The New York Times cho biết, thông tin này thu được sau các cuộc phỏng vấn với 6 quan chức Mỹ làm việc tại 6 cơ quan khác nhau. Các tin nhắn thông báo về việc Mỹ sắp phong tỏa toàn bộ đất nước và giới chức sẽ "sớm thông báo điều này ngay sau khi quân đội được triển khai tới giúp ngăn chặn cướp bóc và bạo loạn".
Theo The New York Times, việc lan truyền thông tin thất thiệt từ các cường quốc như Trung Quốc để tạo ra làn sóng hoang mang ở Mỹ là hành động không mới. Nhưng điều các quan chức lo ngại là những thông tin này được truyền đi dưới dạng tin nhắn văn bản, chiến thuật chưa từng xuất hiện trước đây.
Các quan chức Mỹ tố đặc vụ Trung Quốc loan tin giả để gây hoảng loạn ở nước này. (Ảnh: EPA-EFE)
Báo Mỹ cho rằng, để làm người nhận tin tưởng, người gửi báo là nhận thông tin này có được từ một nguồn tin tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ.
Các tin nhắn tương tự xuất hiện vào đầu mùa dịch ở Mỹ nhiều tới nỗi Hội đồng An ninh Quốc gia hồi giữa tháng 3 phải viết trên Twitter thông báo rằng, những thông tin trên là giả.
"Người Trung Quốc coi đây là cơ hội đẩy mạnh câu chuyện rằng, Trung Quốc đã kiểm soát đại dịch một cách hiệu quả trong khi Mỹ làm điều đó rất kém cỏi, nếu nhìn vào số ca nhiễm và sự thiết hụt về vật tư y tế", bà Bonnie Glaser, chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu CSIS cho hay.
Tuy nhiên, nguồn gốc chính xác của các tin nhắn này vẫn chưa rõ ràng. Hai trong các quan chức Mỹ cho biết, họ không nghĩ Trung Quốc tạo ra các tin nhắn, nhưng lan truyền tin giả thông qua các ứng dụng nhắn tin trên điện thoại và mạng xã hội.
Theo The New York Times, nỗ lực này cho phép các thông điệp thu hút sự chú ý của một lượng người, sau đó họ sẽ tự lan truyền, phát tán thông tin ra toàn xã hội.
Khi được hỏi về các cáo buộc này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, đây là các tuyên bố vô nghĩa và thậm chí không đáng để lên tiếng bác bỏ.
"Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngừng thao túng chính trị và tập trung hơn vào việc chống dịch và thúc đẩy kinh tế", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.