"Em thức dậy lúc 6h, ăn sáng rồi đi học, trưa chỉ kịp chợp mắt một tiếng đồng hồ, chiều lại học tiếp. Buổi tối các ngày trừ chiều chủ nhật, em học thêm đến 21h các môn Toán, Lý, tiếng Anh, Mỹ thuật. Về đến nhà em chỉ kịp tắm rửa một lát và lại ngồi làm bài tập đến 24h mới đi ngủ", Nguyễn Hoàng Bích Lan, học sinh lớp 12 trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) kể về lịch học tập của mình.
Học 21 ca/tuần
Một tuần thời khoá biểu của Lan có 21 ca học, tính cả trên lớp vào buổi sáng. Lịch học dày đặc "đeo bám" Lan hơn năm nay, bắt đầu từ hè năm lớp 11. Ngoài học buổi sáng, ba mẹ còn đăng ký cho Lan thêm các lớp học ở nhà giáo viên bộ môn, cả ở trung tâm ôn thi với giá không rẻ 150.000 - 250.000 đồng/buổi. Ước tính mỗi tháng nguyên tiền học thêm của em cũng tiêu tốn của ba mẹ khoảng 10 triệu đồng.
Học sinh mệt mỏi với lịch học dày đặc. (Ảnh minh hoạ: T.T)
Lực học ở mức khá, nhiều lần Lan ngỏ ý với cha mẹ đặt mục tiêu thi vào trường đại học tầm trung để vừa sức học nhưng lần nào cũng bị bố mẹ mắng. "Không vào được Bách khoa hay Kiến trúc thì năm sau thi lại, không học trường khác", mẹ nói. Để vào được những trường như ba mẹ định hướng, ít nhất mỗi môn 8,5 - 9 điểm trở lên. "Thật sự lúc đó em chỉ biết khóc, và sợ hãi mỗi khi nghĩ về viễn cảnh không đỗ đại học", Lan nói. Sở thích của Lan là ngành truyền thông, tổ chức sự kiện.
Lịch học dày, không kịp ăn một bữa trưa đúng nghĩa, cộng thêm áp lực về mục tiêu của cha mẹ, nữ sinh lớp 12 thường xuyên mệt mỏi khi lên lớp, nhiều hôm ngủ gục trên bàn. "Ngồi trong lớp mà em không thu nạp được gì, chỉ mong hết giờ để được chợp mắt một chút", nữ sinh nói.
Là học sinh trường chuyên, Trần Văn Tú (lớp 10 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Hải Phòng) thường xuyên bị ba mẹ so sánh với anh trai - người từng là học sinh giỏi 12 năm liền, đạt nhiều giải quốc gia, hiện du học tại Mỹ.
Tú thích nghệ thuật. Ước mơ từ nhỏ của em là theo học ngành thiết kế mỹ thuật, thời trang, nhưng cha mẹ lại muốn em phải giỏi tiếng Anh để du học ngành kinh tế.
Từ đầu năm lớp 10 cha mẹ không tiếc tiền đầu tư cho Tú tham gia các khoá ôn luyện tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ giá vài chục triệu đồng/khoá. Còn lịch học các môn thì ngoài thời gian trên lớp, mẹ sẽ theo sát Tú tới các trung tâm, lớp ôn luyện thi khắp thành phố.
"Buổi tối thứ 2, 5 học Toán, thứ 3,học Vật lý, thứ 4 học Hoá, thứ 6 học kỹ năng thuyết trình và cả ngày thứ 7 theo học các lớp kỹ năng mềm khác về viết luận, apply học bổng. Thậm chí ba mẹ còn đăng ký thêm một lớp bóng rổ cho em học để nâng cao thành tích, làm đẹp hồ sơ xin du học", nam sinh than về lịch học.
Gần đây, ba mẹ cấm Tú sử dụng điện thoại để lên mạng, kiểm soát việc sử dụng máy tính ở nhà để con tập trung cho bài vở. "Em như bị cầm tù, thấy ngột ngạt, không muốn nói chuyện với ai", nam sinh nói. Thay vì hỏi con có mệt không, thèm ăn món gì không thì những tin nhắn của mẹ em chỉ là nhắc lịch học tối, học thêm.
Quyết không để con thua thiệt
Không chỉ học sinh cuối cấp, ngay cả những em nhỏ tuổi cấp THCS, tiểu học cũng bị ép học thêm kín tuần. 17h, trống trường vang lên, thay vì ở lại sân đùa chơi với các bạn cùng lớp thì Lê Khánh Chi (học sinh lớp 7 trường THCS Nguyễn Du, Hà Nội) vội vã đeo cặp sách ra cổng mẹ đón. Tối nay em có lịch học đàn piano 18h - 20h30.
Điểm học đàn khá xa nhà và lịch học muộn, nên trên đường đưa con đi học thêm chị Đinh Thu Thuỷ (39 tuổi) tranh thủ tạt vào ven đường mua cho con bánh mỳ thịt xiên nướng lót dạ. Chị phụ trách đưa con đi học thêm hàng ngày, còn chồng ở nhà dọn dẹp, nấu nướng chuẩn bị bữa tối. Gia đình chị thường xuyên ăn tối sau 21h.
Nhiều học ính vô định không biết mục đích đi học dày đặc như thế để làm gì. (Ảnh minh hoạ: T.T)
"Ngoài 2 buổi học đàn, một tuần bé Chi có 2 buổi học thêm Toán và 1 buổi học tiếng Anh tại trung tâm. Các lớp học đều diễn ra vào buổi tối", vị phụ huynh chia sẻ về lịch học của con. Dự kiến từ hè năm nay, chị tăng số buổi học thêm với môn Ngữ văn để con có đủ kiến thức thi lên cấp 3 trường tốt nhất, đồng thời phát triển toàn diện văn thể thể mỹ.
Hồi còn nhỏ, gia đình khó khăn, chị Thuỷ và chồng không có điều kiện được đi học nên có phần thua thiệt hơn so với bạn bè cùng trang lứa, nhất là các kiến thức về mỹ thuật, nghệ thuật. Do đó, hai vợ chồng quyết đầu tư toàn lực cho cô con gái, không để con kém bạn bè.
Mỗi buổi học thêm đàn piano của bé Chi là 200.000 đồng, học văn hoá 120.000 đồng/buổi. Ước tính một tháng gia đình sẽ dành khoản tiền gần 10 triệu đồng để con học thêm. "Khoản tiền này không nhỏ, nhưng hai vợ chồng đủ sức để cáng đáng", chị Thuỷ nói.
Thấy đồng nghiệp trong cơ quan cho con theo học thêm các lớp nghệ thuật, vẽ, đàn, hát, chị Phạm Thị Ngọc (Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng sốt ruột lên kế hoạch tìm các lớp học thêm cho cậu con trai lớp 4.
Mỗi buổi học năng khiếu vẽ của bé Tít - con chị Ngọc có giá 250.000. Bé học tại trung tâm lớn nhất nhì huyện Từ Sơn, tuần học trung bình 2 buổi. Chị cũng bàn với chồng gửi con đến nhà cô giáo chủ nhiệm để học thêm môn Toán, Ngữ văn vào buổi tối, cuối tuần.
Mức lương hai vợ chồng chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng nhưng chị Thuỷ vẫn quyết hạn chế ăn tiêu, quần áo để đầu tư cho con đi học thêm 5 triệu đồng/tháng.
Trường hợp của phụ huynh Thuỷ, Ngọc không khó bắt gặp trong thời buổi hiện nay. Phụ huynh đua nhau đăng ký cho con học thêm các lớp, trung tâm từ văn hoá đến kỹ năng, môn phụ hoạ... Dù chưa biết kết quả học của con tới đâu nhưng phụ huynh vẫn bất chấp cho con học để thoả sự ích kỷ, chạy đua cá nhân.