Chiều 2/12, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021, trả lời câu hỏi của báo chí về việc gia hạn vaccine phòng COVID-19 đang được dư luận quan tâm, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, vào ngày 22/8, Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và ngày 10/9/2021 Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) đã thông qua hạn sử dụng của vaccine Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng.
Ngày 20/9, Tổ chức Y tế thế giới cũng đã có thư gửi UNICEF thông báo về việc tăng hạn sử dụng vaccine Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng.
Ông Thuấn cho biết, việc gia hạn sử dụng này được áp dụng chung trên toàn cầu trong tiêm chủng cho tất cả các nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Việc gia hạn này cũng đã được kiểm định khắt khe và đảm bảo chất lượng an toàn, hiệu quả.
Từ thời điểm FDA và EMA phê duyệt nói trên, các lô vaccine Pfizer đã sản xuất trước đây có hạn sử dụng 6 tháng thì tự động tăng hạn dùng lên 9 tháng. Các quốc gia trên thế giới vẫn giữ nguyên nhãn trên lọ vaccine theo hạn sử dụng của nhà sản xuất và chỉ có thông báo riêng về tăng hạn sử dụng của vaccine lên 9 tháng.
Trong thời gian tới, Nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu và nếu đảm bảo ổn định, chất lượng, Nhà sản xuất sẽ nộp hồ sơ cho các cơ quan thẩm quyền để tăng hạn sử dụng của vaccine đến 12, 18 hoặc 24 tháng.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nhắc lại ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Việc gia hạn vaccine Pfizer thực hiện theo thông lệ của quốc tế, Việt Nam không tự động gia hạn. Mọi vaccine về Việt Nam đều được kiểm định theo yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới và đảm bảo chất lượng khi sử dụng cho người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời tại họp báo.
Về việc tiêm mũi vaccine bổ sung (mũi 3), Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, tính đến ngày 1/12, Bộ Y tế đã tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng hơn 120 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi, trong đó đã có hơn 94% người được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và gần 68% người tiêm đủ 2 liều; một số tỉnh, thành phố đã tiêm đủ 2 mũi cho khoảng 80- 90% số người trên 18 tuổi trên địa bàn.
Thực hiện chiến lược tiêm chủng vaccine, tính đến 1/12, Bộ Y tế đã tổ chức tiêm chủng trên… độ tuổi trên 18 đã có trên 94%. Nhiều tỉnh, thành phố đã tiêm đủ từ 80-90% cho người dân. Việc tiêm đủ liều có ý nghĩa lớn nên, để tăng cường.
Ngày 1/12, Bộ Y tế ban hành văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Cục Y tế (Bộ Công an); Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Theo ông Thuấn, để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, theo khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các nước, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID- 19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên.
Loại vaccine nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine véc tơ virus (vaccine Astrazeneca)
Khoảng cách tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung. Theo Bộ Y tế, vaccine sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt. Liều lượng vaccine để tiêm bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.