Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thỏa thuận EU-Trung Quốc nguy cơ đổ vỡ, Bắc Kinh lấy lòng Hà Lan, Tây Ban Nha

(VTC News) -

Trước nguy cơ thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc không đạt được theo lịch trình dự kiến cuối năm nay, Bắc Kinh kêu gọi sự ủng hộ từ Hà Lan và Tây Ban Nha.

Hôm 23/12, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi lãnh đạo Tây Ban Nha và Hà Lan ủng hộ thỏa thuận đầu tư giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU). Lời kêu gọi của ông Lý Khắc Cường được đưa ra sau khi một quan chức cấp cao của Pháp đe dọa sẽ chặn thỏa thuận này vì lo ngại các tiêu chuẩn về lao động không được Bắc Kinh đáp ứng.

Động thái này đánh dấu nỗ lực của Bắc Kinh để đảm bảo thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc được ký kết trước khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, đồng thời tìm cách thúc đẩy các chính sách của Trung Quốc với châu Âu.

“Trung Quốc sẵn sàng làm việc cùng với EU để thúc đẩy sớm ký kết thỏa thuận đầu tư song phương”, Tân Hoa Xã dẫn lời kêu gọi của Thủ tướng Lý Khắc Cường với người đồng cấp bên phía Hà Lan Mark Rutte trong cuộc điện đàm hôm 23/12.

Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi lãnh đạo Tây Ban Nha và Hà Lan ủng hộ thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, ông Lý Khắc Cường cam kết hợp tác với EU về thỏa thuận biến đổi khí hậu và phát triển xanh, đồng thời nhấn mạnh: “Trung Quốc hy vọng EU sẽ tiếp tục cung cấp cho các công ty Trung Quốc môi trường kinh doanh công bằng, cởi mở và không phân biệt đối xử”.

Cuộc điện đàm của Thủ tướng Lý Khắc Cường diễn ra vài giờ sau khi các quan chức chính của Pháp và Ba Lan phản đối thỏa thuận đầu tư của EU với Trung Quốc. Theo đó, giới chức của các nước này cho rằng, thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc cần gắn với trách nhiệm của Bắc Kinh đối với quyền người lao động và EU cần có sự phối hợp với Mỹ trong chính sách với ông lớn châu Á.

"Chúng tôi không thể đầu tư vào Trung Quốc nếu nước này không cam kết xóa bỏ lao động cưỡng bức”, Franck Riester, phụ trách thương mại của Bộ Ngoại giao Pháp, nói và cho biết thỏa thuận có thể bị chặn nếu Bắc Kinh không đáp ứng các tiêu chuẩn về lao động.

“Nhiều quốc gia như Bỉ, Luxembourg và Hà Lan, Đức cũng chia sẻ quan điểm này với chúng tôi”, Franck Riester cho hay. Theo Franck Riester, sẽ không thể chấp nhận được việc tăng cường đầu tư vào Trung Quốc mà không có các biện pháp bảo vệ nhân quyền đầy đủ.

Franck Riester cho rằng, các thỏa thuận thương mại nên đóng vai trò là “đòn bẩy thúc đẩy các vấn đề xã hội, chống lại lao động cưỡng bức”, bày tỏ “lo ngại về tình hình ở Hong Kong, Tân Cương”.

Bên cạnh đó, Franck Riester quan ngại trước việc Bắc Kinh cam kết bảo vệ nhà đầu tư trong nước, cho rằng các công ty châu Âu thâm nhập thị trường Trung Quốc thông qua thỏa thuận mới có thể bị tiếp tục bị Chính phủ Trung Quốc phân biệt đối xử.

Hầu hết các quyết định của EU đều cần đến sự ủng hộ của cả Đức và Pháp - hai thành viên hàng đầu của khối. Bình luận của Franck Riester cho thấy sự dè dặt của Chính phủ Pháp về thỏa thuận này.

Trong khi đó, Noah Barkin, chuyên gia EU-Trung Quốc tại công ty tư vấn Rhodium Group, nói rằng “vấn đề lao động cưỡng bức là ranh giới đỏ đối với một số quốc gia, nhưng Pháp là nước đầu tiên công khai về điều này”. “Rõ ràng, Trung Quốc sẽ phải tiếp nhất trí được về vấn đề này nếu không thỏa thuận sẽ không xảy ra”, Noah Barkin nhận định.

Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cũng đã cân nhắc về thỏa thuận, cho biết: “Châu Âu nên tìm kiếm một thỏa thuận toàn diện, công bằng, cùng có lợi về đầu tư với Trung Quốc. Chúng tôi cần thêm tham vấn và minh bạch nhiều hơn".

Bình luận của Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau được đưa ra sau khi Jake Sullivan - Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, tuyên bố chính quyền Mỹ sẽ “sớm tham vấn với các đối tác châu Âu về những lo ngại chung của chúng tôi về các hoạt động kinh tế của Trung Quốc”.

Kông Anh

Tin mới