Sáng 31/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành Tài nguyên và Môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành tài nguyên và môi trường (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2023, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, toàn ngành đã rất nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, của ngành được nhịp nhàng, thông suốt, đặc biệt trong bối cảnh Bộ có sự thay đổi, chuyển giao lãnh đạo. Nhiều kết quả quan trọng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và nhân dân đánh giá cao.
Nổi bật là công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục được quan tâm, qua đó tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống.
Kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thiết lập sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực tài nguyên và tham gia bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở tổng kết thi hành pháp luật, toàn ngành tài nguyên và môi trường đã tập trung cao độ xây dựng, hoàn thiện các dự án: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Địa chất và Khoáng sản. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến và sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất. Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đang tiếp tục được hoàn thiện để bảo đảm trình Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2024.
Bộ tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với đa dạng phương thức lấy ý kiến, tuyên truyền các điểm mới, thay đổi lớn trong dự thảo Luật đến mọi tầng lớp nhân dân. Đây thực sự trở thành sự kiện sinh hoạt chính trị sôi nổi với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Ngoài ra, với tinh thần cầu thị, luôn hướng về địa phương, cơ sở, Bộ đã chủ động cùng với các địa phương nắm bắt các vướng mắc trong thi hành pháp luật đề xuất Chính phủ, Thủ tướng xem xét ban hành các văn bản để tháo gỡ. Chỉ đạo xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành để bảo đảm hiệu lực thi hành đồng bộ, thống nhất với thời hiệu của Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sau khi được ban hành.
Đối với công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ tập trung xây dựng, hoàn thành 8/8 quy hoạch cấp quốc gia, 10/15 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Trong đó, lập Quy hoạch không gian biển quốc gia là nhiệm vụ khó, phức tạp, lần đầu được triển khai thực hiện ở nước ta (Quy hoạch đang được trình các cấp có thẩm quyền).
Bộ, ngành chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như đất đai, sản xuất, tài nguyên nước, thông tin, số liệu khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược của đất nước.
Hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức của người dân đối với các vấn đề về môi trường ngày càng được nâng cao.
Chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong ngành tài nguyên và môi trường được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ, ngành chủ động dự báo sớm, đủ độ chi tiết, tin cậy cao trong cảnh báo mưa lớn, bão, lũ trên các sông và các hình thái thời tiết cực đoan, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Chủ động triển khai các chiến lược, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư ngoài nước cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.