Cùng đi có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Lê Hoài Trung; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hoành Năm và Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Bùi Huy Hùng.
Với chủ đề “Đưa tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động”, các hội nghị cấp cao lần này (diễn ra từ 6-8/9) là dịp để lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác trao đổi sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành ngày 31/12/2015. Dịp này cũng sẽ diễn ra Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 8.
Tại các hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung bàn phương hướng và biện pháp tăng cường liên kết ASEAN, củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và các đối tác, đồng thời trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Phát huy vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đóng “vai trò nòng cốt” trong một số vấn đề lớn của Hiệp hội, đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị nhằm mục tiêu góp phần thúc đẩy ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, hoạt động hiệu quả hơn, củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; đẩy mạnh quan hệ toàn diện và thực chất giữa ASEAN với các đối tác đối thoại.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và các hội nghị cấp cao liên quan (ASEAN + 1, ASEAN + 3 và Cấp cao Đông Á) có sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.
Theo thông tin từ nước chủ nhà, Hội nghị Cấp cao ASEAN 28-29 và các hội nghị liên quan dự kiến sẽ thông qua nhiều văn kiện, trong đó có Tuyên bố Vientiane về chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững tại ASEAN; Tuyên bố Vientiane về tăng cường hợp tác di sản văn hóa trong ASEAN; Tuyên bố ASEAN về một ASEAN một phản ứng chung: Phản ứng chung của ASEAN trước thảm họa trong và ngoài khu vực…