“Tân binh” được chính quyền Mỹ chào đón
Bắc Carolina là tiểu bang đã thu hút sự chú ý của VinFast khi công ty này tìm kiếm vị trí xây dựng nhà máy tại Mỹ.
Các quan chức tiểu bang đã cố gắng thu hút một nhà sản xuất ô tô để thành lập nhà máy ở hạt Chatham trong nhiều năm. Họ đã chi hàng tỷ đô la để đưa đến đây công ty khởi nghiệp đến từ Việt Nam với những kế hoạch lớn dù tuổi đời còn trẻ.
VinFast động thổ nhà máy tại Bắc Carolina, Mỹ hồi tháng 7.
VinFast - hãng xe điện mới thành lập được 6 năm, đã có những bước tiến thần tốc khi ra mắt những mẫu ô tô có thiết kế hiện đại nhờ bắt tay với những “gã khổng lồ” như BMW và nhà thiết kế hàng đầu của Ý cũng như chiêu mộ thành công nhiều nhân tài trong ngành. VinFast được xem sẽ cạnh tranh với Tesla và các hãng ô tô lớn khác của Mỹ trên chính thị trường nội địa.
Thống đốc bang Bắc Carolina, ông Roy Cooper, cho biết chính quyền của ông ca ngợi quyết định xây nhà máy của VinFast và nhấn mạnh đây là dự án phát triển kinh tế lớn nhất trong lịch sử tiểu bang. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhận định đây là "một minh chứng mới nhất thể hiện chiến lược kinh tế của ông đang phát huy tác dụng".
Quyết định táo bạo của VinFast khi niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq cùng với những kế hoạch đầy tham vọng của công ty đã thu hút nhiều sự chú ý đặc biệt. Tháng 8 năm nay, giá cổ phiếu của VinFast đã tăng vọt, đưa vốn hóa của công ty tăng lên mức cao hơn tổng giá trị của Ford và GM cộng lại.
Với một nhà máy sản xuất ô tô lớn đang hoạt động tại Việt Nam, VinFast đã bán khoảng 10.000 xe điện trên toàn cầu trong 6 tháng đầu năm nay. VinFast cho biết hãng phải kêu gọi đầu tư lớn với tư cách là một “tân binh" mới gia nhập vào ngành công nghiệp ô tô.
Sự ủng hộ đối với VinFast là một minh chứng cho chính sách kích thích sản xuất nội địa với công nghệ năng lượng sạch của chính phủ Mỹ. Mỹ đã dành hàng chục tỷ USD để hỗ trợ các công ty sản xuất ô tô điện, pin năng lượng mặt trời và chế biến khoáng sản. Các chính quyền bang và địa phương cũng đang hứa hẹn với những nguồn tài trợ tài chính cho các hoạt động này.
Hiện, VinFast chưa nhận được khoản vay liên bang nhưng đang được hưởng lợi từ các ưu đãi của tiểu bang và quận, bao gồm các khoản thanh toán trợ cấp và hàng trăm triệu đô la tiền tiểu bang để cải thiện đường sá và cơ sở hạ tầng gần địa điểm nhà máy mới.
Thống đốc Cooper nói với The Wall Street Journal rằng ông tin tưởng vào cam kết của VinFast. Với nhà máy xe điện ở hạt Chatham, Bắc Carolina đã trở thành tâm điểm của nền kinh tế năng lượng sạch.
VinFast niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) từ tháng 8 năm nay.
Tổng Giám đốc toàn cầu VinFast, Lê Thị Thu Thủy, cho biết công ty tự tin sẽ đạt được sức hút tại thị trường trọng điểm. Theo bà, nước Mỹ khá yêu thích những thương hiệu đi lên từ con số 0 và có bản lĩnh cạnh tranh với các tên tuổi lớn.
Một lợi thế của VinFast khi mở rộng ở thị trường Bắc Mỹ là hãng xe không đến từ Trung Quốc. Các thương hiệu xe điện tên tuổi của Trung Quốc như BYD đang mở rộng toàn cầu. Nhưng phần lớn trong số đó vẫn chưa thâm nhập thị trường Mỹ do thuế nhập khẩu cao và căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Tại Mỹ, VinFast được các nghị sĩ ở cả hai đảng chào đón. Ngoài ra, Việt Nam được coi là đối tác thương mại thân thiết với Mỹ.
Cam kết lâu dài với thị trường Mỹ
Nhà sáng lập Vingroup, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, có khát vọng xây dựng thương hiệu toàn cầu đầu tiên của Việt Nam khi quyết định dồn lực đầu tư cho VinFast. Ông Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và được Forbes xếp hạng là người giàu nhất Việt Nam - kiểm soát hơn 98% cổ phần VinFast.
Vingroup đầu tư mạnh để học hỏi chuyên môn và công nghệ nước ngoài. Tổng Giám đốc đầu tiên của VinFast, Jim DeLuca, là người đã có 37 năm làm việc tại General Motors, nơi ông đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch điều hành sản xuất toàn cầu.
Công ty hoàn thành nhà máy và phát triển thành công ba mẫu xe chỉ trong 21 tháng, nhanh hơn nhiều so với các nhà sản xuất ô tô truyền thống. Nhưng từ năm ngoái, VinFast đã ngừng sản xuất xe động cơ đốt trong để chuyển sang thuần điện.
Tàu vận chuyển lô xe VinFast đầu tiên xuất sang Mỹ.
Ô tô của VinFast hiện đều được sản xuất tại tổ hợp với tỷ lệ tự động hóa cao ở Hải Phòng. Nhiều linh kiện được sản xuất tại xưởng tại chỗ. Nhà máy sử dụng rất ít lao động thủ công nhờ sở hữu hơn 1.000 robot, đảm nhiệm phần lớn các công việc nặng nhọc, chẳng hạn như hàn các mảnh xe hơi lại với nhau. VinFast cho biết nhà máy này tạo nên sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh khi có chi phí lao động thấp hơn nhiều.
VinFast cũng cho biết, xe điện xuất khẩu của Công ty có lợi thế về giá nhờ các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các thị trường như Liên minh châu Âu. VinFast đang bán xe tại Mỹ, Canada, Việt Nam và sẽ sớm thâm nhập vào thị trường EU.
Công suất của nhà máy VinFast lên tới 300.000 xe điện mỗi năm, nhưng công ty dự kiến sản xuất chỉ 40.000-50.000 xe trong năm nay. Một đối tác lớn của VinFast là hãng vận chuyển GSM mang lại hiệu quả lớn trong việc quảng bá xe điện tại thị trường Việt Nam.
“Chúng tôi muốn những chiếc xe điện VinFast hiện diện trên đường phố Hà Nội càng nhanh, càng nhiều, càng tốt”, David Mansfield - Giám đốc Tài chính của VinFast, khẳng định.
Hồi tháng 7, công ty đã khởi công nhà máy ở Bắc Carolina. Nhà máy dự kiến đi vào sản xuất xe điện vào năm 2025. Công ty cho biết nhà máy tại Mỹ sẽ tương tự nhà máy ở Việt Nam, với tỷ lệ tự động hóa cao và hệ thống các nhà cung cấp trong khu vực nhằm duy trì tính linh hoạt. Khách mua xe VinFast sản xuất tại Mỹ có thể sẽ được hưởng khoản ưu đãi thuế xe điện 7.500 USD.
Tại thị trường Mỹ, VinFast định vị là một hãng xe cao cấp. Mẫu VF 8 City Edition có giá khởi điểm gần 50.000 USD. Hãng đã mở 13 showroom tại California và dự định tiếp tục mở thêm 3 showroom nữa.
“Nếu muốn trở thành một phần của nền kinh tế Mỹ, muốn khẳng định rằng VinFast sẽ cam kết lâu dài với thị trường này, chúng tôi sẽ phải đầu tư lớn”, bà Thủy cho biết.