Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thế giới sẽ ra sao sau xung đột Nga - Ukraine?

(VTC News) -

Xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc và câu hỏi được quan tâm giờ đây là thế giới sẽ định hình ra sao sau khủng hoảng này?

Sau hơn 4 tháng, chiến sự trên chiến trường Ukraine đã có những chuyển biến rõ rệt khi Nga từng bước đạt được các mục tiêu đề ra. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang tập trung vào vùng Donbass và mới đây, Moskva tuyên bố giành quyền kiểm soát vùng Lugansk ở phía đông của Ukraine.

X

 

X

 

X

 

X

 

X

 

X

 

X

 

X

 

X

 

Diễn tiến trên thực địa tại Ukraine khó đoán định, các chuyên gia cho rằng xung đột Nga - Ukraine sẽ không thể kết thúc “một sớm một chiều” và hệ lụy từ cuộc khủng hoảng này tác động sâu rộng đến các bên liên quan, dần định hình trật tự thế giới mới hậu xung đột.

Xung đột chưa có hồi kết

Cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine có nhiều diễn biến phức tạp, Nga tuyên bố đã kiểm soát vùng Lugansk - vùng quan trọng trong vị trí chiến lược giữa Nga và Ukraine. Tiến sĩ Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á - cho rằng, nếu Nga đã kiểm soát được vùng này, về cơ bản bước đầu một trong những mục tiêu của Moskva đã hoàn thành song diễn biến tại các khu vực khác chưa định hình rõ ràng.

Nga tuyên bố kiểm soát hoàn toàn thành phố Nga kiểm soát Sievierodonetsk.

Tình thế chiến trường đang rất giằng co. Xung đột Nga - Ukraine kéo các quốc gia bên ngoài tham gia vào cuộc khủng hoảng này. Ukraine quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia kiên quyết sử dụng mọi biện pháp trên thực địa và ngoại giao để bảo vệ lãnh thổ. Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục mục tiêu và kế hoạch đã đề ra”, TS Phạm Cao Cường nói.

Nhận định về cục diện xung đột Nga - Ukraine sau 4 tháng, Thiếu tướng, Giáo sư Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng - cho rằng, xung đột trở thành cuộc chiến khốc liệt tại Donbass và hi vọng về một chiến thắng nhanh chóng tan biến đối với cả 2 bên. Với Ukraine, đây là giai đoạn đen tối với nước này khi thành phố Severodonetsk thất thủ, và Lugansk gần như hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của Nga. Dù có sự kháng cự từ phía Kiev song nhiều khả năng Nga sẽ chiếm phần lớn miền Đông Ukraine trong tương lai không xa.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, những gì diễn ra trong 4 tháng qua hoàn toàn ngược lại với mục tiêu của Nga đề ra khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine hồi tháng 2.

 

“Về kinh tế, Kiev đang xích lại gần hơn phía Liên minh châu Âu (EU). Dân EU đồng cảm mạnh mẽ với người dân Ukraine. Kiev được coi là một phần của châu Âu khi EU đã trao cho họ quy chế ứng viên và bản thân Ukraine cũng đang đấu tranh cho quyền được trở thành thành viên EU.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân

Chuyên gia quân sự Nguyễn Hồng Quân chỉ ra rằng, xung đột Nga - Ukraine không thể kết thúc sớm vì chưa bên nào tỏ ra có mong muốn chấm dứt, chưa bên nào chịu chấp nhận “thua”, “thất bại”. Nga không ngừng hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra, trong khi người Ukraine quyết tâm chiến đấu, bảo vệ lãnh thổ, đồng thời tranh thủ viện trợ của Mỹ và phương Tây.

“Việc Ukraine huy động sự trợ giúp của Mỹ và NATO để có vũ khí hiện đại đối phó với đối phương, lực lượng quân sự lớn mạnh từ Nga sẽ khiến cho cục diện khủng hoảng Moskva và Kiev còn giằng co.

Mặt khác, Mỹ muốn thông qua bàn tay của Ukraine để làm suy yếu nước Nga, suy yếu một cách kiệt quệ. Washington và phương Tây chắc chắn sẽ tìm cách thông qua Ukraine kéo dài cuộc xung đột hiện nay để làm khiến nước Nga suy yếu nhiều mặt, buộc Moskva phải ngồi vào bàn đàm phán”, ông Nguyễn Hồng Quân chỉ ra nguyên nhân khiến cho xung đột Nga – Ukraine vẫn ở thế giằng co.

Đồng quan điểm, TS Phạm Cao Cường cho rằng, ở thời điểm hiện tại, một trong những nguyên nhân khiến cho xung đột Nga - Ukraine ở vào thế giằng co là do các quốc gia phương Tây liên tục “bơm” vũ khí cho Kiev. Kết quả trên thực địa sẽ quyết định đến lợi thế trong đàm phán. Do đó, Nga và Ukraine tiếp tục chiến đấu để đảm bảo có những thắng lợi và dành các mục tiêu đã đề ra.

“Nga có những tín hiệu muốn ngồi vào đàm phán nhưng Ukraine chưa muốn như vậy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục kêu gọi phương Tây viện trợ vũ khí trong cuộc khủng hoảng này để bảo vệ các phần lãnh thổ, cũng như một phần làm suy yếu sức mạnh của Nga. Xét về mặt thực địa, Nga đang chiếm ưu thế song vẫn chưa nói được gì nhiều.

Một cuộc khủng hoảng hay chiến dịch, xung đột khi nổ ra cần rất nhiều thời gian để kết thúc và còn kéo theo sự dính líu, can dự của các quốc gia bên ngoài. Đặc biệt, hiện nay, Nga trở thành mục tiêu, mối đe dọa trong báo cáo chiến lược mới của NATO.

Có lẽ, cuộc xung đột này trên thực địa chưa có hồi kết, vẫn ở thế giằng co. Nó chỉ kết thúc đến khi cả Nga và Ukraine đều cảm thấy quá mệt mỏi khi bỏ ra nguồn lực rất lớn, đồng thời các nhân tố quốc tế cùng tác động mạnh mẽ để hai bên ngồi vào bàn đàm phán”, ông Phạm Cao Cường nhận định.

Ban đầu, Ukraine rất muốn đàm phán với Nga để kết thúc xung đột song khi được phương Tây đổ vũ khí, Kiev gia tăng sức chống chọi với Moskva. Điều này khiến cho xung đột chưa có thể đi đến thỏa thuận như Nga mong muốn. Do vậy, thời điểm kết thúc xung đột này rất khó dự đoán, các bên sẽ có những nhận định khác nhau về thời điểm và cách thức chấm dứt xung đột.

Thế nhưng, nhìn vào thực tế các cuộc xung đột thế giới, rất khó có thể đạt được một giải pháp sau cùng nếu như tương quan lực lượng trên thực địa chưa ngã ngũ, và sự hậu thuẫn bên ngoài vẫn còn.

Chuyên gia nhận định xung đột Nga - Ukraine khó kết thúc sớm khi phương Tây tiếp tục "bơm" vũ khí cho Ukraine.

TS Phạm Cao Cường đánh giá, thời điểm kết thúc xung đột phụ thuộc vào kết quả thực địa trên chiến trường, cũng như sức ép quốc tế… đòi hỏi các bên ngồi lại với nhau để đưa ra giải pháp cuối cùng. Còn nếu như toan tính chính trị của Nga và Ukraine chưa giải quyết được, hai bên vẫn cân nhắc thiệt hơn trong cuộc xung đột, sẽ khó có thể ngồi bàn đàm phán. Xung đột khó kết thúc “một sớm một chiều”, thậm chí theo dự báo của chuyên gia phân tích quốc tế, nó có thể kéo dài hơn một năm nữa mới có giải pháp.

“Đối với chiến sự hiện nay, xung đột sẽ kết thúc khi Ukraine nhận thấy, nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích của nước này, đồng thời phương Tây ngừng cung cấp khí tài cho Kiev. Chỉ khi kịch bản này diễn ra, Ukraine mới chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.

Đối với Nga, ngoài các mục tiêu đã đề ra ban đầu, sức ép từ cộng đồng quốc tế, các đòn trừng phạt của quốc gia phương Tây, hệ lụy từ các biện pháp cô lập ngoại giao phương Tây… cũng sẽ là những yếu tố mà Moskva phải tính đến khi cân nhắc kết thúc chiến dịch quân sự tại Ukraine”, TS Phạm Cao Cường cho hay.

Hệ lụy khôn lường

Nhận định về hệ quả của xung đột Nga - Ukraine cũng như các biện pháp trừng phạt, đáp trả qua lại giữa Moskva và phương Tây, TS Phạm Cao Cường cho rằng, đầu tiên có thể thấy Ukraine là bên hứng chịu tổn thất nặng nề. Kinh tế nước này sụt giảm nghiêm trọng, trong khi gần 1/3 dân số sơ tán. Với quốc gia có trên 40 triệu người mà có tới 1/3 người sơ tán, rõ ràng điều này không chỉ gây tổn hại cho Ukraine mà còn khiến châu Âu bất ổn.

“Không chỉ Kiev và Moskva mà các biên liên quan, can dự trong cuộc xung đột hiện nay cũng hứng chịu, dần ngấm đòn. Biểu hiện ở chỗ tỷ lệ lạm phát tăng, giá xăng dầu liên tục lập kỷ lục, suy thoái kinh tế … Điều này diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chật vận phục hồi tăng trưởng sau đại dịch COVID-19.

Đối với Nga, thiệt hại mà Moskva hứng chịu đã thấy rõ thời gian qua. Tuy nhiên, Nga cũng dần dần thích ứng đối với các đòn trừng phạt của phương Tây. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng và thậm chí thiếu nguồn dự trữ ngoại tệ bị phong tỏa đã đẩy Moskva vào tình thế khó khăn..., ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và từng người dân Nga.

Trên thực tế, làn sóng trừng phạt của các nước phương Tây với Nga dường như có tác dụng "ngược" khi ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế các quốc gia châu Âu, đặc biệt những nước phụ thuộc vào năng lượng Nga. Nếu nguồn cung khí đốt của Nga cho EU bị dừng, sẽ khiến kinh tế các nước EU ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đòn trừng phạt của phương Tây đang làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu. Hiện nay, các quốc gia chật vật để tìm giải pháp thay thế nguồn năng lượng của Nga. Lệnh cấm vận kinh tế của phương Tây với Nga còn tác động đến thương mại, đầu tư…, khiến cuộc khủng hoảng kinh tế từ xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết”, chuyên gia Phạm Cao Cường nhận định.

Tương tự, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho hay, xung đột Nga và Ukraine cũng như tác động lệnh trừng phạt của phương Tây đang khiến thị trường tài chính thế giới bất ổn, sự không chắc chắn của phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19, giá cả hàng hóa tăng, nguy cơ lạm phát cao, kéo dài. Điều đó sẽ làm kinh tế thế giới trì trệ, bất ổn xã hội gia tăng.

Hơn 8 triệu người dân Ukraine đã phải sơ tán do xung đột Nga - Ukraine.

“Kinh tế Nga suy thoái, GDP dự báo âm 7,5% vào năm 2022, trong khi lạm phát tăng vọt.  Lệnh cấm vận phương Tây với các ngân hàng Nga gây khó khăn cho Moskva trong các giao dịch quốc tế. Chưa hết, việc hạn chế các thiết bị bán dẫn, viễn thông... đều gây hại cho lĩnh vực khai thác và sản xuất của Nga.

Trong khi đó, kinh tế EU chịu rủi ro cao nhất khi lạm phát thêm ít nhất 1,5% trong năm nay, tăng trưởng GDP có thể giảm 1%, thậm chí tăng trưởng GDP của châu Âu có thể về ở mức bằng 0 khi Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt.

Các nền kinh tế khác cũng bị tác động và ảnh hưởng do tăng giá, lạm phát, nhập khẩu bị ảnh hưởng. Nhu cầu châu Âu giảm khiến các nước xuất khẩu qua châu lục này cũng không thể duy trì như trước. Giá nhập khẩu tại các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,... tăng cao. Tuy nhiên, Bắc Mỹ dường như là khu vực không chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ngoài ra, nguy cơ bóp chết thị trường năng lượng hàng hóa tiếp tục gia tăng. Nga và EU là những nước mà sản xuất dầu, khí đốt, thép, nhôm,... nhưng khi gia tăng xung đột đã khiến lạm phát kéo dài, sản xuất trì trệ, bất ổn xã hội diễn ra ở nhiều quốc gia”, chuyên gia Nguyễn Hồng Quân nói.

Chiến tranh Lạnh 2.0 bắt đầu?

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, từ sau 24/2, các nước lớn đối đầu công khai, sử dụng quyền phủ quyết “ăn miếng, trả miếng” tại Liên Hợp Quốc một cách rõ ràng. Ngày 30/6, NATO đưa ra khái niệm chiến lược mới, xác định Moskva là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với hòa bình và an ninh NATO. Trong khi đó, Mỹ không dừng ý đồ làm Nga kiệt quệ về mọi mặt. Đây cũng là thời điểm mà quan hệ Nga - Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau.

Mỹ tiếp tục tập trung vào khu vực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã thống nhất đồng minh ở châu Âu, cũng như các nước châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Bốn nước này lần đầu tiên dự thượng đỉnh NATO vừa qua.

Đáng chú ý, cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào đầu tháng 3 là dấu hiệu cho thấy trật tự thế giới mới đang hình thành, hơn 100 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ phương Tây và Chiến tranh Lạnh 2.0 đã bắt đầu, gay gắt hơn, tàn khốc hơn, suy thoái kinh tế toàn cầu sâu sắc… Bản thân Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng thừa nhận “Bức màn sắt” đã buông xuống trong quan hệ Moskva và phương Tây.

Trong khi đó, Ấn Độ và một số nước khác có thể giữ vị thế trung lập song xu hướng khó tránh khỏi là các nước này có thể liên kết với Mỹ để đối phó với Trung Quốc.

“Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay, cũng như Chiến tranh Lạnh 2.0 giữa Nga và phương Tây đang diễn ra, chưa biết bên nào thắng, bên nào thua. Tuy nhiên, đều có thể diễn ra là các bên sẽ lôi kéo, tập hợp lực lượng để đối phó với nhau, hạn chế đối thủ, tăng cường ảnh hưởng”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nhận định.

Đơn cực hay đa cực?

Đề cập khả năng hình thành trật tự thế giới sau xung đột Nga - Ukraine, chuyên gia Phạm Cao Cường cho rằng, từ sau Chiến tranh Lạnh, “nhất siêu đa cường” là trật tự thế giới được nhiều người nói đến. Trật tự này được trao đổi, nhắc đến nhiều trong 2 thập kỷ qua, trong đó Mỹ là siêu cường, trong khi Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bên cạnh đó là EU, Nhật Bản…

“Có nhiều người đặt ra câu hỏi đơn cực hay đa cực, song đơn cực sẽ vẫn là xu thế trong thời gian tới. Bởi vì Mỹ vẫn chi phối nhiều thứ, Washington tập hợp lực lượng rất lớn, còn các cực khác chưa đủ mạnh. Các cực nhỏ hiện có vai trò song không thể chi phối những vấn đề quốc tế.  Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… do Mỹ lập ra, và trên thực tế các định chế quốc tế nếu không có sự tham gia của Washington sẽ không hiệu quả.

Hơn nữa, Washington cũng là một trong 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an - cơ quan có tiếng nói, định hình luật chơi của thế giới. Do đó, trật tự thế giới hiện vẫn duy trì theo trạng thái từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay”, TS Phạm Cao Cường nêu.

Trật tự thế giới mới dần định hình sau xung đột Nga - Ukraine.

Theo chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trong quan hệ quốc tế, để chuyển hóa từ trật tự này sang trật tự khác nhiều khi đòi hỏi ít nhất phải vài chục năm. Từ sau Chiến tranh Thế giới II đến Chiến tranh Lạnh là quá trình kéo dài hơn 50 năm, thậm chí khi nói đến cục diện phải nói đến cả 100 năm.

Sau Chiến tranh Thế giới II kết thúc, để định hình lại kết quả trong một cuộc chiến kéo dài, các quốc gia thắng trận có sự thỏa thuận, phân chia phạm vi ảnh hưởng cũng như thị trường thế giới. Và nhiều tổ chức, định chế bắt đầu ra đời như Hội Quốc liên (tiền thân Liên Hợp Quốc), NATO, các phong trào giải phóng dân tộc…

Còn xét trong bối cảnh hiện nay, chiến tranh giữa các nước lớn là khó xảy ra. Rất khó có chiến tranh nóng giữa Nga, Trung Quốc với Mỹ… Sau Thế chiến II, nước nào nắm giữ bom nguyên tử sẽ có tiếng nói, ảnh hưởng trong nhiều vấn đề quốc tế. Hiện nay, nhiều nước sở hữu loại vũ khí này, do đó, câu chuyện phát động chiến tranh, tổ chức hội nghị phân chia lại thế giới là không có.

Chuyên gia Phạm Cao Cường cho biết, sau xung đột Nga - Ukraine sẽ xuất hiện những biểu hiện để chia lại ảnh hưởng thông qua việc lôi kéo, tập hợp lực lượng, sử dụng quyền lực mềm. Tuy nhiên, việc tập hợp lực lượng hiện nay sẽ mất nhiều thời gian hơn bởi xu hướng các quốc gia là hợp tác nhiều hơn thay vì đối đầu. “Không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn”, chính vì vậy, các quốc gia tìm cách tối đa hóa lợi ích.

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nhận định, trong bối cảnh như hiện nay, "một hội nghị như lanta (1945) sau Thế chiến thứ II khó xảy ra, bởi vì hội nghị lanta ra đời trong bối cảnh các nước thắng lợi ngồi lại chia sẻ quyền lợi", còn hiện tại cục diện không rõ ràng. 

Ai sẽ hưởng lợi?

TS Phạm Cao Cường cho hay, ngày nay, các quốc gia đều có độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia riêng. Vì vậy, các quốc gia đều có lợi từ trật tự này nếu như khai thác tốt, chứ không chỉ những nước lớn. Các nước nhỏ và vừa nếu tận dụng được thời cơ, sự xoay vần của trật tự thế giới vẫn có thể được hưởng lợi từ môi trường cạnh tranh chiến lược đang diễn ra.

“Bài học của Nhật Bản và Hàn Quốc, Singapore từ trong quá khứ cũng là những ví dụ rất tiêu biểu, biết tận dụng cơ hội để phát triển. Singapore với 5 triệu dân, luôn phải chịu ảnh hưởng từ bên ngoài song đã tận dụng cơ hội để vươn lên trở thành một trong những quốc gia phát triển nhất ở Đông Nam Á. Điều đó cho thấy không chỉ nước lớn, các quốc gia nhỏ và vừa có thể tận dụng môi trường cạnh tranh chiến lược để thúc đẩy phát triển”, ông Cường nói. Chuyên gia này cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nước nhỏ và vừa cần xác định chung sống hòa bình, đưa ra chính sách hợp lý thúc đẩy phát triển kinh tế, tránh rơi vào vòng xoáy cạnh tranh nước lớn.

Giáo sư Nguyễn Hồng Quân nhận định, trong trật tự thế giới hiện nay, Trung Quốc sẽ là bên  được lợi. Bắc Kinh sẽ tận dụng quan hệ với Moskva để tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ra châu Á, đồng thời tranh thủ khi Mỹ và đồng minh tập trung đối phó ở châu Âu để bành trướng sáng kiến “Vành đai, Con đường” sang châu Á, châu Phi và cả châu Âu. Chính vì vậy, NATO coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với liên minh quân sự này.

Bên cạnh đó, Trung Quốc tranh thủ mở rộng các lĩnh vực hợp tác, len lỏi vào vùng Nam Thái Bình DươnG. Bắc Kinh đã ký thỏa thuận an ninh với quốc đảo Solomon, cho phép sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Điều đó sẽ tạo sự căng thẳng ở khu vực này. Cuối tháng 6 vừa qua, 5 nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh, New Zealand và Australia đã thành lập liên minh 5 nước để đối phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mục đích sâu xa nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Quân cũng cho rằng, Mỹ là quốc gia luôn tìm cách làm sao có lợi nhất trong những cuộc xung đột. Washington không tham chiến trực tiếp ở châu Âu song bán được nhiều vũ khí. Qua cuộc chiến này, Mỹ lần nữa được dịp quảng bá về các khí tài hiện đại, tiên tiến. Hơn nữa, đây cũng là dịp để Washington xốc lại đội hình với đồng minh châu Âu, thúc đẩy gắn kết với đồng minh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về cách hành xử của các nước nhỏ và vừa trong bối cảnh hiện nay, ông Quân nói, các nước phải tránh bị lôi kéo và cạnh tranh với các nước lớn, không đứng về phe nào, không ủng hộ các nước lớn trong cuộc cạnh tranh này. Hơn nữa, tranh thủ tận dụng tối đa những cái mặt tích cực trong quan hệ với các nước lớn để phát triển quan hệ, không cắt cầu, song không tham gia liên minh quân sự ở các nước để có thể giữ được hòa hình, ổn định phát triển.

Tuy nhiên, việc cân bằng chính sách trong quan hệ hiện nay không dễ với nước nhỏ bởi hiện nay, sự phân cực không rõ ràng, lợi ích, trách nhiệm và nghĩa vụ đan xen. Do đó, các nước cần xác định đâu là nguy cơ để tránh, đâu là thời cơ để tranh thủ, vươn tới.

Kông Anh

Tin mới