Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thứ trưởng Y tế: Vượt khó khăn lịch sử, ngành Y đã chứng tỏ sức sống của mình

(VTC News) -

Ngành Y tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đây cũng là thời cơ lớn để đổi mới, tạo ra đột phá trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ với phóng viên VTC News về một năm chồng chất khó khăn của ngành, nhưng cuối cùng, những người chiến sĩ áo trắng cố gắng căng hết sức mình để vượt qua.

- Năm 2022 có thể nói là năm khó khăn của ngành Y với nhiều điều chưa từng xảy ra, trong đó phải kể đến tình trạng nhiều bệnh viện lâm cảnh thiếu thuốc, vật tư y tế... Đến nay bài toán này đã được giải quyết chưa, thưa ông?

Đúng là đã có những bệnh viện xảy ra tình trạng thiếu một số thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cục bộ tại một số thời điểm khi xảy ra dịch COVID-19. Thời điểm dịch, bệnh viện thường xuyên phải tiếp nhận bệnh nhân nặng, sử dụng nhiều nhóm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để giành lại sinh mạng cho bệnh nhân dẫn đến mất cân đối so với dự báo nhu cầu ban đầu.

Hiện nguồn cung thuốc, trang thiết bị y tế tại Việt Nam đã cơ bản đáp ứng nhu cầu, chỉ thiếu một số loại thuốc hiếm và vật tư thực hiện kỹ thuật cao.

Nguyên nhân khách quan là do dịch COVID-19 và dịch bệnh khác làm tăng nhu cầu tại cùng thời điểm do lượng người bệnh tăng đột biến sau giai đoạn giãn cách COVID-19; bệnh viện tuyến dưới chuyển người bệnh lên tuyến trên; đứt chuỗi nguồn cung trên thế giới; giá đầu vào tăng và nhà thầu bỏ thầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Nguyên nhân chủ quan là do việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc còn chậm; đơn vị e ngại trong tổ chức thực hiện mua sắm; thiếu cơ chế về việc cho phép tiếp tục sử dụng các máy đặt, máy xã hội hóa; tiến độ thực hiện mua sắm thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia; đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp địa phương còn chậm; nhiều gói thầu số lượng ít không thu hút nhà cung cấp…

- Ngành Y tế đã thực hiện những giải pháp nào để giải quyết thực trạng trên?

Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có Nghị quyết cho phép sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hiệu lực từ ngày 1/1/2023 kéo dài đến 31/12/2024; đồng thời xây dựng các biện pháp nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời đối với các thuốc hiếm, thuốc có nguồn cung hạn chế.

Bộ đang nghiên cứu xem xét, trình Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị các bệnh hiếm gặp để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị của các cơ sở y tế; đề xuất chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Bộ tiếp tục báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược theo hướng gia hạn tự động Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nhằm cải cách tối đa thủ tục hành chính. Đồng thời, Bộ Y tế đã quyết định bổ sung các đơn vị thẩm định là các trường đại học dược, đại học y dược trực thuộc Bộ Y tế, tăng cường việc thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế theo hướng tháo gỡ thủ tục để rút ngắn thời gian cấp đăng ký lưu hành, điều chỉnh quy định về kê khai, niêm yết giá nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp phép theo hướng tinh gọn nhất.

- Năm qua, nhiều bệnh viện công xin bỏ tự chủ hoàn toàn. Vậy ngành Y sẽ thực hiện thế nào để đảm bảo cân bằng giữa tự chủ và công bằng trong khám chữa bệnh, thưa ông?

Cơ chế tự chủ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc định hướng, chỉ đạo thực hiện với các đơn vị sự nghiệp công lập và triển khai rộng khắp các lĩnh vực hoạt động.

Trong lĩnh vực y tế, chính sách tự chủ bệnh viện đã được thực hiện từ nhiều năm trước theo Nghị định 10/2002/NĐ-CP, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo quy định hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập đều thực hiện “tự chủ tài chính” nhưng theo 4 nhóm, mỗi nhóm có mức độ tự chủ khác nhau. Mức độ tự chủ tài chính càng cao, khi đó sẽ tự chủ về hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, biên chế và ngược lại. 4 nhóm tự chủ gồm: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị do ngân sách Nhà nước bảo đảm một phần chi thường xuyên; đơn vị do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Trong giai đoạn 2020 - 2021, do dịch COVID-19, hầu hết các bệnh viện đều sụt giảm nguồn thu do lượng bệnh nhân đến khám bệnh, chữa bệnh giảm mạnh. Nhiều bệnh viện nguồn thu không đủ để bảo đảm chi hoạt động thường xuyên.

Bộ Y tế đã trình Thủ tướng ban hành các quyết định về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của đại dịch COVID-19.

Bộ Y tế đang nghiên cứu để ban hành văn bản hướng dẫn tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Bên cạnh đó xem xét đề nghị có cơ chế cho các đơn vị dự toán độc lập thuộc các đơn vị sự nghiệp công, đã tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc chi thường xuyên và chi đầu tư được tự chủ trong việc quyết định biên chế, đấu thầu. Trong khi giá chưa tính đủ chi phí thì phải phân biệt rõ các hoạt động dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao và các hoạt động, dịch vụ theo yêu cầu, thu theo giá tính đủ chi phí.

Về tổ chức bộ máy, Bộ đã và đang xây dựng hướng dẫn cụ thể về cơ chế tự chủ của các đơn vị hạch toán độc lập thuộc đơn vị sự nghiệp công; cơ chế đối với các đơn vị hoạt động theo chuỗi; cơ chế liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư giữa các bệnh viện công với nhau, giữa bệnh viện công với bệnh viện tư; nên khuyến khích và có cơ chế sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công với nhau…

- Năm qua, tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc diễn ra ở nhiều nơi. Ông đánh giá thế nào về việc này?

5 năm qua, ngành Y tế có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhất là trong hơn 2 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành cùng với các ngành, các cấp, các địa phương phòng chống thành công đại dịch COVID-19.

Chúng ta luôn trân trọng và đánh giá cao sự hy sinh tận tụy của đội ngũ cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch, khi họ phải đối mặt với các nguy cơ về sức khỏe, tính mạng, hy sinh cả lợi ích của bản thân, gia đình trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

"Chúng ta luôn trân trọng và đánh giá cao sự hy sinh tận tụy của đội ngũ cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch, khi họ phải đối mặt với các nguy cơ về sức khỏe, tính mạng, hy sinh cả lợi ích của bản thân, gia đình trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch", Thứ trưởng Y tế nói.

4 đợt dịch bùng phát gây ra những hậu quả và tác động nặng nề với mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội cũng như sức khỏe, tính mạng con người. Các “chiến sĩ áo trắng” quên mình hỗ trợ cộng đồng lúc nguy nan, thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc là chữa bệnh cứu người. Họ không đòi hỏi gì về chế độ, sẵn sàng làm nhiệm vụ với tinh thần “ở đâu bệnh nhân cần, ở đó có nhân viên y tế”. Không thể đong đếm được hết những hy sinh, vất vả của các chiến binh áo trắng trên tuyến đầu chống dịch.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, đại dịch COVID-19 đi qua cũng để lại những hệ lụy không nhỏ, những biến cố bộc lộ một số yếu kém, hạn chế dẫn đến sai phạm trong đấu thầu, mua bán vật tư, sinh phẩm phòng, chống dịch… nhiều cán bộ đã bị điều tra, khởi tố, truy tố, bắt giam…

Đây thật sự là nỗi đau không nhỏ đối với ngành Y, khiến tâm lý người làm ngành Y bị ảnh hưởng, uy tín đối với ngành Y có phần giảm sút. Nhưng, chúng ta nên nhìn nhận sự việc một cách công tâm rằng, những vi phạm này xảy ra xuất phát từ một số trường hợp chứ không phải toàn bộ ngành Y, và tinh thần là sai phạm ở đâu xử lý ở đó một cách khách quan.

- Ông mong muốn điều gì đối với ngành Y trong năm 2023?

Ngành Y đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đây cũng là thời cơ lớn để đổi mới, tạo ra đột phá trong thời gian tới. Tôi hy vọng và mong muốn người dân, dư luận xã hội thông cảm, chia sẻ với ngành Y, với đội ngũ cán bộ y tế. Mong người dân không vì một vài vụ việc tiêu cực mà phủ nhận toàn bộ các nỗ lực và đóng góp của ngành trong hoạt động thực tiễn, nhất là suốt trong các đợt dịch xảy ra vừa qua.

Nhân dịp này, tôi đề nghị các cấp, các ngành và cộng đồng tiếp tục đồng hành, quan tâm, chia sẻ, ủng hộ ngành Y, góp phần đưa ngành phát triển nhanh và bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ cao cả chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Để từng bước khắc phục tình trạng trên cả trước mắt và lâu dài, Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế; các chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe. Đặc biệt, theo chỉ đạo của Chính phủ, đặt nhiệm vụ hàng đầu là hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế đối với chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế.

Tôi tin tưởng, vượt được những khó khăn lịch sử trong năm qua, ngành Y tế đã và đang chứng tỏ được sức sống của mình, sẽ tiếp tục vượt lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân trong năm 2023 và những năm tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hải

Tin mới