Sáng nay, sau nhiều lần hẹn hò và sắp xếp, tôi có cơ hội bám theo nhóm săn cá của Tuân, sinh năm 1984, nhân viên một công ty dịch vụ môi trường ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Mấy hôm nay trời mưa liên tục, đến chiều tối qua mới tạnh. Mặc dù vậy bầu trời vẫn xầm xì, hứa hẹn các đợt mưa tiếp theo. “Nước dâng lên như thế này là hay có cá chép hay cá bỗng vào gần bờ kiếm ăn. Nước rút bọn em lại đi săn cá rô”, Tuân bảo.
Cá rô ở đây là những con rô phi hồ tự nhiên, mỗi con nặng 2-3kg là chuyện bình thường. Thịt cá rô tự nhiên đánh từ hồ Na Hang nướng lên trắng muốt, ăn ngọt lừ, không hề có chút vị gì tanh.
Đằng xa có tiếng xe máy. Thêm hai thành viên đội săn ngày hôm nay. Đó là Chung, làm cùng công ty với Tuân, người còn lại là Năm. Chung đã có nhiều năm đi săn cá, còn Năm thường xuyên có mặt cùng đội nhưng không săn, chỉ làm “quan sát viên”. "Nhưng cứ lần nào anh em rủ là y như rằng anh Năm có mặt. Máu đi lắm", Chung bảo tôi.
Năm sinh năm 1978, làm nghề mổ lợn. Tối qua, một mảng đất lớn sau nhà Năm sạt xuống sau nhiều ngày mưa liên tiếp. May là chỉ sạt vào chuồng lợn nhưng không may là 10 con lợn nhà Năm nuôi nhốt bị đất đè chết. “Nhà bây giờ như bãi chiến trường. Thợ thịt gần chục người đang xử lý cả chục con lợn. Biết mình trốn đi chơi vậy, con vợ tớ nó chửi chết”, Năm cười hề hề. Đi săn cá nhưng anh ta không quên đem theo một túi to cuống tim và dương vật lợn để trưa nướng cho cả bọn cùng ăn.
Hôm nay, theo kế hoạch, chúng tôi sẽ đến Khuổi Nhi, rồi cửa Đén… để săn cá.
Thác Khuổi Nhi nằm trên địa phận xã Thượng Lâm, Na Hang, trong lòng hồ thuỷ điện. Đây được xem là thác nước đẹp và lớn nhất ở Na Hang.
Tôi để ý thấy mấy tay thợ săn cá ông nào cũng mang theo một nắm cây chó đẻ. Hỏi ra mới hay họ dùng lá này chà xát kính lặn. “Cái này lau mặt kính tốt lắm, bọn tôi gọi là bảo bối của thợ lặn ở đây”, Chung nói.
Video: Săn cá hồ Na Hang
Một bộ đồ lặn săn cá bao gồm súng, kính lặn, hạt cao su nhét vào lỗ tai ngăn nước, săm ô tô làm phao có buộc cục đá để khỏi trôi, thêm dây để xâu cá. Chung trang bị thêm cho mình một bộ quần áo lặn. “Cái này để chống gai góc, đá sắc dưới nước”, Chung nói. Tuân và các anh em khác thì chỉ quần đùi, chân đất.
Trước khi lặn, thợ săn sẽ “lên đạn” trước bằng cách kéo dây cao su móc vào mấu mũi tên thép. Súng có cơ chế khóa, khi chưa bóp cò thì chốt thép sẽ khóa chặt, không cho tên nhúc nhích. Lúc này, ngạnh mũi tên bằng thép cũng được khép lại và bị khóa bằng một vòng nhựa. Khi tên bay ra, xuyên qua người cá, chiếc vòng nhựa cũng bị đẩy ra phía sau, giải phóng cái ngạnh tên. Cá bị tên xuyên qua người, lại bị ngạnh giữ lại, chỉ còn biết vùng vẫy trong tuyệt vọng cho đến khi kiệt sức.
Thợ săn hít một hơi sâu, lặn xuống đáy nước, nằm áp ngực xuống đất, đưa súng ra phía trước. Chiếc phao săm ô tô ở trên có vai trò là “trạm nghỉ” sau mỗi hơi lặn, đồng thời cũng là vật để buộc dây xâu cá mỗi khi thợ săn bắn được “hàng”.
Thuyền chúng tôi nổ máy, từ bến thuyền gần chân đập thủy điện Tuyên Quang tiến vào sâu trong lòng hồ. Những hòn đảo hôm qua còn to như quả đồi, nay chỉ còn nhô lên vài mét. “Nước dâng, đồi cỏ ngập, cá chép sẽ vào ăn cỏ non hoặc vật đẻ. Rình ở chỗ này cũng dễ ăn đấy”, Tuân bảo.
Tuy nhiên vì cả nhóm đã lên kế hoạch đến Khuổi Nhi và cửa Đén để anh phóng viên có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng lòng hồ Na Hang nên thuyền tiếp tục đi.
Chung bảo đi săn cá bằng súng bắn tên cũng có phần tương đồng với đi câu cá hay giăng lưới. Giống ở chỗ, tay câu, ngư dân chài lưới hay thợ săn đều phải biết chỗ có cá mà tìm đến. “Không thể ra giữa hồ mà săn cá được”, Chung bảo. Cá thường chỉ có ở những nơi mà chúng cảm thấy an toàn và có nguồn thức ăn. Đó là khu vực nước tĩnh, không quá sâu, có nhiều hang hốc hay bờ bụi. Cá săn mồi thì thường tìm đến nơi có cá con, mà cá con thì thường loanh quanh gần bờ. Một số giống cá da trơn, như cá lăng, cá ngạnh thì ưa nơi có ghềnh đá, vực đá, bởi nơi đó có hang hốc cho chúng trú ngụ, trốn tránh dân đánh lưới hay chích điện…
Thuyền của chúng tôi dừng lại ở một chỗ như thế. Đó là một bờ cỏ nước lúp xúp với rất nhiều cây mai dương đã chết khô vì lý do nào đó. “Chỗ này lắm cây có gai, nhưng những nơi địa hình khó khăn như vậy lại là nơi có cá, vì chúng thấy ở đây có chỗ trú ngụ”, Tuân giải thích. Thợ săn chịu đựng sự khó chịu của gai góc để có cơ hội “săn hàng”.
Chung xuống nước đầu tiên. Bỏ lại anh ta ở đó, thuyền đi tiếp thêm vài trăm mét rồi thả Tuân xuống. Tôi và Năm ngồi trên thuyền, vừa buông câu vừa chờ hai tay thợ săn mang “hàng” về. Có vẻ như Chung đã bắn được con gì đó.
Đợt lặn đầu tiên, Tuân và Chung mỗi người bắn được ba con, cả chép và rô phi, loại 1,3-1,5 kg. “Nhưng con rô, chép nhỏ thì không bắn, để chúng nó lớn”, Tuân bảo.
Thuyền đưa chúng tôi đến thác Khuổi Nhi. Nước từ trên cao buông xuống trắng xóa, thướt tha tựa tóc tiên. Tuân bảo trên mặt nước thì trông xanh trong như thế, nhưng lặn xuống thì khá đục, bởi mấy hôm nay mưa nhiều, nước từ thượng nguồn đổ về mang theo rác, bùn. Tầm nhìn hạn chế nên bắn cá cũng khó khăn hơn.
Chúng tôi đi tiếp đến một nơi gọi là cửa Đén. Tuân bảo chọn chỗ này vì địa hình đa dạng, có cả bãi cỏ, vực sâu, ghềnh đá, nên đa dạng các loại cá.
Hai tay thợ săn bắt đầu đợt lặn thứ ba trong ngày. Chung chọn một góc có lồng bè nuôi cá của nhà ai đó, với hy vọng cá tự nhiên kéo đến đây tìm kiếm những thứ đồ ăn thừa rơi vãi từ lồng cá. Cách này cũng luôn phát huy hiệu quả đối với dân câu cá. Bởi chỗ lồng bè là nơi dân chích điện không dám bén mảng, lại tụ cá tự nhiên.
Tuân thì chọn một đoạn có vách đá, nước từ trên cao đổ xuống ào ào. Ở đây có hẻm núi, gió xuyên qua hẻm cộng thêm hơi nước bay mù mịt khiến khung cảnh khá ma mị, âm u. Tôi có cảm giác lành lạnh, không biết có phải vì hơi nước, vì gió hay vì cảnh quan…
Giữa khung cảnh trời nước âm u, ma mị, bỗng “ầm” một tiếng, thứ gì đó dưới nước quẫy lộn dữ dội, bọt nước trắng xóa nổi lên… “Trúng hàng khủng rồi”, tôi thầm nghĩ. Đúng lúc đó, Tuân trồi lên thở rồi lại nhanh chóng lặn xuống ghì con cá lớn vừa bị trúng tên. Tôi căng mắt nhìn từ khoảng cách hơn 30m. Có một cái đuôi cá ánh đỏ vừa thò lên và nhanh chóng quật xuống khiến nước bắn tung tóe. Có vẻ Tuân đã bắn được một con cá lăng đuôi đỏ. Sau một hồi co kéo, cuối cùng con cá đã thất thủ dưới tay Tuân. Anh ta bơi về phía thuyền, lôi theo sau con cá lớn. Ước chừng nó phải nặng cả chục cân. (Sau này khi mang về, mới hay con cá nặng chính xác 14,6kg).
Đã hơn 12h trưa. Chúng tôi chọn một chỗ râm mát, mang cá lên, chuẩn bị cho bữa trưa. Tổng kết số cá sáng nay: 3 rô phi, 3 chép và một con cá lăng đuôi đỏ rất lớn. Chỉ có hai tay thợ săn mà trong vòng hơn 2 giờ đã lôi lên bờ hàng chục cân cá.
Chúng tôi chỉ nướng thịt lợn và số cá chép, rô phi. Con cá lớn được chừa lại mang về chia cho mọi người.
Ở góc kia, Năm thịt lợn đã nhanh tay chặt một cây nứa, dùng dao tiện gọt bốn cái chén uống rượu, đúng kiểu “4 tại chỗ” của dân sơn lâm. Bữa tiệc giữa rừng hoang vu bắt đầu…