọa đàm nhân dịp dự Hội chợ CIIE 2018, Thủ tướng cho biết, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đang phát triển tốt đẹp, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - thương mại thời gian qua đạt nhiều thành quả tích cực. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương, theo thống kê của Trung Quốc là trên 120 tỷ USD, cao hơn kim ngạch thương mại của Trung Quốc với nhiều nước châu Âu cộng lại. Việt Nam cũng duy trì được vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự cuộc tọa đàm với các tập đoàn hàng đầu Trung Quốc. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là quốc gia có tình hình chính trị - xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng liên tục trong những năm qua.
Về phát triển cơ sở hạ tầng, trung bình mỗi năm Việt Nam cần 25 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng và cần tới 138 tỷ USD vốn cho đầu tư nguồn và lưới điện vào năm 2030. Thủ tướng cho biết, nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển năng lượng sẽ được huy động từ nhiều nguồn lực, trong đó có khu vực tư nhân.
Về lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có 20 mặt hàng nông sản xuất khẩu trên 1 tỷ USD.Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 2 trong các nước ASEAN. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí tốp đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê, điều, cá basa, tôm,… Nhiều chuỗi cung ứng trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi, dưa hấu… thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, thông minh được xuất khẩu đi nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam. Nhiều nông sản nhiệt đới được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Tuy vậy, các mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện mới được biết đến và tiêu thụ rộng rãi ở các địa phương phía Nam Trung Quốc (Quảng Tây, Vân Nam) chứ chưa thâm nhập được sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc.
Cho biết sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc đóng góp những ý tưởng, khuyến nghị đối với sự phát triển của Việt Nam và để phát huy tiềm năng thế mạnh của mỗi bên.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, hướng tới cân bằng cán cân thương mại song phương và mong các doanh nghiệp hai bên kết nối hợp tác để "hai bên cùng thắng".
(Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Đại diện các doanh nghiệp Trung Quốc dự tọa đàm (là các tập đoàn đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông, năng lượng và phân phối) đều đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Đại diện Tập đoàn ICBC châu Á cho biết Tập đoàn đã thành lập riêng một cơ quan để hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Lãnh đạo ICBC châu Á cảm ơn việc Chính phủ Việt Nam tạo môi trường đầu tư thông thoáng và nhìn nhận, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam có xu hướng tăng lên.
Ông Pu Jian, Giám đốc điều hành Tập đoàn Citic bày tỏ có thể giúp sản phẩm Việt Nam xâm nhập mạnh, sâu hơn vào thị trường Trung Quốc khi doanh nghiệp này nắm giữ 60% cổ phần của McDonald ở Trung Quốc với chuỗi 3.500 cửa hàng. “Qua kênh của McDonald cũng có thể tiêu thụ sản phẩm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc”, ông Pu Jian nói.
Tại cuộc tọa đàm, các doanh nghiệp Trung Quốc như Tập đoàn Sunwa, Tập đoàn đã xuất khẩu 80.000 tấn cà phê Việt Nam đi khắp các thị trường, cho biết, sẽ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch tại Việt Nam.
Đại diện Tập đoàn Quang Minh, tập đoàn thực phẩm lớn nhất Thượng Hải bày tỏ: “Qua phát biểu của Thủ tướng, chúng tôi hiểu hơn về kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt về sự phát triển nhanh chóng của ngành nông nghiệp Việt Nam và chúng tôi rất ngưỡng mộ điều này”. Ông cho biết tiềm năng hợp tác nông nghiệp với các doanh nghiệp Việt Nam rất lớn. “Chúng tôi nghĩ rằng trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm thì ngoài thương mại, chuyển giao kỹ thuật, chúng ta có thể tính đến hợp tác đầu tư xây dựng”, đại diện Tập đoàn Quang Minh cho biết.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Trung Quốc, một trong những nhà thầu xây dựng lớn của Trung Quốc, Tập đoàn đang hợp tác với Tập đoàn Sunwa đầu tư xây dựng một tòa nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh. “Chúng tôi từ nhà thầu đã chuyển thành đối tác đầu tư. Bây giờ chúng tôi thấy lý thú với lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ về thị trường Việt Nam và thấy có nhiều tiềm năng hợp tác về xây dựng các khu công nghiệp, cảng biển thông qua các hình thức hợp tác như BOT, EPC…”, lãnh đạo Tập đoàn nói.
Trước ý kiến này, Thủ tướng bày tỏ hoan nghênh việc một doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển từ nhà thầu trở thành một nhà đầu tư tại Việt Nam, đồng thời nhắc lại thông tin, trung bình mỗi năm Việt Nam cần 25 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng và cần tới 138 tỷ USD vốn cho đầu tư nguồn và lưới điện vào năm 2030. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc - Thủ tướng nói.