Giá vàng miếng lập đỉnh mới, cao nhất lịch sử
Sáng 2/5, ngay đầu phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ, giá vàng miếng đã neo ở mức cao nhất là 85,2 triệu đồng/lượng.
Đến sáng 3/5, trước thông tin chuẩn bị diễn ra đấu thầu vàng, giá giảm nhẹ xuống mức 85,1 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sau khi phiên đấu thầu bị hủy, giá lập tức bật tăng và chạm mốc 85,8 triệu đồng/lượng.
Hiện, giá vàng tiếp tục tăng. Lúc 9h sáng 4/5, giá vàng miếng được Công ty SJC niêm yết ở mức 83,5 - 85,9 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất lịch sử.
Giá vàng miếng đang ở mức cao nhất lịch sử, gần 86 triệu đồng/lượng.
Điều đáng nói là giá vàng trong nước tăng mạnh, cao kỷ lục trong bối cảnh giá thế giới đang trong xu hướng giảm. Lúc này, giá vàng thế giới đã tụt xuống mức 2.302 USD/ounce sau nhiều phiên giảm sâu.
Giá vàng nhẫn giảm mạnh
Trái ngược với giá vàng miếng, giá vàng nhẫn lại giảm mạnh sau nhiều phiên tăng "khủng".
Sáng 2/5, giá vàng nhẫn SJC giảm 300.000 đồng/lượng so trước kỳ nghỉ lễ, giao dịch ở mức 73,5 - 75,2 triệu đồng/lượng.
Đến ngày 3/4, giá vàng nhẫn tiếp tục giảm 400.000 đồng/lượng, giao dịch mua vào 73,1 triệu đồng/lượng, bán ra 74,8 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng nhẫn đã giảm mạnh 700.000 đồng/lượng chỉ sau 2 ngày.
Lần thứ ba hủy đấu thầu vàng
NHNN đã hủy phiên đấu thầu vàng miếng sáng 3/5 do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu. Lý do hủy thầu lần này tương tự như lý do hủy phiên thầu hôm 25/4.
Đây là lần thứ ba NHNN hủy đấu thầu vàng miếng. Trước đó, ngày 22/4, NHNN đã hủy lịch đấu thầu vàng miếng lần thứ nhất do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định.
Lần hủy thứ hai là vào ngày 25/4 với lý do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.
Phiên đấu thầu thành công duy nhất ngày 23/4 có 2 thành viên trúng thầu. Tổng khối lượng trúng thầu là 34 lô (tương đương 3.400 lượng vàng). Giá trúng thầu cao nhất: 81,33 triệu đồng/lượng. Giá trúng thầu thấp nhất: 81,32 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh giá vàng trong nước diễn biến phức tạp, đấu thầu vàng miếng là một trong những biện pháp tăng cung được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng. Cơ quan điều hành cho rằng, việc tăng cung vàng miếng sẽ giúp bình ổn thị trường vàng trong nước, làm giảm khoảng cách của giá vàng trong nước với giá vàng thế giới.
Tuy nhiên, trải qua 4 phiên đấu thầu với chỉ có 1 phiên thành công đấu thầu 3.400 lượng vàng/tổng số 16.800 lượng vàng dự kiến đấu thầu. Giới chuyên gia cho rằng, lượng vàng đấu thầu thành công chưa đủ để tạo ra tác động trên thị trường vàng.
Bằng chứng là việc giá vàng trong nước liên tục tăng cao, liên tục phá kỷ lục trong những ngày qua.
Thủ tướng chỉ đạo thanh tra ngay thị trường vàng
Hôm 3/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Chỉ thị yêu cầu NHNN thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả.
Cách đây không lâu, Thủ tướng cũng đã ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường, kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý.
Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân…gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.
Trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật.
Theo Thủ tướng, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.
Thị trường vàng trong nước tiếp tục "nóng".
Trong khi đó, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính kiến nghị NHNN nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.
Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh vàng bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua; tổ chức giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.