Nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ điều hành bằng mệnh lệnh hành chính của các bộ, ngành thì sẽ khó tạo sự thông thoáng lĩnh vực đầu tàu của nền kinh tế.
Ngày 17/2, Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS). Chỉ tính từ tháng 11/2022 đến nay, Thủ tướng đã 5 lần chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực đầu tàu của nền kinh tế. Đặc biệt, Thủ tướng còn thành lập Tổ công tác về rà soát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn về mọi mặt cho lĩnh vực này.
Liên tiếp các Hội nghị về BĐS diễn ra thời gian qua cũng cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ. Dù vậy, công cuộc “phá băng” BĐS dường như vẫn chưa đưa ra được giải pháp đột phá mới nào.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, trong năm 2022, 1.200 doanh nghiệp BĐS đã giải thể, tăng 38,7% so với năm trước. Ngay cả các doanh nghiệp được cho là khỏe mạnh cũng đang “nghẹt thở” vì dòng tiền.
Thế bế tắc của thị trường BĐS cũng khiến các công ty xây dựng lao đao, nhiều doanh nghiệp báo lỗ, thậm chí là phá sản. Doanh nghiệp còn hoạt động cũng lâm vào cảnh thiếu dự án, “đói” vốn, nợ xấu gia tăng.
Chuyên gia cho rằng không thể quản lý thị trường bất động sản bằng mệnh lệnh hành chính.
Theo các chuyên gia, đây là điều đã được cảnh báo từ trước, nhất là khi ngân hàng bất ngờ siết tín dụng BĐS giữa lúc kênh trái phiếu gặp khó khăn. Dù vậy, các bộ, ngành càng gỡ lại càng rối khi. Vì thế, úc này, các doanh nghiệp đều trông mong vào Hội nghị của Thủ tướng để tìm lối thoát cho thị trường.
Lý giải tình trạng thị trường BĐS càng gỡ càng rối, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân nằm ở cách tiếp cận của các cơ quan quản lý. Các bộ, ngành vừa không nhìn nhận thẳng vào vấn đề căn cơ khiến thị trường bị bóp nghẹt, vừa có xu hướng đặt sự an toàn của lĩnh vực mình lên trên hết. NHNN vẫn khẳng định “không siết tín dụng” BĐS dù cả doanh nghiệp và người dân đều than trời vì không thể tiếp cận nguồn vốn vay.
Đơn cử như lãnh đạo một ngân hàng lớn tại Hội nghị ngày 8/2 của NHNN đã đưa ra đề xuất doanh nghiệp BĐS phải “bán bớt tài sản” để tự cứu mình. Hay việc lãnh đạo NHNN “gợi ý” doanh nghiệp giảm giá BĐS để bán và có dòng tiền. Nhiều chuyên gia nhận xét, tư duy điều hành thị trường bằng mệnh lệnh hành chính vẫn còn rất đậm nét.
Chuyên gia kinh tế, PGS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, các biện pháp như siết tín dụng là sự can thiệp mang tính phi thị trường.
Trong bối cảnh khủng hoảng thiếu về nguồn cung hiện nay, việc dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào thị trường là sai lầm. Doanh nghiệp BĐS nào cũng phải nghiên cứu thị trường rất kỹ, từ đó đưa ra các sản phẩm phù hợp. Nếu doanh nghiệp cố tình đưa ra sản phẩm không đúng phân khúc, tạo ra nhiều hàng tồn, thì bản thân doanh nghiệp đó sẽ tự bị đào thải.
“Nhà nước nên để các doanh nghiệp vận hành theo quy luật thị trường và tự cân đối cung - cầu. Phải đoạn tuyệt kiểu điều hành bằng mệnh lệnh hành chính, những quy định mang tính phị thị trường”, PGS. Đinh Trọng Thịnh thẳng thắn.
Chia sẻ về quan điểm này trên báo chí, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng: “Cần nhìn nhận đúng đắn vai trò của BĐS. Kinh tế thị trường không thể điều hành bằng mệnh lệnh hành chính. Không phải cứ thích là “siết”. Mối quan hệ giữa BĐS và tăng trưởng kinh tế rất chặt chẽ. Thị trường BĐS tăng mạnh thì tăng trưởng kinh tế cao”, ông Nghĩa nhấn mạnh.