Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Theo chân thợ gác kèo ong rừng U Minh Hạ

(VTC News) -

Gác kèo ong là nghề đặc trưng của vùng rừng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), không chỉ tạo ra các sản phẩm vật chất mà còn là nét văn hóa đặc sắc của cư dân nơi đây.

Giữa rừng tràm U Minh Hạ bao la, loài ong được dựng nhà, xây tổ từ đôi bàn tay của những người thợ gác kèo. Hành trình rong ruổi vượt sông, băng cắt rừng, thực mục sở thị nghề độc nhất vô nhị tại vùng tiệm cận cuối cùng của Tổ quốc quả là trải nghiệm thú vị và đáng nhớ.

Dựng nhà cho ong ở

Thực hiện lời hẹn, theo sự chỉ dẫn của cư dân địa phương, trời vừa tỏ, tôi có mặt tại ấp 4 (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Anh Huỳnh Vũ Hoàng - 39 tuổi, thợ gác kèo có tiếng ở vùng U Minh tình nguyện đưa đường dẫn lối, giúp tôi mở mang kiến thức về nghề dựng nhà cho ong ở. Bắt đầu bén duyên từ năm 18 tuổi, đến nay, anh Hoàng đã có ngót nghét 20 năm gắn bó với công việc thú vị này. Cùng hành trình với tôi và anh Hoàng còn có ông Lê Văn Suôl - 48 tuổi.

Chỉ mang theo dao, bó đuốc, mũ lưới, thùng để đựng mật ong, chúng tôi hạ bước xuống chiếc xuồng nhỏ. Chuyến “ăn ong” (lấy mật của tổ ong) chính thức bắt đầu… Trực tiếp cầm dầm khua chèo, xuôi mũi xuồng rẽ lối, anh Hoàng bảo, chẳng rõ nghề gác kèo ong ra đời tự bao giờ. Bản thân anh cũng như bao người thợ gác kèo ong ở xứ rừng U Minh Hạ này chỉ có thể khẳng định: đây là nghề truyền thống lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Lý giải thêm về cội nguồn của nghề độc đáo có một không hai ở miền Tây, ông Suôl cho biết, khi sắc hoa vàng của tràm nở rộ cũng là thời điểm nhiều đàn ong mật bay về làm tổ. Dần dà, cư dân địa phương ngộ ra tập tính, cách thức làm tổ của loài ong mật. Từ đó, các thế hệ cha ông tìm hiểu, nghiên cứu rồi nghĩ ra cách làm nhà cho ong trú ngụ. Nghề gác kèo ong được “sản sinh” như một lẽ tự nhiên.

Khi con xuồng đang mát mái, chiếc dầm trên tay anh Hoàng bỗng khựng lại. Độ vài giây quan sát, Hoàng neo phương tiện vào sát mép nước ven bờ, chỉ tay về phía tổ ong núp sau thân tràm vắt ngang và nói: “Tổ này chừng dăm ba ngày nữa sẽ lấy mật. Ở khu rừng rộng 60ha, tôi cùng các anh em đã gác khoảng 800 kèo ong”.

Theo quan sát ở khoảng cách 4m, chiều dài của tổ ong tầm hơn nửa mét, và tôi chỉ thấy một màu đen óng của những chú ong trong “ngôi nhà” chứa đầy lớp mật vàng nhạt.

Tổ ong anh Huỳnh Vũ Hoàng giới thiệu vài ba ngày nữa sẽ lấy mật.

Về chu kỳ gác kèo, hàng năm, cứ tầm tháng 9, những người thợ chuyên xây nhà cho ong ở lại rục rịch chuẩn bị dụng cụ đi gác kèo.

“Bộ kèo gồm 2 trụ và thân kèo. Thân kèo dài tầm 2,5m. Một trụ dài khoảng 2,5m, trụ khác dài 1,5m. Trụ thường được làm từ cây tràm. Thân kèo được làm từ cây bình bát, bởi theo kinh nghiệm, dùng loại cây này thì sẽ dẫn dụ được nhiều ong hơn. Nơi tốt nhất để gác kèo là những trảng trống, thoáng đãng, sậy hoặc tràm lưa thưa, có ánh nắng mặt trời chiếu xuống thân kèo, ong sẽ bò lên bò xuống dễ hơn. Ngoài ra, ánh nắng sẽ giúp sưởi ấm, hạn chế thân kèo bị ẩm, mục thối”, anh Hoàng cho biết.

Thấy tôi có vẻ còn lơ mơ chưa hình dung hết cách dựng nhà cho ong, anh Hoàng và ông Suôl một lần nữa tấp xuồng vào bờ. Khi cả hai rời xuồng, tôi cũng cất bước, theo họ lên bờ, tiến lại khu vực có kèo ong vừa mới gác hôm qua.

Anh Huỳnh Vũ Hoàng men theo lối vào chỗ ngày hôm qua anh vừa gác kèo ong

“Kèo được khoan lỗ trước. Chọn được trảng thì cắm 2 trụ trước rồi gác kèo đã khoan sẵn 2 đầu lên, sao cho kèo dốc 70 độ. Nếu kèo nằm ngang thì khi ong làm tổ, mật đóng dọc theo dạ kèo, lấy mật một lần là tổ ong hư. Nếu làm kèo dốc xuống thì mật chỉ nằm ở đoạn trên cao, sẽ cho thu hoạch 4, 5 lần”, anh Hoàng giải thích, và tôi phần nào đã hiểu được cách làm nhà cho ong. Cả ba theo lối cũ quay trở lại xuồng, tiếp tục hành trình “ăn ong”.

Vị trí gác kèo ong phải trống trải và đón được ánh nắng.

Ông Suôl cho biết, thông thường, sau khi gác kèo từ 10 ngày đến 1 tháng, sẽ có ong về làm tổ. Độ 2 tuần sau, người thợ gác kèo có thể bắt đầu “ăn ong”. Khi thu hoạch, người thợ sẽ không lấy hết tổ ong mà chỉ cắt khoảng 3/4 hoặc 4/5 tùy vào tổ lớn hoặc nhỏ, để ong có thể tiếp tục xây tổ trên nền tổ đã được cắt đi.

Lặp lại như thế từ 4 đến 5 lần mới phải gác kèo khác thay thế. Trung bình mỗi tổ ong có thể cho 5 đến 10 lít/lần thu hoạch.

Giết một con, cả đàn “tử thủ”

“Đã đến chỗ ăn ong”, anh Hoàng nói và yêu cầu tôi đội mũ lưới trùm xuống tận cổ để tránh bị ong tấn công.

“Làm nghề này bị ong chích là chuyện thường. Năm 18 tuổi, tôi đã theo cha đi thu hoạch mật và không ít lần bị ong đuổi chích. Dẫu bây giờ đã hiểu hết đặc tính của ong nhưng vẫn phải đội mũ lưới bảo hộ cho an toàn. Mình bảo vệ bản thân mình nhưng cũng là cách để bảo vệ đàn ong. Con ong nó chích mình xong, nó cũng sẽ chết, gây tổn hại cho cả đàn. Thiên nhiên ban tặng mình nguồn lợi từ ong rừng, mình phải khai thác làm sao để có thể bảo tồn chứ không tận diệt”, anh Hoàng bộc bạch.

Vừa hướng dẫn tôi đội mũ lưới, ông Suôl vừa dặn không được dùng nước hoa, bôi dầu, xịt thuốc chống côn trùng, vì loài ong vốn dị ứng với những mùi hương trên. Nếu cơ thể tỏa ra mùi hương khác lạ, sẽ rất dễ bị ong tấn công. Khi ong bu quanh người hay lỡ có bị ong chích, chỉ nên phủi nhẹ cho ong rớt xuống.

Anh Huỳnh Vũ Hoàng đốt đuốc cuốn bằng xơ dừa, tạo khói khi cách tổ ong tầm 1m.

“Điều cấm kỵ trong lúc ‘ăn ong’ là giết chết ong. Khi con ong bị giết chết thì mùi nọc ong tỏa ra. Cả đàn nhận biết và trở nên rất hung dữ, sẽ kéo theo tấn công chúng ta, rất nguy hiểm. Dù chích vào cơ thể người thì xác định sẽ chết nhưng chúng vẫn nhất quyết đuổi theo như kiểu tử thủ để bảo vệ tổ ong”, anh Hoàng lý giải.

Và rồi, thời khắc tôi mong đợi được trải nghiệm cũng đến - bắt đầu “ăn ong”. Ông Suôl bước vội lên trước, tay cầm dao phát quang bụi rậm để mở lối. Khi còn cách tổ ong gần 1 m, anh Hoàng đốt ngọn đuốc cuốn bằng xơ dừa, tạo khói rồi quơ qua quơ lại. Khói tỏa ra khiến những con ong rời khỏi tổ. Đàn ong túa ra như “binh đoàn” khiến tôi thót tim.

Theo bản năng, tôi lùi bước lại phía sau. Hai bên tai tràn ngập tiếng vo ve, vù vù của hàng nghìn con ong. Tôi toát mồ hôi, tim đập mỗi lúc một nhanh, đinh ninh thế nào mình cũng bị ong chích.

Anh Huỳnh Vũ Hoàng quơ bó đuốc để xua đàn ong ra khỏi tổ.

Chừng 30 giây sau, đàn ong bắt đầu vơi dần. Tôi hoàn hồn và bình tĩnh nhìn về phía tổ ong. Bất giác, tôi phát hiện một chú ong đang bò trên mũ lưới ngay trước mặt mình. Hai chú ong khác đang đậu trên cánh tay. Nhớ lời những người thợ gác kèo căn dặn, tôi chỉ thổi nhẹ để ong rơi xuống. Nhìn lại cả người không còn bị ong bám, tôi thở phào nhẹ nhõm.

 

Trên đường về, hai người thợ gác kèo ong tâm sự, mỗi lần đi rừng hay đi “ăn ong”, ai cũng nhớ mang theo đồ cúng thần rừng để mong cầu bình an. Bởi, ngoài nguy cơ bị ong chích, nghề gác kèo ong còn tiềm ẩn lắm hiểm nguy giữa chốn rừng thiêng nước độc như rắn cắn, đuối nước...

“Lúc nào tôi cũng đi rừng theo nhóm từ hai người trở lên chứ không dám đi một mình vì sợ bất trắc xảy ra sẽ không ai hay biết. Dù nghề nguy hiểm nhưng tôi cũng như bao người thợ gác kèo khác đều rất yêu rừng, yêu đàn ong. Nhờ có rừng U Minh, có đàn ong mật bay về làm tổ mà chúng tôi có kế sinh nhai, đảm bảo được đời sống cho cả gia đình, dẫu không khá giả”, anh Hoàng đưa ánh mắt xa xăm về phía cánh rừng, cười mãn nguyện.

Ngày 18/6/2020, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Nghề gác kèo ong là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện UBND hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Việc công nhận Nghề gác kèo ong là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã tạo thêm động lực cho người dân địa phương tiếp tục gắn bó với nghề, có điều kiện phát triển kinh tế bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, giảm nghèo của địa phương.

THANH TIẾN

Tin mới