Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thêm nhiều di vật quý được khai quật từ di chỉ Tam Tinh Đôi bí ẩn

Các nhà quản lý di tích văn hóa Trung Quốc tiết lộ một số khám phá mới từ Di chỉ Tam Tinh Đôi bí ẩn ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).

Các di vật mới được phát hiện gồm một mặt nạ vàng, một mặt nạ đồng khổng lồ, các bức tượng đồng và những chiếc ngà voi được chạm khắc.

Một mặt nạ vàng hoàn chỉnh rộng 37,2 cm, cao 16,5 cm và nặng khoảng 100 gram được khai quật từ hố số 3 của di chỉ Tam Tinh Đôi, cơ quan quản lý di tích văn hóa địa phương vừa công bố.

Chiếc mặt nạ bằng vàng vừa được khai quật tại di chỉ Tam Tinh Đôi, Tứ Xuyên, Trung Quốc. 

Ran Hongling, người đứng đầu Viện Khảo cổ học Tam Tinh Đôi, cho biết: “Chiếc mặt nạ vàng này dường như là một phần của chiếc đầu bằng đồng thay vì một vật thể riêng biệt”.

Trong khi đó, một chiếc mặt nạ lớn bằng đồng, rộng 135 cm và cao 74 cm, khai quật từ hố thứ ba, được xác định là chiếc mặt nạ bằng đồng lớn nhất từng được phát hiện tại địa điểm này.

Các nhà khảo cổ Trung Quốc cho biết, hố số 4 tại di chỉ Tam Tinh Đôi niên đại 2966 - 3148 năm trước, vào cuối triều đại nhà Thương (khoảng 1600 – 1046 trước Công nguyên).

Trong số các bức tượng đồng mới được khai quật, một nhân vật đứng được nhiều cư dân mạng Trung Quốc gọi đùa là "tổ tiên" cổ đại của siêu anh hùng Nhật Bản "Ultraman" do có chiếc vương miện nhọn trên đầu và đôi mắt lồi to.

Một di vật bằng đồng khác cũng gây được sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc bởi nhân vật kiểu tóc đặc biệt uốn ngược thành một hình dáng phóng đại giống như những viên gạch. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc nhận xét rằng, kiểu tóc này khiến họ liên tưởng đến chiếc mũ hình vương miện của Gia Cát Lượng, nhà chiến lược quân sự Trung Quốc sống trong thời Tam Quốc (220-280).

Tư thế độc đáo của một nhân vật trong pho tượng được khai quật ở di chỉ Tam Tinh Đôi.

Một bức tượng đồng khác cũng đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khảo cổ học Trung Quốc do tư thế độc đáo của người trong bức tượng. Nhân vật này đang quỳ xuống, quay đầu sang phải và hai tay đặt ở phía trước bên trái của cơ thể, nhưng thú vị nhất là nhân vật này đứng bằng mũi chân.

Theo tài liệu, ba bức tượng đồng tương tự đã được khai quật từ hố số 4. Hình dạng và trang trí của các hiện vật khiến chúng trở thành những phát hiện độc đáo. Đây là nguồn tài nguyên quý giá cho việc nghiên cứu tôn giáo và hệ thống xã hội của Vương quốc Thục cổ đại, một trong ba vương quốc cai trị khu vực này cách đây 3000 năm, nơi di chỉ Tam Tinh Đôi được phát hiện.

Nguồn:

Tin mới