Các quốc gia Arab cùng nhau lên án các cuộc không kích của Israel tại Dải Gaza, đồng thời cả hành động đột kích vào một trong những địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi - nhà thờ Hồi giáo Aqsa ở Jerusalem. Tất cả đồng loạt lên tiếng, các cuộc biểu tình liên tục diễn ra khắp Trung Đông.
Ngay cả những quốc gia đã bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020, bao gồm UAE, Bahrain, Sudan và Morocco, đều công khai chỉ trích các chính sách của Israel, đồng thời lên tiếng kêu gọi ủng hộ người Palestine và bảo vệ khu vực Jerusalem.
Tuy nhiên, cho đến nay, sự lên án của các quốc gia thuộc thế giới Arab mới chỉ bắt đầu từ lời nói chứ không phải hành động. Kể từ cuộc tấn công năm 2014 của Israel vào Dải Gaza, mối quan tâm của khối Arab đã thay đổi bởi mối lo ngại về ảnh hưởng của Iran, tình trạng bất ổn tại các nước Arab và sự giao lưu ngày càng tăng giữa nhà nước Israel và các quốc gia Arab.
“Trong các bài phát biểu, tôi chưa thấy quốc gia Arab nào không bày tỏ sự ủng hộ đối với người Palestine”, H.A. Hellyer - một học giả về chính trị Trung Đông tại Carnegie Endowment, thủ đô Washington, Mỹ - chia sẻ. “Nhưng những gì họ hành động thì lại rất khác".
Các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine ở Amman, Jordan, vào hôm 14/5. (Ảnh: New York Times)
Thay đổi cái nhìn
Giám đốc chương trình Palestine tại Viện Trung Đông Khaled Elgindy cho biết Hamas vốn không được lòng các quốc gia Arab theo dòng Sunni. Tuy nhiên, thông điệp hiện tại của Hamas về việc tấn công Israel nhằm bảo vệ Jerusalem và nhà thờ Hồi giáo Aqsa đã khiến các quốc gia này thay đổi cái nhìn.
Dải Gaza là một chuyện, nhưng “Jerusalem có vị trí quan trọng trong lòng Liên đoàn Arab và cả với các bên liên quan như Jordan hay Saudi Arabia” - những người bảo vệ thánh địa của đạo Hồi, ông Khaled nói.
Ai Cập và Jordan, từ lâu đã có quan hệ ngoại giao với Israel, đang cố gắng tham gia vào quá trình làm giảm leo thang xung đột. Tuy nhiên, hai nước này cũng phải cảnh giác với sự tức giận của người dân, đặc biệt nếu Israel phát động một cuộc chiến toàn diện chống lại Hamas ở Dải Gaza.
Những quốc gia này lo sợ rằng các cuộc biểu tình chống lại Israel có thể nhanh chóng biến thành các cuộc biểu tình chống lại chính phủ. Không chỉ vậy, chính phủ Ai Cập cũng lo lắng việc tiêu diệt Hamas có thể tạo điều kiện cho các phần tử cực đoan khác trỗi dậy hoặc xuất hiện ở Dải Gaza.
Chính phủ Ai Cập vốn coi Hamas - nhóm Hồi giáo đang kiểm soát Gaza - là một nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo và là mối nguy hiểm cho khu vực.
Một bài giảng ngày 14/5 tại nhà thờ Hồi giáo Al Azhar ở Cairo - một trong những nơi có ảnh hưởng nhất trong thế giới Arab - đã chỉ trích mạnh mẽ về sự hèn nhát của các nhà lãnh đạo Arab trong việc bảo vệ khu vực Jerusalem. Theo Ofir Winter - một chuyên gia về Ai Cập và thế giới Arab tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia thuộc Đại học Tel Aviv, bài giảng này chắc chắn đã được chính phủ Ai Cập chấp thuận và thông qua.
Tuy nhiên, mặc dù đã cử các quan chức an ninh đến làm trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas, bản thân Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi của Ai Cập ít khi lên tiếng về cuộc xung đột hiện tại.
Người Palestine ở Dải Gaza trong cuộc biểu tình hồi tháng Tư. (Ảnh: New York Times)
Ở chiều ngược lại, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry phát biểu hùng hồn tại một cuộc họp khẩn cấp của Liên đoàn Arab rằng “cách mà người Arab - dù là dân thường hay quan chức - dõi theo những gì xảy ra ở Jerusalem là một thông điệp to lớn khẳng định Palestine đã và sẽ luôn là trung tâm chính nghĩa của thế giới Arab”.
Chuyên gia về Ai Cập Winter nhấn mạnh: “Cuộc đấu tranh lần này không chỉ về Dải Gaza mà còn về Jerusalem, nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa và cả về bảo vệ những người Hồi giáo. Hamas đã thể hiện tốt thông điệp của mình, còn các quốc gia Arab phải giải quyết vấn đề”.
Một phép thử
Liên đoàn Arab đang thúc giục một cuộc họp khẩn cấp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà Mỹ đã hoãn lại đến ngày 16/5. Các nhà phân tích đồng ý rằng Liên đoàn Arab cần chủ động trong cuộc tranh luận về Jerusalem và không “nhường sân” lại cho phía phong trào Hamas.
Ngoài ra, các nhà phân tích cũng cho biết đối với bốn quốc gia Arab gần đây đã công nhận Israel, xung đột lần này gây ra một tình huống tiến thoái lưỡng nan bởi nó như một phép thử sức ảnh hưởng của họ đối với Israel.
Việc Bahrain và UAE lên án cuộc đột kích của cảnh sát Israel vào Nhà thờ Hồi giáo Aqsa là quá rõ ràng. Cảnh sát Israel đã động tới những người Hồi giáo vào đêm linh thiêng nhất của tháng Ramadan tại một trong những địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi, theo luật sư nhân quyền Zaha Hassan.
Tuy vậy, bạo lực leo thang nhanh chóng giữa Israel và Palestine cũng gây căng thẳng cho bốn quốc gia trên, khi mà cả bốn đều tưởng rằng những cái bắt tay với Israel sẽ kiềm chế các hành động của nước này nhằm vào người Palestine ở cả Bờ Tây và Dải Gaza.
Hình ảnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Bahrain và ngoại trưởng UAE sau khi ký Hiệp định Abraham vào tháng 9/2020. (Ảnh: New York Times)
Trong các quốc gia Arab, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia liên tục khẳng định sự ủng hộ Hamas.
Qatar - quốc gia cung cấp khoản tài chính cho phong trào Hamas ở Dải Gaza - đã cố gắng làm trung gian hòa giải. Ngoại trưởng Qatar đã hội đàm với cả lãnh đạo Hamas Ismail Haniya và cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Ngoài ra, với việc sở hữu hãng tin nổi tiếng trong khu vực là Al Jazeera, Qatar luôn cập nhật tin tức hàng giờ về câu chuyện của phía Palestine và Hamas.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã là người chỉ trích nhiệt thành chính sách của Israel đối với người Palestine, đặc biệt là các chính sách ở Dải Gaza. Ngày 14/5, như dự đoán, ông Erdogan thề rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không im lặng hay chấp nhận người Palestine bị đàn áp.
“Bằng cách tấn công địa điểm linh thiêng của cả ba tôn giáo, nhà nước Israel đã vượt qua mọi ranh giới”, ông Erdogan phát biểu. “Nếu chúng ta không ngăn chặn các cuộc tấn công ngay bây giờ, tất cả sẽ trở thành mục tiêu của tâm lý khủng bố man rợ này”.