Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thú chơi cây trăm tuổi của đại gia: Vì sao đại thụ rời rừng trót lọt?

(VTC News) -

"Máu rừng" vẫn chảy vì những thú chơi ngông cuồng, ích kỷ, tàn phá môi trường của những đại gia thiếu văn hóa và sự lúng túng của cơ quan quản lý.

 

Hơn 2 tháng vào vai đại gia không tiếc tiền mua cây cảnh biếu sếp kết thúc bằng hàng chục cuộc điện thoại, cuộc làm việc với chính quyền địa phương, kiểm lâm các tỉnh, huyện về "thế giới ngầm" sau thú chơi cây cổ thụ.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thấy có những phương án khả thi từ phía chính quyền địa phương, ngành chuyên môn để ngăn chặn sự trí trá của những kẻ biến cây rừng thành cây nhà, nguyên nhân đưa ra là do vướng thông tư.

Đại diện Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết, căn cứ Điều 9 Luật Lâm nghiệp năm 2017, hành vi khai thác cây gỗ từ rừng tự nhiên trái quy định của pháp luật là một trong các hành vi bị nghiêm cấm và phải bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tất cả các đại diện Chi cục Kiểm lâm đều khẳng định hành vi khai thác cây gỗ rừng trái pháp luật ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, gây ra tình trạng biến đối khí hậu, mất đa dạng sinh học, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người.

Trước thông tin về tình trạng người dân lén lút vào rừng đào bới cây cảnh “rộ” lên như hiện nay, họ cũng đều cho biết đơn vị sẽ tăng cường lực lượng giám sát, siết chặt hoạt động tuần tra bảo vệ rừng từ gốc, nếu phát hiện sẽ có biện pháp xử lý.

Thế nhưng họ cũng đều lắc đầu ngán ngẩm bởi hiện nay chế tài xử phạt về việc đào bới, buôn bán cây cảnh trái phép gặp khó khăn trong việc truy xuất hồ sơ nguồn gốc lâm sản.

 

Trước đây, Thông tư 01/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các đối tượng cây tự nhiên còn sót lại ở các nương rẫy đã có sổ đỏ, muốn sử dụng khai thác, buôn bán hợp pháp thì phải có sự giám sát, xác nhận của kiểm lâm địa bàn, UBND xã, người dân và cộng đồng khu dân cư rất chặt chẽ.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2018, Thông tư 27 của Bộ này lại bỏ đi sự giám sát, vai trò xác nhận, tham mưu của kiểm lâm nên việc xác nhận nguồn gốc lâm sản được nới lỏng.

Hiện việc khai thác cây có nguồn gốc từ tự nhiên, cây trùng tên với các loại cây trong rừng chỉ cần người mua và người bán tự làm bản kê với nhau, có xác nhận của UBND xã là có thể vận chuyển, buôn bán hợp pháp.

Từ khi có Thông tư 27 đã xảy ra hiện tượng các bên lợi dụng sơ hở, tự thỏa thuận để làm giấy tờ nguồn gốc lâm sản. Có đối tượng vào rừng khai thác cây, sau đó liên hệ với người dân có đất rẫy có sổ đỏ làm hồ sơ, giấy tờ để được buôn bán, vận chuyển hợp pháp.

Ngoài ra, quá trình giao đất rừng cho người dân, ngành chức năng đã có quy định nghiêm cấm việc khai thác những cây trùng tên với rừng tự nhiên. Tuy nhiên, người dân lại lợi dụng việc phân định 3 loại rừng để khai thác, buôn bán cây tự nhiên.

Do quá trình giao đất không rõ ràng nên việc truy xuất nguồn gốc lâm sản, cây rừng tự nhiên cũng không thể tách bạch, xác lập được quyền sở hữu của Nhà nước.

Khi đi kiểm tra các nhà vườn cũng vậy, truy xuất nguồn gốc lâm sản thì họ đều khai báo và có giấy tờ chứng minh mua cây của người dân, và hầu hết là giấy tờ mua cây ở địa phương khác nên chúng tôi rất khó đi xác minh, truy xuất.

Họ đưa giấy mua cây có dấu của chính quyền địa phương và sổ đỏ của người bán cây cho họ, thì chúng tôi không xử lý được. Chi cục cũng đã đề xuất Sở NN&PTNT về việc phục hồi lại chức năng xác nhận, giám sát của kiểm lâm địa bàn trong việc khai thác cây tự nhiên để việc bảo vệ rừng được tốt hơn”, đại diện Chi cục Kiểm lâm Bình Định nói.

 

Và cứ như vậy, dưới vỏ bọc bán cây trong vườn, trên đất rẫy có xác nhận đỏ chót của chính quyền địa phương, những nhóm người cứ ngạo nghễ tàn sát thiên nhiên một cách hợp pháp.

Đại diện Chi cục Kiểm lâm Bình Định khẳng định cơ quan chức năng đã triển khai biện pháp ngăn chặn, bảo vệ cây rừng từ gốc. “Tuy nhiên, một khó khăn nữa trong việc quản lý khai thác cây rừng là tình trạng thiếu nhân lực, biên chế cho lực lượng kiểm lâm còn mỏng”, vị này nói.

“Cái khó” của cơ quan chức năng tỉnh Bình Định khiến chúng tôi chạnh lòng nhớ đến “cái khó” cách đây hơn 10 năm của lực lượng kiểm lâm huyện Phù Cát đã dẫn đến cái chết nức nở của một cây lộc vừng trăm tuổi.

Vụ việc xảy ra vào khoảng cuối tháng 3/2010, một nhóm gần 40 người mở đường lên khu vực núi Bàu Dừng - Đá Vàng (xã Cát Hải, Phù Cát) để đào một cây lộc vừng cổ thụ mà người dân ở đây tương truyền là đã hàng trăm năm tuổi. Đào xong, nhóm người vận chuyển cây lộc vừng xuống lưng chừng núi thì bị kiểm lâm huyện Phù Cát phát hiện, tịch thu.

Vì cây to, đường núi hiểm trở nên không thể chuyển đi được, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát quyết định cho tiêu hủy cây bằng cách đốt phần gốc và rễ cây “nhằm mục đích răn đe bọn khai thác cây rừng trái phép”.

Sự việc gây xôn xao dư luận một thời gian dài. Đến giờ, mỗi khi nhắc lại, nhiều người vẫn không thể lý giải được vì sao lực lượng bảo vệ rừng, bảo vệ sự sống cho cây rừng nhưng thay vì lựa chọn phương án cho trồng để tái tạo lại cây lộc vừng ngay tại vị trí bắt giữ thì các vị lại quyết định “khai tử” cây lộc vừng trăm tuổi.

Thêm nữa, cây rừng là tài sản Nhà nước, tiêu hủy tài sản Nhà nước thì chỉ Nhà nước chịu thiệt chứ nhóm khai thác rừng trái phép kia chịu thiệt hại gì mà “răn đe” được họ?

Nhiều kẻ lợi dụng các công trình, dự án để "lách luật", biến cây rừng thành cây nhà...

Đến nay, lực lượng kiểm lâm cấp huyện Phù Cát tự tin khẳng định trên địa bàn không phát hiện vụ đào trộm lâm sản, quá trình kiểm tra đột xuất các nhà vườn được tiến hành thường xuyên và cây tại đây đều được thu mua hợp pháp từ các tỉnh khác đưa về.

Nhưng trong quá trình nhập vai “đại gia”, chủ các “rừng” đại thụ cảnh dọc quốc lộ 1A công khai khẳng định các gốc đại thụ trong vườn nhà mình đa số có nguồn gốc mua của những nhóm người săn cây từ rừng Bình Định bởi “cây rừng Bình Định đạt chất lượng tốt nhất, dáng thế độc đáo nhất, dễ chăm sóc nhất và ít bị chết”.

 

Trong khi đồng nghiệp tỉnh bạn loay hoay vì “vướng thông tư, nhân lực mỏng” thì lực lượng kiểm lâm Ninh Thuận sau liên tiếp các vụ cán bộ kiểm lâm bị dọa giết, đánh đập gây thương tích suốt đời, lại có những trăn trở khác biệt: Làm sao để vừa giữ rừng, bảo tồn cây cổ thụ, trấn áp các nhóm đào trộm cây rừng, vừa giữ an toàn cho lực lượng bảo vệ rừng.

Với những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng Ninh Thuận, việc bảo vệ những loại cây phục vụ cho thú chơi đang là phong trào luôn không hề dễ dàng khi các nhóm đào trộm cây rừng quá manh động, mỗi cuộc chạm trán với các đối tượng đều là “cuộc đối đầu sinh tử” với lực lượng bảo vệ rừng.

Ông Lê Minh Sang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận cho biết, trong vài năm trở lại đây do thị hiếu, nhu cầu sử dụng cây cây cảnh tăng cao dẫn đến tình trạng một số người dân địa phương trên địa bàn thường xuyên có hoạt động khai thác, vận chuyển, mua, bán cây cảnh trong đó tập trung chủ yếu là một số hộ dân sinh sống dọc quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Thuận Nam.

 

Lực lượng Kiểm lâm Ninh Thuận đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các chủ rừng và đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngặn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, mua, bán cây cảnh có nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên trái pháp luật.

Tình trạng khai thác, vận chuyển, mua, bán cây cảnh có nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên trái pháp luật trên địa bàn đã được kiểm soát, ngăn chặn; các vụ vi phạm trong thời gian gần đây đã giảm đáng kể so với các năm trước. Việc lưu thông, nhập xuất đối với cây cảnh có nguồn gốc từ rừng tự nhiên trên địa bàn cơ bản được kiểm soát chặt chẽ.

Mặc dù vậy, trong quá trình tuần tra, kiểm tra các lực lượng chức năng phát hiện tình trạng khai thác, vận chuyển cây cảnh từ rừng tự nhiên với quy mô nhỏ lẻ vẫn còn xảy ra.

Tại huyện Thuận Nam, nơi được xem là một trong những “điểm nóng” tình trạng khai thác cây rừng làm cây cảnh, tháng 7/2022, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã ngăn chặn tổng cộng 69 lượt người và phương tiện ra vào rừng để chặt cây mai rừng và cây rừng tự nhiên, ngăn chặn xử lý ngay tại rừng tổng cộng 6 gốc cây bằng lăng, 5 gốc cây hải châu, 5 nhánh mai rừng.

Trong quá trình tuần tra, truy quét, một số cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng ở Ninh Thuận đã phải chịu sức ép, sự đe dọa, thậm chí cả đổ máu khi đối đầu với lâm tặc.

 

Như trường hợp anh Nguyễn Nhất Chung (35 tuổi, nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Phước Diêm, thuộc thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, huyện Thuận Nam) bị 4 kẻ tấn công trên đường đến chốt lưu động bảo vệ rừng ở huyện Thuận Nam (Ninh Thuận).

Chúng chặn xe anh Chung ở đoạn tối, rọi đèn vào mắt khiến anh bị chói, sau đó xông vào tấn công tới tấp vùng mặt khiến anh Chung hỏng một mắt vĩnh viễn, gãy xương hàm.

"Nhiều bữa đang ngồi ăn cơm cùng đồng nghiệp ở trạm, nghe tin báo có người vào rừng đào cây, vận chuyển lâm sản trái phép, theo quán tính, tôi bỏ chén, đứng lên mặc vội bộ áo ngành rồi lao đi. Nhưng rồi khựng lại chợt nhớ mình đã mù một mắt, sức khỏe của mình...", anh Chung xót xa kể.

Và 3 năm trôi qua, trong khi người giữ rừng phải chịu biết bao đắng cay thì những kẻ gây thương tích nghiêm trọng cho anh Chung vẫn chưa được tìm ra và trừng trị trước pháp luật.

Theo Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận, khoảng 3 năm trở lại đây, trên địa bàn Ninh Thuận xảy ra 11 vụ lâm tặc tấn công lực lượng bảo vệ rừng khiến nhiều cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng bị thương tích từ nhẹ đến nặng.

Đã có 10 đối tượng lâm tặc bị khởi tố và bị tòa án xét xử từ 1 năm tù trở lên. Nhiều đối tượng đào trộm cây rừng rất manh động. Chúng thường xuyên nhắn tin, dùng hung khí đe dọa lực lượng giữ rừng. Có khi kéo cả làng ra để dựng các vật cản trở lực lượng chức năng trên Quốc lộ 1 làm nhiệm vụ.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng đã phát hiện, lập biên bản 11 vụ vi phạm về hành vi vận chuyển và tàng trữ, mua bán chế biến lâm sản (cây cảnh), tạm giữ 78 cây cảnh có nguồn gốc từ rừng tự nhiên các loại (thiên tuế, bằng lăng, huyết giác, …). Qua đó, đã tiến hành xử lý tịch thu 78 cây cảnh, 7 xe gắn máy và xử phạt các đối tượng với tổng số tiền 27,2 triệu đồng”, ông Lê Minh Sang thông tin.

Về việc kiểm soát tình trạng mua bán, vận chuyển cây rừng trong dân cư,  Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận thông tin, hàng năm kiểm lâm phối hợp cùng công an và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra các cơ sở, tụ điểm có tập kết, kinh doanh, mua bán cây cảnh; kiểm tra hồ sơ nguồn gốc; ghi nhận thông tin lập bảng kê số lượng chủng loại, đánh số hiệu, ghi nhận hình ảnh cây cảnh để quản lý chặt chẽ các cây cảnh tại cơ sở.

Hiện, nhu cầu thị hiếu của người dân đối với cây cảnh có xuất xứ từ rừng tự nhiên vẫn ở mức cao dẫn đến một số đối tượng vẫn bất chấp sự ngăn chặn của các cơ quan chức năng, lén lút đào bới, vận chuyển, mua bán cây cảnh để kiếm lợi nhuận.

Các đối tượng đào cây cảnh trái pháp luật hoạt động có tổ chức và rất tinh vi, thường xuyên bố trí người theo dõi thời gian hoạt động của lực lượng chức năng gây khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện hành vi của các đối tượng này”, ông Sang cho biết.

 

Ông Lê Văn Bé - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, thú chơi cây cảnh đại thụ đang rầm rộ trên địa bàn, đây là vấn đề nóng trong xã hội hiện nay, cũng là một trong những nội dung trong công tác bảo vệ rừng.

Hàng năm tỉnh đều có văn bản chỉ đạo, các lực lương kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng, chính quyền địa phương và các lực lượng khác thường xuyên kiểm tra xử lý theo quy định.

Đối với việc đem cây rừng về trồng, ngày 1/11/2020, tỉnh Phú Yên đã có văn bản chỉ đạo nghiêm cấm việc khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép cây cổ thụ, cây rừng làm cây cảnh trên địa bàn.

UBND các huyện, thị xã, thành phố không cấp phép cho các hộ gia đình, cá nhân khai thác tận thu cây rừng trên đất nương rẫy để làm cây cảnh. Việc người dân tự đào cây rừng về trồng trên đất nhà là sai quy định.

Khi xử lý vấn đề “cây cảnh trên đất nhà dân”, cơ quan chức năng phải xem lại nguồn gốc cây. Cây đó là cây rừng tự nhiên hay cây họ trồng chăm sóc. Nếu xác định được cây rừng tự nhiên thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật”, ông Bé nói.

Sau khi dẫn chứng một số nhà vườn luôn nói “đầy đủ giấy tờ, chỉ cần có người mua” và hỏi, cơ quan chức năng có thường xuyên kiểm tra các nhà vườn này không,  ông Bé cho biết: “Địa phương sẽ đi kiểm tra”.

Phía sau “cái khó”, sự loay hoay trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, phía sau sự lung linh của mỗi cây đại cảnh trong nhà đại gia, phía sau hành trình đưa đại thụ xuống núi là những nhát dao, nhát búa tàn phá rừng xanh, bao nhiêu đại thụ cảnh là gấp mười lần những cây xanh bị đốn hạ không thương tiếc.

Chủ vườn đại cảnh vẫn ung dung đếm những món hời do việc kinh doanh đại thụ mang lại bởi đã có trong tay những “kỹ xảo” để qua mắt cơ quan chức năng.

Cả một góc đường lớn của các huyện miền núi Bình Định, Phú Yên, cơ man nào bằng lăng, duối, sung cổ thụ,… còn nguyên nhựa của rừng, máu của cây xanh…

Ninh Thuận xử lý mạnh tay

Trong quá trình thực hiện tuyến bài, nhóm phóng viên đã cung cấp video và hình ảnh một nhóm người đào cây rừng về làm cảnh tại vùng núi đá Ninh Thuận để cơ quan chức năng xem xét xử lý. Ngay sau đó, Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận đã vào cuộc, xác định được nhóm người nói trên và ra văn bản chỉ đạo xử lý mạnh tay.

 

Nguồn:

Tin mới