Không dám xét tuyển
Theo đề án tuyển sinh Đại học Y dược TP.HCM năm 2020 vừa công bố, mức học phí dự kiến với sinh viên chính quy năm học 2020-2021 tăng mạnh so với trước đó. Trong đó, ngành Răng-Hàm-Mặt với 70 triệu đồng/năm, kế đến là ngành Y khoa dự kiến là 68 triệu đồng/năm.
Mức đóng phí tăng khoảng 10% theo các năm. Học hết 6 năm học, dự kiến sinh viên ngành này phải đóng khoảng 538 triệu đồng học phí.
Thông báo trên khiến học sinh cuối cấp THPT ngỡ ngàng và lo lắng. “Ban đầu em có dự định đăng ký xét tuyển khối B vào Đại học Y Dược TP.HCM, tuy nhiên với mức học phí như vậy vượt ngoài tầm đáp ứng của gia đình. Có lẽ em sẽ chọn trường khác với mức học phí phù hợp hơn”, em Cao Tiến Huỳnh (Quận Thủ Đức, TP.HCM) nói.
Là con út trong gia đình 4 anh em, Nguyễn Thị Lan (Sóc Trăng) 3 năm liền là học sinh xuất sắc, điểm trung bình môn từ 8,5 trở lên. Lan có ước mơ được làm bác sĩ để gia đình đỡ vất vả hơn.
Với mức học phí Đại học Y Dược TP.HCM dự kiến, Lan không đủ điều kiện để đáp ứng. Ngoài tiền học em sẽ tốn thêm tiền nhà, tiền ăn, tiền đi lại… trung bình cộng cả tiền sinh hoạt và tiền học sẽ rơi vào khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Tương tự, em Nguyễn Ngọc Phước (Châu Đốc, An Giang) chia sẻ, được trở thành bác sĩ trong tương lai là điều hãnh diện và rất có ý nghĩa. Nhưng nếu chi phí tới hơn nửa tỷ đồng trong 6 năm học thì em sẽ lựa chọn đổi ngành học khác với mức chi phí rẻ hơn.
Mục tiêu đỗ vào Đại học Y Dược TP.HCM được nữ sinh Thái Chân xác định nghiêm túc ngay từ khi học lớp 10. Thái Chân lựa chọn trường Y vì công việc sau khi ra trường sẽ ổn định hơn và được tiếp nối sự nghiệp người cha quá cố của mình.
Nhưng sau khi biết được thông tin trường tăng học phí lên gấp 5 lần, Thái Chân buồn bã và hơi hoang mang. Chỉ còn gần 3 tháng nữa sẽ tới kỳ thi tốt nghiệp THPT, em không biết nên đổi nguyện vọng sang trường đại học nào khác. Em hy vọng song song với chính sách tăng học phí sẽ có nhiều ưu tiên hỗ trợ sinh viên khó khăn về mặt tài chính.
Đại học Y Dược TP.HCM.
Vì sao học phí tăng cao?
Không chỉ ngành Răng-Hàm-Mặt với 70 triệu đồng/năm, mà theo đề án tuyển sinh Đại học Y dược TP.HCM năm 2020, các ngành khác có mức cao không kém là Y khoa dự kiến là 68 triệu đồng/năm; Kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng/năm, Dược học 50 triệu đồng/năm.
Các ngành cùng có mức học phí 40 triệu đồng/năm gồm: Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành Hộ sinh, Điều dưỡng chuyên ngành Gây mê hồi sức, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng.
Hai ngành cùng mức học phí 38 triệu đồng/năm là Y học dự phòng và Y học cổ truyền. Còn ngành Y tế công cộng và Dinh dưỡng thì học phí 30 triệu đồng/năm. Đề án nêu rõ, học phí trên áp dụng cho năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo dự kiến mỗi tăng thêm 10%.
Như vậy, với ngành học phí cao nhất là Răng - Hàm - Mặt, sinh viên học năm thứ nhất sẽ đóng 70 triệu đồng/năm, năm thứ hai là 77 triệu đồng/năm, năm thứ 3 là 84,7 triệu đồng, năm thứ 4 là 93,1 triệu đồng, năm thứ 5 là 102,4 triệu đồng và năm học thứ 6 là 112,6 triệu đồng.
Tổng thời gian học 6 năm, một sinh viên ngành Răng-Hàm-Mặt sẽ phải đóng khoảng 538 triệu đồng học phí.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo của Đại học Y Dược TP.HCM lý giải, mức học phí hiện hành là 13 triệu đồng/năm. Sở dĩ thấp như vậy vì phần lớn chi phí để đào tạo sinh viên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, chứ không phải đào tạo 1 sinh viên chỉ tốn có bấy nhiêu tiền.
Bắt đầu từ tháng 1/2020, Đại học Y Dược TP.HCM không nhận ngân sách Nhà nước nữa, trường phải tính toán lấy thu bù chi để hoạt động và phát triển, vì vậy bắt buộc phải tăng học phí.
Trước thực tế với mức học phí này, sinh viên nghèo sẽ không có điều kiện theo học, ông Khôi cho hay nhà trường luôn có chính sách hỗ trợ, đảm bảo không có sinh viên nghèo, học giỏi trúng tuyển mà bị bỏ lại.
“Chúng tôi cam kết không để một sinh viên nghèo học giỏi, có ước mơ làm bác sĩ trúng tuyển vào trường mà bị bỏ lại”, ông Khôi nói.