Mù tạt là một thứ đồ ăn quan trọng trong văn hóa Pháp. Thành ngữ “tôi đang sôi máu" được thể hiện trong tiếng Pháp bằng câu "la moutarde me monte au nez" - nghĩa là "mù tạt đang bốc lên mũi tôi".
Nhưng nước Pháp đang đối mặt với việc thiếu hụt mù tạt trầm trọng.
Thứ gia vị tạo nên sức sống cho món bít tết, xúc xích nướng, dầu giấm và sốt mayonnaise biến mất bí ẩn khỏi các kệ hàng. Người Pháp đã và đang tìm kiếm những lựa chọn thay thế trong thầm lặng, nhưng không thực sự khả quan.
Món mù tạt Dijon nổi tiếng được chế biến phần lớn từ các nguyên liệu không đến từ trung tâm xinh đẹp của vùng Burgundy. Nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, chiến sự, COVID-19 và chi phí tăng cao đã khiến các nhà sản xuất Pháp thiếu hạt làm mù tạt.
(Ảnh: New York Times)
Theo Luc Vandermaesen, giám đốc nhà sản xuất mù tạt lớn Reine de Dijon và chủ tịch Hiệp hội mù tạt Burgundy, hầu hết những hạt mù tạt nâu mà Pháp sử dụng - ít nhất 80% - đến từ Canada. Một đợt nắng nóng ở Alberta và Saskatchewan, mà các nhà khoa học cho biết là "hầu như không thể xảy ra" nếu không có hiện tượng nóng lên toàn cầu, đã cắt giảm sản lượng hạt xuống 50% vào năm ngoái, đồng thời nhiệt độ tăng cao khiến vụ thu hoạch nhỏ của chính Burgundy gặp khó khăn.
“Vấn đề chính là biến đổi khí hậu và kết quả là sự thiếu hụt này”, ông Vandermaesen nói trong một cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi không thể đáp ứng các đơn đặt hàng và giá bán lẻ tăng tới 25% phản ánh chi phí hạt giống tăng cao”.
Công ty ông hiện nhận được ít nhất 50 cuộc gọi mỗi ngày từ những người tìm mù tạt. Mọi người thậm chí còn đến trụ sở công ty ở Dijon (không phải cơ sở bán lẻ) để tìm mù tạt ráo riết. Carrefour, một chuỗi siêu thị hàng đầu của Pháp và quốc tế, phủ nhận những tin đồn tràn lan trên Twitter rằng họ đang tích trữ mù tạt để tăng giá. Các đầu bếp như Pierre Grandgirard ở Brittany cố gắng tìm kiếm bất kỳ loại mù tạt dự phòng nào trên mạng.
Trong hầu hết các cửa hàng, kệ mù tạt trống rỗng. Các nhà bán lẻ giới hạn số lượng mù tạt mỗi người được mua. Intermarché, một nhà bán lẻ, xin lỗi về sự bất tiện gây ra thiếu mù tạt và giải thích bằng biển báo rằng, "hạn hán ở Canada", "xung đột với Nga" của Ukraine là nguyên nhân.
Đối với người Pháp, những người tự hào về "đặc sản" mù tạt của mình, việc hiểu ra nó không hoàn toàn là một sản phẩm địa phương mà có thể phụ thuộc vào chuỗi cung ứng đa quốc gia cũng đã trở thành một cú sốc.
(Ảnh minh họa)
Xung đột ở Ukraine cũng ảnh hưởng đến điều này một cách phức tạp. Cả Nga và Ukraine đều là những nước sản xuất hạt mù tạt lớn, nhưng nhìn chung không phải là loại hạt màu nâu, hay Brassica Juncea, được sử dụng trong mù tạt Dijon cổ điển của Pháp. Các loại hạt màu vàng ở Nga và Ukraine phổ biến ở các quốc gia khác như Đức và Hungary, tạo ra một loại gia vị nhẹ hơn.
Tuy nhiên khi hạt mù tạt vàng trở thành “nạn nhân” của chiến tranh, các quốc gia có nhu cầu phải tìm kiếm các loại mù tạt khác, điều này đẩy áp lực chung lên thị trường mù tạt, đẩy giá tăng cao, theo ông Vandermaesen.
Mỗi người Pháp tiêu thụ khoảng 2,2 pound (gần 1kg) mù tạt một năm, nên nước này trở thành người tiêu dùng mù tạt lớn nhất thế giới. Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt đang xuất hiện ở cả các quốc gia khác, bao gồm Đức, nhưng cuộc khủng hoảng mù tạt Pháp hiện nghiêm trọng nhất, một phần là do Pháp phụ thuộc quá nhiều vào Canada về hạt giống mù tạt.
Trong khủng hoảng tất nhiên cũng có cả cơ hội. Paul-Olivier Claudepierre, đồng sở hữu Martin-Pouret, một nhà cung cấp các loại mù tạt và nho Pháp, nói với nhật báo Le Monde rằng đã đến lúc “tái bản địa hóa sản xuất”.
“Chúng ta trồng trọt, ở cách xa hàng nghìn km, một hạt giống để thu hoạch, mang đến cảng, vận chuyển qua đại dương trong các container, rồi chế biến nó tại nhà. Điều đó rất tốn kém, và tạo ra một lượng carbon lớn”, ông nói.
Ông Vandermaesen cho biết Burgundy đã bắt tay vào một nỗ lực phối hợp để nâng cao sản lượng mù tạt. Tuy nhiên, một vấn đề mà các nhà sản xuất Burgundy phải đối mặt là Liên minh Châu Âu đã cấm thuốc trừ sâu được sử dụng từ lâu để chống lại loài bọ chét đen, một “tai họa” với các vụ mùa.
Hiện tại, có vẻ như Pháp phải học cách sống không có mù tạt, một sự điều chỉnh không mấy dễ chịu. Marie Antoinette, Nữ hoàng Pháp vào thời điểm diễn ra cuộc cách mạng năm xưa, được cho là nổi tiếng với câu nói “hãy để họ ăn bánh kem” khi được kể về những người nông dân chết đói mà không có bánh mì. Nhưng chắc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ không muốn nói “hãy để họ ăn wasabi”, tờ NYT kết luận.