Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Theo dấu 'khuyển vương Mông cộc' và những chuyến 'tầm cẩu' nơi vùng cao

(VTC News) -

Đó là những chuyến đi vào tận cùng các bản làng đồng bào Mông săn tìm những chú chó Mông cộc đuôi, một trong "Tứ đại danh khuyển" của Việt Nam.

Video: Anh Bằng Đoàn kể về chuyện đi săn tìm chó Mông cộc

Chó Mông cộc đuôi được nhiều người xem là một trong Tứ đại quốc khuyển của Việt Nam, bao gồm chó Phú Quốc, chó xù Bắc Hà, chó lài Sông Mã và Mông cộc đuôi. Loài chó này gắn liền với lịch sử xa xưa của người Mông qua quá trình du canh du cư. Vì vậy, ở đâu có người Mông là xuất hiện chó Mông cộc

Trong lịch sử người Mông (gốc là người Miêu ở Trung Quốc), có những thời điểm họ bị truy lùng, chạy dạt sang nhiều nhất ở vùng núi Hà Giang, đặc biệt là cao nguyên đá Đồng Văn. Người Mông đi đâu, con chó và con ngựa đi theo đến đấy. Vì vậy ở Hàn Quốc, Thái Lan, Lào... cũng có giống chó này.

Trong quá trình người Mông di cư, dòng chó này được nhân giống với các dòng chó bản địa, thế nên nhiều vùng miền, chó Mông cộc có những thay đổi khác nhau.

Chó Mông cộc phân bố ở nhiều tỉnh thành nước ta như Lai Châu, Lào Cai hay Sơn La..., mỗi nơi lại có đặc tính khác nhau. Mông cộc ở Sơn La đầu rất nhỏ, người nhỏ, chân nhỏ. Mông cộc đẹp nhất là ở Đồng Văn - Mèo Vạc. Ở Lai Châu cũng có những con hình thể rất đẹp.

Đi ‘tầm cẩu’ vùng cao

Để hiểu rõ hơn về chuyện đi săn những chú chó Mông từ vùng cao mang về xuôi của dân trong nghề, tôi đã có chuyến đi xuống Thái Bình để tìm gặp một cao thủ ‘tầm cẩu’ từ những năm 2006, nghe anh kể về những chuyến đi săn chó Mông mà không mấy ai được biết.

Do đã có liên lạc và trao đổi từ lần gặp trước nên cao thủ ‘tầm cẩu’, anh Bằng Đoàn - Phó ban huấn luyện Hiệp hội chó Béc-giê (German Shepherd) Việt Nam tỏ ra cởi mở và kể những câu chuyện đi săn Mông cộc ở vùng cao trong buổi nói chuyện hơn 3 giờ.

Anh Đoàn bảo, thực ra lúc đầu đi "tầm cẩu" là sở thích tìm những cá thể mà mình ưng ý về nuôi chơi, chủ yếu là thích đi lên những vùng cao, thích đi chợ, ăn uống và khám phá những vùng đất hoang sơ.

Sau này anh sưu tầm được những con chó đẹp, và từ đó dẫn đến say mê và bén duyên với nghề ‘tầm cẩu’.

Ở thời điểm năm 2006, để mua một chú chó Mông cộc không khó vì trên bản rất nhiều. Người ta chưa chơi theo tiêu chí và chưa đi chuyên về các màu như bây giờ.

“Chúng tôi lúc đó chỉ đi tìm con chó của người Mông, chưa có tên Mông cộc đuôi như bây giờ. Con chó người Mông rất khôn, bản thân mình dân huấn luyện cũng muốn tìm hiểu nó khôn cỡ nào.

Lúc đó chúng tôi lên tìm những con chó của người Mông trên Hà Giang. Giống này có hai loại khác nhau, một loại cộc đuôi và có hình thể rất bình thường như những con chó ta, một loại khác nữa là lông quanh miệng rất dài, xồm xuống như để ria mép. Anh em chúng tôi gọi vui là " Mông lông mồm".

Khi đó đi săn một con Mông cộc không khó nhưng để chọn được cá thể đẹp phải lang thang khắp các bản vùng cao. Càng đi kỹ thì độ thuần khiết của con cún càng cao.

Những năm đó, tiêu chí chơi không cầu kỳ như bây giờ, màu gì cũng được. Những chú chó Mông đem về xuôi giá chỉ khoảng vài chục nghìn đồng.

Theo kinh nghiệm của anh Đoàn, tại những nơi ‘tầm cẩu’ như Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn, những chú chó chạy rông ngoài đường thường rất dễ mua, mua theo cân. Nhưng những con chó xích ở chuồng ngựa, chuồng bò để trông coi gia súc và đặc biệt con chó xích ở khu vực gần cửa thì người Mông tuyệt nhiên không bao giờ bán.

Đối với người Mông, những chú chó đấy được coi là chó phong thủy, người ta gọi là “con chó giữ của”, nên có trả bao nhiêu tiền cũng không bán. Và, tất cả những chú chó xích ở cửa khi anh Đoàn gặp đều là màu đen. Con chó xích ở chuồng bò, chuồng ngựa có thể màu khác.

Anh Đoàn cùng chú chó Mông đen tuyền của mình

Mua được chó Mông cộc ‘xịn’: Phải có cách

Anh Đoàn kể, những con chó phong thuỷ gần như không thể mua nổi. Vì vậy, anh em phải nghĩ kế để để mua bằng được. Một người trong đoàn liền nghĩ ra cách "mua trên bàn rượu".

“Thật ra, người dân tộc thiểu số mình tiếp cận rất dễ. Khi chúng tôi đến, chờ chủ nhà về thì người dẫn chúng tôi lên bản có hỏi “nhà còn rượu không”. Chủ nhà mới bảo rượu thì còn và múc luôn cho một ca rượu ngô lên rót mời mỗi người một chén. Sau đó anh em chúng tôi hỏi luôn bán cho một con ngan sau đó xin ngủ nhờ lại vì nay cán bộ lên vùng cao nhỡ đường.

Anh em chúng tôi sắp xếp hai anh uống được rượu mời chủ nhà uống càng nhiều càng tốt, còn hai người khác phải tỉnh. Khi mình cảm nhận được là chủ nhà đã say với khách rồi thì lúc đấy anh bạn tôi mới nói là: Bạn tao (chỉ tôi) là thầy mo, thầy phù thuỷ muốn có một con chó giống của mày về để làm con chó phong thuỷ ở nhà mới. Bạn tao nó ưng con chó của mày, để lại cho bạn tao nhé.

Lúc đó rượu vào, anh em vui với nhau hứng chí nên chủ nhà gật đầu đồng ý. Anh bạn phiên dịch rất nhiều kinh nghiệm trên vùng cao rồi, anh bảo nếu mua được phải về ngay. Đấy là lí do anh em chúng tôi 2 ông uống, 2 ông tỉnh. Khi chủ nhà đồng ý thì phải cân con chó lên rồi trả tiền, xong anh em chúng tôi chở thật nhanh từ trong bản ra thị trấn Đồng Văn. Chỉ sợ rằng đến sáng mai khi tỉnh rượu họ không bán con chó đó nữa.”

Sau khi ra khỏi bản, giá trị của con cún đã thay đổi rất nhiều. Anh Đoàn kể lúc mua được con cún phong thuỷ đó tính theo cân là 1,5 triệu đồng, ra được đến thị trấn Đồng Văn đã có anh em gọi điện xin trả 15 triệu đồng mà anh không bán. Khi anh về đến nơi dừng nghỉ, anh em khác nhắn tin xin mua con cún với giá 30 triệu đồng.

Những lần khác khi đi ‘tầm cẩu’ trên vùng cao, đội anh Đoàn thường mang theo bimbim, kẹo cân đến các bản. Sau đó tìm đến những nơi mà các cháu nhỏ vui chơi để phát quà, nhờ đó hỏi các cháu về những gia đình có nuôi Mông cộc, hoặc nhờ chỉ nhà nào đang sở hữu những chú cún đang chạy xung quanh bản mà mình ưng ý. Sau khi được cho quà bánh, các cháu dẫn đến tận nhà, anh và cả đội mới tìm được những chú cún mình mong muốn sưu tầm.

Ngoài ra, ở trên vùng cao thường có các phiên chợ, bà con thường đem chó con xuống bán. Anh Đoàn và cả đội mới nghĩ ra phương án là tại mỗi vùng tuyển chọn một người làm hoa tiêu. Sau đó đưa ra những tiêu chí chọn giống cho hoa tiêu lấy đó làm chuẩn để tìm mua.

Thậm chí, có những người chưa sắm được điện thoại được anh Đoàn trang bị cho loại quay chụp, kết nối Internet. Khi có những con cún người dân bê ra chợ thì những người này sẽ làm nhiệm vụ đón ngay ở các lối vào, nếu con cún sát với tiêu chí mình đưa cho sẽ mua luôn và chuyển về xuôi.

Một chú chó phong thủy của đồng bào dân tộc vùng cao

Thời gian đi tầm cẩu của anh Đoàn cũng như cả đội không hạn chế, có khi cả nửa tháng trời. Khi đi tìm chó, thương lái phải bám sát theo bảng tiêu chuẩn và tài liệu nghiên cứu về giống chó này để tìm được những cá thể ưng ý.

Những người trong nghề lâu năm như anh Đoàn khi nhìn một chú chó Mông sẽ biết từ cái mõm, tỉ lệ hộp sọ hay xương tới chóp mũi. Ví dụ như tai phải là hình tam giác cân, và không được dài quá mắt. Nhiều con vẫn là cộc đuôi nhưng tai to và dài quá, mõm chảy xệ xuống thì nghĩa là đã lai tạp với giống chó khác.

"Khi bọn mình đi tầm thì tầm những con chuẩn. Hoặc về sắc tố thì bạn nhìn móng chân đen, mũi đen, viền mắt đen. Như con này màu đen thì viền mắt màu đen..., vì đó là sắc tố, sắc tố liên quan đến thần kinh".

Loài chó không thể mua chuộc

Khi tôi hỏi anh Đoàn về bản tính khác biệt của dòng Mông cộc so với 3 dòng khuyển vương còn lại là gì, anh bảo đấy là đặc điểm: không thể mua chuộc.

Khi một ai đó đến nhà chơi, chủ ở nhà con cún rất bình thường, rất thân thiện. Nhưng khi chủ đi vắng, người lạ gần như không thể vào được nhà. Thứ hai, với dân huấn luyện như anh Đoàn, chó khác dù dữ mấy cũng chỉ 3 phút là thuần hóa được. Nhưng Mông cộc đã xồ ra thì anh làm quen cả ngày cũng không thể thuần hóa.

“Tôi gọi nó là “con chó không thể mua chuộc” bởi vì với con chó khác có thể tìm cách nọ cách kia để nhử như đồ chơi, đồ ăn, mọi thứ để có thể dắt con chó đi, nhưng riêng với Mông cộc, điều đó là không thể”.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, chó Mông cộc được xếp vào hàng chó canh gác, tức là dùng vào việc bảo vệ kho tàng. Và trong chiến đấu, mọi người gọi đây là loài chó “quân tử” bởi vì khi đi săn thường tấn công thẳng mặt. Dù đối thủ có mạnh mấy cũng lao thẳng vào, khác với dòng Phú Quốc thấy nguy hiểm đằng trước thì vòng đằng sau, nguy hiểm nữa chạy ra xong lại chạy vào.

Loài Mông cộc bao giờ cũng vậy, đánh là thẳng mặt, thua cũng đánh, không đánh được thì hy sinh. Tuy nhiên đấy cũng là yếu điểm của nó, bởi vì chơi quân tử, lịch sự quá đôi khi gặp đối thủ mạnh đương nhiên sẽ bị thiệt thòi, rất dễ bị chấn thương trong những tình huống như vậy.

Trong thời gian đi ‘tầm cẩu’, anh Đoàn được nghe anh em ở trên vùng cao nói rằng, người Mông thường tạo thói quen cho chú chó theo chủ lên rẫy canh gác cũng như đi săn mà không sợ lạc đường về nhà. Mỗi lần làm rẫy, cứ đi một đoạn người ta lại lấy con dao đào một lỗ nhỏ rắc vài hạt ngô luộc và gạt đất phủ lên.

Khi con chó chạy theo, nó ngửi đánh hơi và gạt miếng đất ra ăn hạt ngô. Việc này tạo thành một thói quen chạy từ nhà ra rẫy, từ rẫy về nhà. Mỗi khi có đàn lợn rừng về phá rẫy, chó sẽ chạy theo lối mòn tới xua đuổi lợn rừng.

Cách thổi giá của dân ‘tầm cẩu’

Anh Đoàn tâm sự: Do dưới xuôi nhu cầu mua những chú chó Mông gốc Hà Giang ngày càng tăng cao, nên dân tầm cẩu’ đã đẩy giá con cún ngay từ trên bản và làm khó nhau.

Ví dụ tôi đến nhà người dân này chụp ảnh gửi cho mấy anh em, họ rất ưng muốn mang con cún đó về dưới xuôi nhưng đi lại mấy lượt người chủ không bán. Lại có người khác đi "tầm cẩu’ cũng phát hiện, vào hỏi. Do sợ người khác mua mất của tôi nên con cún có giá 5 triệu chẳng hạn, tôi sẽ bảo với chủ nhà mua lại với giá 20 triệu để người kia không thể mua nổi.

Nghe đến 20 triệu, những người mua chó nghe xong đều chạy mất dép, thế nên đó cũng là một trong các thủ thuật giữ chân cún. Trong kinh doanh phải như vậy, nhưng ngược lại trong đạo đức con người cũng như nghề nghiệp thì mình cảm thấy không ổn tí nào, nên sau này mình quyết định nghỉ. Mình không theo nghề nữa. Giờ anh em biết đến mình với tư cách huấn luyện viên các dòng chó bản địa và chó làm việc”.

Đối với người dân tộc thiểu số, kể cả người miền núi hay người miền xuôi, con chó màu đen mới là con chó trừ tà, chó phong thủy. Tuy nhiên, đối với nhiều người chơi, con chó màu đỏ mới là chó phong thuỷ bởi màu đỏ đem lại sự may mắn, quý phái. Chính từ cách chơi đó dẫn đến chuyện một số người thích màu đỏ, tất nhiên cũng còn nhiều yếu tố khác nữa. 

Những người đi 'tầm cẩu' chợ phiên vùng cao

Cũng theo anh Đoàn, chuyện giá chó có màu lông đỏ cao chót vót thật ra do người chơi đẩy lên. Nay một người mua được con chó màu đỏ 20 triệu, ngày mai con khác đẹp phải bán nhiều tiền hơn, lên 30 triệu, hôm sau người khác cũng thích con chó đó đương nhiên giá sẽ được đẩy rất cao, 50 - 60 triệu, thậm chí 100 triệu chó mới ra khỏi nhà. Do tự người chơi đẩy giá lên, nên giá cứ theo đó mà leo thang.

Ngoài ra, cũng có những người chơi thậm chí không cần biết tiêu chí của chó Mông là gì, cứ thấy cộc đuôi màu đỏ là mua. Người bán và người chơi chuyên sâu biết mình đang cầm cái gì trong tay, thế nhưng do dân chơi đang cần những con đuôi cộc màu đỏ cho nên dù chưa đáp ứng, chưa đạt yêu cầu người ta vẫn bán ra với giá cao.

Có những thời điểm cao trào như năm 2015 – 2016, cứ chó Mông màu đỏ, đuôi cộc được xem là quý, cho nên nhiều con cún khi về dưới xuôi có giá cao "không tưởng".

Ở trên bản, giống chó Mông thuần chủng không còn nhiều bởi vì người chơi ở dưới xuôi cần đủ thể loại. Những người chơi tinh xảo cần nhũng con đẹp, có những người cần chó trông nhà cũng đáp ứng. Lên bản tìm một con chó cộc đuôi đẹp khó hơn tìm ở dưới xuôi bởi vì có bao nhiêu con đẹp trên bản đem về xuôi hết rồi.

Nói chuyện với tôi, anh Đoàn bảo ‘tầm cẩu’ thời điểm đó thì không trắng tay được, bởi vì chó thời đó nhiều lắm, có tìm được nhiều cá thể ưng ý hay không thôi. Sau này, giới chơi lựa chọn càng khắt khe nên những chú cún thuần chủng cũng không nhiều. Có chuyến được 3 - 4 con, thậm chí có những chuyến chỉ được 1 con.

"Tại vì trước màu nào cũng được, cún cộc đuôi là được những sau này thì còn phải tiêu chí từ cái tai, cái mặt, cái mõm... Người dân thường gọi nghề của anh em là lái chó và thực sự không được chào đón, nếu có đón tiếp không được nhiệt tình lắm. Anh em lúc đó cũng e ngại. Kể cả mình bán đi chăng nữa cũng không dám nhận mình là lái chó".

Nhật Vũ

Tin mới