Đó thật sự là quãng thời gian cam go, khốc liệt nhất đối với người làm nghề y. Hình ảnh bệnh nhân qua đời ngay trước mắt đến bây giờ vẫn ám ảnh ông.
- Nhìn lại 4 đợt dịch COVID-19 ở nước ta, đặc biệt là 4 tháng ở tâm dịch TP.HCM, điều gì khiến ông mãi không quên?
Trải qua 4 đợt dịch COVID-19, cảm nhận lớn nhất của tôi là “tình người”. Chúng ta đã cùng nhau vượt qua những thương đau, mất mát, cả về tính mạng con người, cả về trí lực và tiền bạc. Nhưng cũng chính điều đó tiếp thêm sức mạnh để chúng ta cùng nhau chiến thắng trong cuộc chiến khốc liệt này.
Những đóng góp của lực lượng tuyến đầu chống dịch không gì kể xiết. Họ luôn có mặt tại điểm nóng để kịp thời cứu chữa người bệnh. Đó không chỉ là nghĩa vụ với nghề, mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa đồng bào cao cả. Những cảm xúc đó có lẽ cả cuộc đời tôi không bao giờ có được lần thứ 2.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh An Giang. (Ảnh: Bộ Y tế)
Nhất là trận chiến COVID-19 lần thứ 4, những hình ảnh đau lòng phải chứng kiến có lẽ khiến tôi không bao giờ nguôi ngoai. Đó thật sự là quãng thời gian khủng khiếp.
- Từng trưởng thành từ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, gia đình ông cũng đang ở TP.HCM, trở về thành phố với cương vị Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, tâm trạng ông ra sao?
Là trở lại quê hương! Đối với mỗi người con xa nhà, xa quê thì tình cảm luôn hướng về quê hương. Với tôi cũng vậy. Lúc nào tôi cũng nhớ TP.HCM vì nơi đó có gia đình của mình.
Tôi sinh ra, lớn lên ở Hà Nội nhưng ba gốc Sài Gòn. Cả nhà chuyển vào Sài Gòn từ năm 1975. Ở tôi, một phần mang cốt cách của người Hà Nội, còn trưởng thành như bây giờ là nhờ thành phố đã uốn nắn, dạy dỗ. Vì vậy, khi trở lại, điều duy nhất tôi tự nhủ là phải cố gắng hết mình cho quê hương, làm tất cả những gì tốt đẹp nhất để quê hương sớm được bình yên trở lại.
- Giai đoạn đầu ở TP.HCM, không ai có thể hình dung dịch lại bùng phát khủng khiếp như thế. Số ca mắc và tử vong ở TP.HCM và tỉnh phía Nam liên tục tăng, nhất là tháng 7, ca nhiễm tăng 23 lần chỉ trong 4 tuần. Đã bao giờ ông nản lòng, tuyệt vọng khi không nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm"?
Lo lắng thì đúng hơn. Còn nản lòng và tuyệt vọng thì không. Đó là khi thời điểm số lượng các ca F0, bệnh nhân nặng và số ca tử vong liên tục tăng cao mỗi ngày. Chẳng hạn có giai đoạn tốc độ xét nghiệm không đạt như mong muốn. F0 không phát hiện được hết, âm thầm lây lan trong cộng đồng. Rồi F0 trở nặng vì nhiều nguyên nhân…
Nhiều lúc tôi cảm thấy mệt mỏi, không phải vì trách nhiệm quá nặng nề mà bởi thời điểm đó TP.HCM hết sức căng thẳng.
Hệ thống tổng đài cấp cứu 115 và sau đó là khai báo y tế 1800.1119 gần như bị nghẽn hết. Xe cấp cứu càng thiếu hơn. Lúc người bệnh gọi được xe thì đã trở nặng. Mà đã xong đâu, không ít người nằm trên xe cấp cứu đi hết nơi này sang nơi kia không nhập viện được vì quá tải.
Bộ phận thường trực của chúng tôi nhiều đêm thức trắng. Anh chị em vừa ăn vừa làm việc. Mắt đỏ hoe vì nhiều ngày liền không ngủ.
- Còn cảm giác sợ thì sao?
Cũng có! Vẫn sợ chứ! Sợ nhất là khi phải chứng kiến quá nhiều cái chết, quá nhiều đau thương.
Ngày xưa khi trực cấp cứu, nhiều đêm không ngủ nổi vì bệnh nhân mất ngay trước mắt mình. Đợt dịch vừa qua cũng thế. Rất nhiều đêm tôi không thể nào chợp mắt nổi. Đau lắm! Bạn nghĩ xem, mấy trăm ca tử vong trong một ngày! Bộ phận thường trực nhiều hôm ngồi khóc với nhau. Đến giờ nhắc lại tôi vẫn thấy ám ảnh.
- Điều ông trăn trở, suy nghĩ nhiều nhất trong trận chiến chống dịch ở TP.HCM?
Dịch bệnh trên địa bàn cả nước nói chung và TP.HCM vô cùng phức tạp. Suốt nhiều tháng qua, hàng ngàn nhân viên y tế ngày đêm gồng mình chiến đấu với dịch COVID-19. Áp lực thể chất, tinh thần đè nặng lên vai mỗi người. Những lúc ấy, điều tôi trăn trở, lo lắng và mong mỏi nhất là làm sao có thể giúp các đồng nghiệp của mình vững vàng hơn để vượt qua tất cả.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm, động viên các y, bác sĩ tại bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12 (Phường An Khánh, thành phố Thủ Đức). (Ảnh: Bộ Y tế)
Khi số lượng bệnh nhân tăng quá nhanh, họ căng mình làm việc đến 200% sức lực, ngày đêm giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân cùng lúc. Bên cạnh đó là nỗi khổ do phải xa gia đình, người thân, làm việc dài ngày trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao và căng thẳng…
Dù áp lực, nhưng các thầy thuốc đều tự nhủ "không được phép buông tay", phải vượt lên mọi khó khăn. Họ sẵn sàng đón nhận rủi ro về mình, đồng tâm hiệp lực chiến thắng dịch bệnh. Nhiều cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2, thậm chí có người vĩnh viễn ra đi khi vẫn đang tràn đầy hoài bão và cháy bỏng khát vọng cống hiến. Đó là những mất mát lớn nhất đối với ngành y tế.
Dù áp lực, nhưng các thầy thuốc đều tự nhủ "không được phép buông tay", phải vượt lên mọi khó khăn. Họ sẵn sàng đón nhận rủi ro về mình, đồng tâm hiệp lực chiến thắng dịch bệnh.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn
- Những hy sinh, mất mát của đội ngũ y tế cũng là nỗi đau khiến ông không thể nguôi ngoai đến bây giờ?
Đúng thế! Với đồng nghiệp, tôi không biết nói sao cho đủ, nhưng họ thực sự là những anh hùng trên mặt trận chống dịch.
Họ đã nỗ lực không mệt mỏi, đồng lòng, đồng sức cùng với lực lượng công an, quân đội, các lực lượng nơi tuyến đầu để vượt qua khó khăn, từng bước đẩy lùi dịch bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Tôi thực sự cảm phục, biết ơn đội ngũ y bác sĩ và các lực lượng xung phong tình nguyện trong công cuộc chống dịch COVID-19 tại TP.HCM. Tôi luôn trăn trở và mong cán bộ nhân viên ngành y tế được hưởng những chính sách đãi ngộ tốt hơn, xứng đáng hơn với sự vất vả, hy sinh của họ, nhất là trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.
- Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế liên tục ban hành nhiều văn bản áp dụng riêng cho TP.HCM. Điều này khác hẳn những tỉnh, thành khác?
Tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM khác hẳn so với các địa phương khác. Bộ Y tế đã xây dựng và cập nhật các hướng dẫn chuyên môn, hướng dẫn địa phương chủ động nâng cao tối đa năng lực truy vết, cách ly, xét nghiệm và điều trị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thị sát tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Bộ Y tế)
Nhiều biện pháp chuyên môn lần đầu tiên được áp dụng trên thực tiễn, đáp ứng với diễn biến mới của dịch bệnh, nhất là với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta. Chúng ta đã có những thay đổi mang tính chiến lược như: quyết định giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong đợt dịch thứ 4; điều động nguồn nhân lực, chi viện cho các địa phương chống dịch; quyết định thành lập các Trạm Y tế lưu động; điều trị F0 tại nhà; quyết định về chiến lược vaccine…
Chúng ta đã tập trung toàn lực để điều trị giảm tử vong, thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến; phân tầng điều trị. Cùng với đó là nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả và tổ chức thực hiện linh hoạt theo diễn biến dịch bệnh.
Tôi luôn trăn trở và mong cán bộ nhân viên ngành y tế được hưởng những chính sách đãi ngộ tốt hơn, xứng đáng hơn với sự vất vả, hy sinh của họ, nhất là trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn
- Thực hiện nhiệm vụ chống dịch, có thể thấy không có thời gian tĩnh, không phút giây nghỉ ngơi. Mọi quyết định đưa ra phải rất nhanh. Ông và đồng nghiệp đã làm thế nào?
Những quyết sách trong chống dịch là ý chí của tập thể và sự sẻ chia của người dân. Không có những điều đó thì chúng tôi cũng không thể làm tốt vai trò của mình trong cuộc chiến này.
- Không chỉ ở TP.HCM, mà gần như điểm nóng dịch nào (như Hải Dương, Bắc Giang) cũng thấy hình ảnh của ông. Có bao giờ ông nghĩ bản thân cũng trở thành F0?
Đó là nhiệm vụ! Vì thế tôi luôn sẵn sàng đón nhận những rủi ro, những tình huống xấu nhất, kể cả dù có trở thành F0.
- Thứ trưởng đánh giá thế nào về diễn biến dịch COVID-19 hiện nay? Để thích ứng an toàn với COVID-19, theo ông cần lưu ý gì?
Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Để thích ứng an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, theo tôi cần lộ trình từng bước.
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; làm tốt hơn nữa công tác dự báo; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với kiểm tra, giám sát và phát huy tính tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp.
Hai là, triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương chủ động xây dựng và tổ chức lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19.
Ba là, tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Bảo đảm an ninh y tế, chú trọng thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế để chủ động trong phòng, chống dịch, kể cả đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi. Tiếp tục nhập khẩu vaccine và thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước để từng bước chủ động nguồn cung, đáp ứng nhu cầu năm 2022 và những năm tiếp theo.
Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, hy sinh.
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện các chính sách, có giải pháp tổng thể, xã hội hóa công tác an sinh xã hội. Quan tâm chăm sóc sức khỏe, sang chấn tâm lý của người dân; chú ý trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập do đại dịch; khắc phục các bất cập trong việc tổ chức học trực tuyến. Bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch và tham nhũng, tiêu cực.
Năm là, tiếp tục phát huy vai trò của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và thống nhất áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển bảo đảm an toàn, an ninh và các yêu cầu phòng, chống dịch.
Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, thống nhất một ứng dụng công nghệ bảo đảm thuận lợi khi sử dụng và an toàn thông tin; nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
- Ngay lúc này, ông lo lắng nhất điều gì và mong muốn gì nhất?
Vẫn là tình hình dịch bệnh. Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, chúng ta đã phải chịu nhiều mất mát, hy sinh. Vì vậy, điều tôi lo lắng lúc này là những diễn biến hết sức phức tạp của tình hình dịch COVID-19, đặc biệt là biến chủng mới Omicron tiềm ẩn nguy cơ cao chưa lường trước được, đồng nghĩa với đó là những khó khăn phía trước vẫn còn.
Mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà bình yên trở lại.
- Xin cảm ơn ông!