Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thu giữ hàng nghìn lọ sa tế tôm giả mạo nhãn hiệu Thuận Phát

(VTC News) -

Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên phát hiện và thu giữ trên 3.400 sản phẩm sa tế tôm có dấu hiệu giả mạo và xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Thuận Phát.

Ngày 30/9, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên kiểm tra đột xuất 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện 2 cơ sở trên đang kinh doanh 726 sản phẩm sa tế tôm giả mạo nhãn hiệu Thuận Phát và 2.700 sản phẩm sa tế tôm xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Thuận Phát. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được bất kỳ giấy tờ, hóa đơn chứng từ nào liên quan đến số hàng hóa trên.

Kiểm soát viên Đội QLTT số 2 đang hoàn tất thủ tục kiểm tra, xử lý vi phạm tại hiện trường kiểm tra.

Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ các cơ sở cho biết hộ kinh doanh nhập hàng hóa trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời. Sản phẩm có tem nhãn mác đầy đủ nên chủ kinh doanh không biết rằng đây là sản phẩm giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ.

Trực tiếp tham gia vào quá trình kiểm tra, Đội trưởng Đội QLTT số 2 Trần Khánh Phương cho rằng, rất khó để người tiêu dùng có thể phân biệt bằng mắt thường giữa sản phẩm vi phạm và sản phẩm chính hãng, bởi mẫu mã, hình thức của hai sản phẩm tương đối giống nhau. Điều đó thể hiện sự tinh vi của đối tượng, mập mờ thông tin để đánh lừa người tiêu dùng.

Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 2 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Trước đó, sau hơn 2 tháng thẩm tra, xác minh, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT, chiều tối 11/11/2021, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp Cục QLTT Hà Nội và Cục QLTT Bắc Ninh chia thành hai tổ đồng loạt ập vào xưởng sản xuất và kho chứa hàng hoá là sản phẩm sa tế có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Thuận Phát tại địa chỉ Thôn Yên Khê, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội và căn nhà tạm, không có biển hiệu tại ngõ Cổng Dền, phường Phù Lưu, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Tại thời điểm kiểm tra ở địa chỉ Thôn Yên Khê, Gia Lâm, Hà Nội, cơ sở này ngổn ngang dây chuyền sản xuất theo hình thức không khép kín với các trang thiết bị vật tư như: nồi hơi, nồi nấu, nồi xay, nồi san chiết, máy dán nắp, máy hàn nilon và một lượng lớn vỏ hũ cùng hàng vạn tem, nhãn đựng trong các bao tải và các cuộn tròn chưa sử dụng.

Kiểm đếm thực tế, lực lượng QLTT ghi nhận trên 21.000 lọ sa tế tôm mang nhãn hiệu Thuận Phát được đóng thành phẩm trong 187 thùng carton, xếp ngay ngắn phía ngoài cổng nhà sẵn sàng cho việc vận chuyển đi tiêu thụ.

Các sản phẩm đều có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu Thuận Phát đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Còn tại số 21, ngõ Cổng Dền, phường Phù Lưu, TP Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh do bà Đặng Thị Nga làm chủ, đoàn kiểm tra phát hiện 62 thùng sa tế tôm ngon Thuận Phát với tổng cộng gần 7.000 hũ sa tế tôm ngon Thuận Phát của Công ty TNHH chế biến và sản xuất sa tế tôm ngon Thuận Phát.

Toàn bộ số hàng hoá chưa qua sử dụng nhưng chủ cơ sở chưa xuất trình được hoá đơn chứng từ liên quan. Cũng giống các sản phẩm tại thôn Yên Khê, xã Yên Thường, các sản phẩm này đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Thuận Phát được đăng ký bảo hộ.

Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, trong thời gia qua, Tổng cục QLTT tăng cường chỉ đạo các Cục QLTT bám sát thị trường, để nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn và xử lý các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.

Bảo Anh

Tin mới