Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thứ trưởng Nhật Bản: Cần chuẩn bị kịch bản xung đột với Trung Quốc ở Senkaku

(VTC News) -

Trả lời VTC News, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng Tokyo cần chuẩn bị kịch bản xung đột với Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Hôm 21/4, Diễn đàn Toàn cầu Boston chi nhánh tại Nhật Bản tổ chức hội nghị trực tuyến "Các lãnh thổ tranh chấp và hòa bình thế giới - Các vấn đề về quần đảo Senkaku/Điếu ngư". 

Sự kiện có sự tham gia của Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama, cựu Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Ichiro Fujisaki, Thẩm phán của Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS) Shunji Yanai, Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston Nguyễn Anh Tuấn…

Tại hội nghị, các diễn giả đề cập tới các tranh chấp hiện nay tại quần đảo Senkaku/Điếu ngư cũng như việc Trung Quốc thông qua luật hải cảnh hồi tháng 1. 

Trả lời câu hỏi của VTC News liên quan tới việc Trung Quốc thông qua luật hải cảnh (CCG), Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama dẫn ra điều 3 trong CCG nêu rõ luật này có thể áp dụng với việc hải cảnh triển khai hoạt động chấp pháp, bảo vệ quyền trên biển trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama. (Ảnh: Alarabiya News)

Tuy nhiên, theo ông Nakayama, trên thực tế, các các khu vực biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc rất mơ hồ. 

"Nếu Trung Quốc áp dụng luật hải cảnh ở các khu vực không thuộc quyền tài phán của nước này, điều này sẽ vi phạm luật pháp quốc tế", ông Nakayama. 

Theo dự luật được công bố trước đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng "mọi phương tiện cần thiết" để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài. Luật cũng nêu rõ từng trường hợp hải cảnh có thể sử dụng những loại vũ khí khác nhau, bao gồm vũ khí cầm tay, phóng từ tàu hay từ trên không. 

Ngoài ra, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng sẽ được phép phá hủy các công trình do những nước khác xây dựng trên các bãi đá ngầm mà Bắc Kinh có yêu sách chủ quyền cũng như lên tàu nước ngoài kiểm tra. Luật Hải cảnh mới cho phép Bắc Kinh tạo ra các vùng cấm tạm thời trên biển "khi cần thiết" để ngăn chặn tàu bè và công dân nước khác đi vào các khu vực đó.

"Tuy nhiên, tàu quân sự nước ngoài và tàu chính phủ có quyền miễn trừ để thực thi pháp luật và luật pháp quốc tế", Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh, nói thêm rằng sẽ là vi phạm luật pháp quốc tế nếu Trung Quốc áp dụng luật hải cảnh trong các trường hợp mà Bắc Kinh đề cập trong CCG. 

Liên quan tới các tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cựu Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Ichiro Fujisaki cho biết về bản chất, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong diện bảo vệ của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.

Theo ông Fujisaki, các hành động làm gia tăng bất ổn trong khu vực gần đây của Trung Quốc buộc Mỹ phải lên tiếng và tái cam kết bảo vệ quần đảo này. 

Trước đó, hồi tháng 1, Mỹ tái cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo vệ theo quy định của Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, đồng thời phản đối bất kỳ hành động đơn phương làm làm phương hại đến quyền quản lý trên thực tế của Nhật Bản đối với Senkaku/Điếu Ngư.

"Không phải Mỹ bị thúc ép để đưa ra cam kết mà điều này xuất phát từ các hành động gần đây của Bắc Kinh", ông Fujisaki cho biết. 

Về khả năng xảy ra một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong tương lai liên quan tới tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama cho rằng khó có khả năng Trung Quốc tấn công trực tiếp Nhật Bản. Tuy nhiên, trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan, nó sẽ rất gần lãnh thổ Nhật Bản. 

Dù nhận định khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa Trung Quốc và Nhật Bản là rất khó, ông Nakayam vẫn cho rằng cần phải chuẩn bị cho kịch bản này. 

"Tôi không nghĩ điều này sẽ xảy ra. Nhưng dù vậy, chúng ta vẫn cần chuẩn bị", vị quan chức quốc phòng cấp cao của Nhật Bản cho hay. 

Hội nghị "Các lãnh thổ tranh chấp và hòa bình thế giới - Các vấn đề về quần đảo Senkaku/Điếu ngư" được điều phối bởi Diễn đàn Toàn cầu Boston.

Phát biểu mở đầu sự kiện, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc điều hành Diễn đàn Toàn cầu Boston cho rằng đã đến lúc các chính phủ, các lực lượng dân chủ, văn minh, yêu chuộng hoà bình và công lý trên toàn thế giới cần thống nhất, đoàn kết và hành động.

"Các công ty, các chính phủ không vì lợi ích trước mắt của công ty, của nước mình mà thoả hiệp với những nguy cơ đe doạ hoà bình và an ninh của nhân loại. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chà đạp lên những giá trị phổ quát của Liên Hợp Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế về lãnh thổ, lãnh hải, không phận phải bị ngăn chặn để bảo đảm hoà bình, an ninh cho nhân loại", ông Tuấn nhấn mạnh. 

Song Hy

Tin mới