Thủ tướng đặt vấn đề: "Đối với thị trường bất động sản, chúng ta phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?".
Người đứng đầu Chính phủ nhận định, hiện nay xuất hiện một số vấn đề nổi lên về bất động sản và Chính phủ đã và đang tìm cách xử lý. Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, không thể tránh được những vấn đề phát sinh, những mâu thuẫn cần giải quyết. Đây là điều tất nhiên vì Việt Nam đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành trong điều kiện biến động cả bên trong và bên ngoài; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, trong nội tại vẫn còn nhiều khó khăn, mặt khác lại hội nhập sâu rộng, nền kinh tế có độ mở cao, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn tới bên trong.
"Năm 2022, đặc biệt trong tháng 10 và tháng 11, khi Fed nâng lãi suất, lạm phát đã tăng tác động lớn đến kinh tế Việt Nam. Chỉ cần một biến động nhỏ bên ngoài thì sẽ tác động đến bên trong", Thủ tướng dẫn giải.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững".
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường bất động sản, phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, quan điểm điều hành, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp kinh tế thị trường, bảo đảm quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự điều tiết của nhà nước khi cần thiết. Thủ tướng cũng lưu ý "không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội đổi lấy tăng trưởng đơn thuần".
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
"Chúng ta không hoang mang, dao động, lo sợ trước mọi khó khăn, thách thức, biến động, nhưng đồng thời cũng không say sưa trước những thắng lợi, không lơ là, chủ quan khi tình hình thuận lợi hơn, không đánh mất thời cơ", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững để tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng đề nghị khơi dòng vốn tín dụng cho bất động sản
Trong báo cáo kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng nêu 4 giải pháp nhằm khơi dòng vốn tín dụng cho bất động sản. Đó là: Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Hoàn thiện chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở và thị trường; Nới trần (room) tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng; Có những giải pháp kịp thời để đảm bảo tăng trường tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững. Tập trung cho các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội; Và đặc biệt là có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng cũng đã tổng hợp những khó khăn và khái quát thành bốn điểm quan trọng.
Thứ nhất, liên quan đến pháp luật về đất đai, điển hình là xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giao đất, đấu giá… đặc biệt là xác định đâu là giá đất thị trường.
Thứ hai, liên quan đến đến pháp luật về quy hoạch. Thứ ba, liên quan đến pháp luật về đầu tư và thứ tư là vướng mắc liên quan đến pháp luật về nhà ở, đô thị và xây dựng.
Với khó khăn về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Xây dựng nhận định nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian qua phát hành một lượng trái phiếu rất lớn, lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ đồng và có hạn trả nợ vào cuối năm 2022 và năm 2023.
Do đó, đây là khó khăn, áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc toàn quốc “Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" diễn ra sáng 17/2, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Thành phần tham dự gồm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các cơ quan, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Đại diện nhiều ngân hàng lớn sẽ tham gia Hội nghị này, gồm: Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, Techcombank, VPBank..
Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng chuẩn bị 60 bộ tài liệu và báo cáo phát tại điểm cầu trụ sở Chính phủ và chịu trách nhiệm gửi tài liệu đến các điểm cầu địa phương dự Hội nghị.
Lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản lớn như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh Land, GP.Invest, IMG, Becamex IDC Bình Dương, các hiệp hội bất động sản và chuyên gia kinh tế, tài chính...sẽ cùng thảo luận với Thủ tướng, các phó thủ tướng, lãnh đạo bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Chỉ tính từ tháng 11/2022 đến nay, Thủ tướng đã 5 lần chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực đầu tàu của nền kinh tế. Đặc biệt, Thủ tướng còn thành lập Tổ công tác về rà soát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn về mọi mặt cho lĩnh vực này.