Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn trên thị trường ván ép thế giới do có nguồn rừng trồng phong phú cung cấp nguyên liệu thô cần thiết cho sản xuất ván ép công nghiệp. Ngoài ra, nhu cầu về vật liệu xây dựng và đồ nội thất ngày càng tăng. Vì vậy thị trường ván gỗ công nghiệp cũng sôi động.
Vài năm trở lại đây, thị trường ván gỗ công nghiệp phát triển nhanh chóng, số lượng cửa hàng, showroom, siêu thị nội thất mọc lên ngày càng nhiều.
Việc quản lý về chất lượng các sản phẩm ván gỗ công nghiệp vẫn còn nhiều khoảng trống.
Thị trường ván gỗ công nghiệp Việt Nam hiện khá đa dạng về chủng loại, gồm ván MDF (ván sợi ), MFC (ván dăm), ván ghép thanh (gỗ ghép)…,được sử dụng rất rộng rãi. Những loại gỗ này được sản xuất đồng loạt về chất lượng, kích cỡ, màu sắc nên rất thuận tiện trong việc thi công, đây cũng là sản phẩm được nhiều người tiêu dụng ưa chuộng và lựa chọn
Ván gỗ công nghiệp mang ưu điểm vượt trội là mẫu mã đa dạng, tiết kiệm chi phí, sử dụng đồ gỗ công nghiệp thay thế gỗ tự nhiên đang trở thành xu hướng lan rộng.
Tuy nhiên, thực trạng vật liệu ván gỗ công nghiệp giả, nhái khiến nhiều doanh nghiệp cũng như các đại lý rơi vào cảnh khó chồng khó. Không chỉ tăng giá các sản phẩm do biến động nguyên vật liệu đầu vào, sự phục hồi bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 mà còn bị cạnh tranh không lành mạnh từ những sản phẩm “đội lốt” hàng chính hãng.
Ngoài ra, việc chưa quan tâm hay chưa tìm hiểu về tiêu chuẩn chất lượng nguồn gốc của gỗ, các hàm lượng hóa chất (keo dán, sơn màu…) có chứa Formaldehyde là tình trạng chung của rất nhiều người tiêu dùng. Các cơ sở sản xuất kinh doanh khi hỏi về về tiêu chuẩn chất lượng an toàn của các sản phẩm từ gỗ công nghiệp cũng không đưa ra hết được các chứng nhận cần thiết.
Hiện nay, để đưa sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký tiêu chuẩn chất lượng về quy định các đặc tính hàng hóa, dịch vụ, yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm, phương pháp thử các đặc tính, yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm.. Tuy nhiên, việc đăng ký này mới chỉ là hình thức mà chưa phải yêu cầu bắt buộc nên quản lý việc thực thi các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm vẫn còn bỏ ngỏ.
Bên cạnh đó, cũng nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, tình trạng vàng, thau lẫn lộn của thị trường ván gỗ công nghiệp là do cơ chế phối hợp và các chế tài xử lý về hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Cùng với đó, một bộ phận người tiêu dùng còn ham rẻ.
Dẹp gỗ giả, nhái bằng cách nào?
Để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả thị trường, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, cơ quan quản lý Nhà nước cần đổi mới phương thức quản lý, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, quyết liệt giữa các bộ, ngành, lực lượng thực thi, kiểm soát cả thị trường tiêu thụ lẫn đầu vào của hàng hóa.
Tình trạng làm giả, nhái trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, bao gồm ván gỗ ngày một tinh vi hơn.
Tình trạng làm giả, nhái trong lĩnh vực vật liệu xây dựng ngày một tinh vi hơn. Ngoài việc có logo, tên gọi, bao bì làm nhái thương hiệu lớn thì thậm chí nhiều sản phẩm vẫn có đủ cả tem bảo hành, mã QR để truy xuất nguồn gốc...
Do đó, việc quản lý thị trường ván gỗ công nghiệp là việc làm tất yếu, để các doanh nghiệp và các đại lý kinh doanh vật liệu ván gỗ công nghiệp tuân thủ đúng quy định về tiêu chuẩn chất lượng trước khi tung sản phẩm ra thị trường.
Đồng thời, người tiêu dùng cũng phải thông thái tìm hiểu kỹ càng về sản phẩm trước khi quyết định mua bán. Để bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần lựa chọn thương hiệu uy tín trên thị trường và nhà sản xuất có năng lực, hệ thống nhà máy và công nghệ hiện đại, đủ năng lực cung ứng sản phẩm đạt chuẩn.