2020 là năm đầu tiên diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 với nhiều điểm mới trong xét tuyển đại học. Do đó phần lớn các thí sinh đều nghiên cứu kỹ lưỡng thông tin tuyển sinh và thận trọng trong việc đăng ký nguyện vọng.
Trong ngày đầu đăng ký dự thi THPT và xét tuyển đại học, Lê Công Thành, học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) mua 3 bộ hồ sơ. Cậu chưa vội vàng quyết định lựa chọn trường do đang tập trung cho các bài thi cuối kỳ. Thành muốn sau khi thi xong sẽ xem xét cẩn thận các nguyện vọng trước khi đặt bút viết vào phiếu.
Thế mạnh của Thành là các môn tự nhiên nên cậu ưu tiên lựa chọn khối xét tuyển truyền thống A00 (Toán, Vật lý, Hoá) và A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh). Nhiều trường cũng có thêm các tổ hợp Toán, Hoá, tiếng Anh; Vật lý, tiếng Anh, Sinh học... nhưng đây không phải là ưu tiên hàng đầu của cậu.
Công Thành có chút lo lắng vì thi THPT năm nay chủ yếu phục vụ mục đích xét tốt nghiệp, đề thi dự kiến có độ phân hoá thấp hơn năm ngoái. Nam sinh này dự đoán mức điểm đầu vào các trường đại học sẽ tăng cao hơn, khiến mức độ cạnh tranh giữa các thí sinh lớn hơn. Do đó việc quyết định và sắp xếp các thứ tự nguyện vọng rất quan trọng.
Trước đó Công Thành và gia đình nghiên cứu, tham khảo rất nhiều phương án tuyển sinh các trường đại học, nhưng đến nay vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng. "Em lựa chọn học ngành kinh tế nhưng có quá nhiều trường, em cần thêm thời gian cân nhắc lựa chọn. Dự định em chỉ đăng ký 5 nguyện vọng sắp xếp từ cao xuống thấp", nam sinh nói.
Lực học của Hoàng Thu Hà, học sinh trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) không quá tốt, em được cô giáo xếp loại Khá. Nữ sinh dự kiến hướng đến những tổ hợp/trường đại học có mức điểm xét tuyển thấp ở tầng trung từ 15 điểm đến 20 điểm.
Nữ sinh cho biết, trong khoảng điểm này có rất nhiều tổ hợp xét tuyển, bên cạnh tổ hợp truyền thống khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) thì có rất nhiều tổ hợp như: Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân; Địa lý, tiếng Anh, Giáo dục công dân hay Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân....
Tuy nhiên Thu Hà vẫn băn khoăn vì đây là những tổ hợp xét tuyển mới, chỉ vừa xuất hiện vài năm trở lại đây. Nữ sinh đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo sau khi đỗ vào trường.
Thí sinh tham gia dự kỳ thi THPT. (Ảnh minh hoạ)
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2020, chưa có thống kê đầy đủ nên chưa biết chính xác tỷ lệ các tổ hợp truyền thống chiếm bao nhiêu phần trăm trong phương án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng.
Tuy nhiên, như mùa tuyển sinh năm 2018, 2019 các trường sử dụng trên 150 tổ hợp để xét tuyển. Trong đó, 5 tổ hợp xét tuyển truyền thống (A00, D01, A01, B00, C00) luôn chiếm trên 90% nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Kết quả là trên 85,5% thí sinh trúng tuyển ở 5 tổ hợp truyền thống này.
Nhìn chung các tổ hợp truyền thống với các môn thi chủ yếu và có tính liên quan đến nhau vẫn là điều kiện tuyển sinh của phần lớn các ngành, các trường, quyền Vụ trưởng nói.
Còn lại hơn 140 tổ hợp khác có thí sinh đăng ký nhưng chỉ chiếm gần 10% số nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Nhiều tổ hợp do các trường đưa ra không có, hoặc có rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển. Nếu có đăng ký xét tuyển bằng các tổ hợp này thì thí sinh cân nhắc kĩ và chỉ nên đặt ở các nguyện vọng có mức ưu tiên rất thấp.
"Các trường đại học đưa ra nhiều tổ hợp để xét tuyển với mong muốn làm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, tuy nhiên thực tế lại làm phức tạp cho công tác tổ chức xét tuyển, làm nhiễu thông tin trong việc lựa chọn tổ hợp đăng ký xét tuyển của thí sinh", PGS Nguyễn Thu Thuỷ nói và nhận định với các tổ hợp ít thông dụng hầu như không được các trường đại học top đầu và rất ít thí sinh tốt lựa chọn, trừ các ngành liên quan đến năng khiếu.
Video: Phương án thi tốt nghiệp THPT 2020