Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phương Tây có thể kiên nhẫn bao lâu trong việc áp đặt trừng phạt với Nga?

(VTC News) -

Không thể khiến nền kinh tế Nga sụp đổ hay chiến dịch quân sự ở Ukraine dừng lại trong khi chính mình đang chịu tổn thất, phương Tây có thể kiên nhẫn bao lâu.

Kế hoạch “bóp nghẹt” nền kinh tế Nga thất bại

4 tháng kể từ khi chiến tranh ở Ukraine bùng nổ, các quốc gia hợp sức chống lại Nga đang đối mặt với tổn thất kinh tế ngày càng gia tăng trong khi các lệnh trừng phạt và lệnh cấm vận năng lượng hầu như không có nhiều ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Các quan chức Mỹ khẳng định hệ thống tài chính Nga sẽ chịu tổn thất nặng nề nếu tấn công Ukraine và Tổng thống Biden đã tuyên bố hồi tháng 3 rằng các lệnh trừng phạt sẽ "nghiền nát nền kinh tế Nga" và đồng rúp sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã ghi nhận mức kỷ lục sau khi giá dầu thô tăng vọt. Sau khi rớt giá vào tháng 2/2022, đồng rúp đã ghi nhận tỷ giá cao nhất trong 7 năm so với đồng USD tuần trước.

Nhiều nhà kinh tế Mỹ dự đoán GDP của Nga sẽ giảm tới 15% trong năm nay (Ảnh: Reuters)

Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden cho rằng nền kinh tế Nga đang chịu tổn thất và điều này sẽ thấy rõ qua thời gian, đặc biệt khi các lệnh hạn chế xuất khẩu năng lượng sang Nga đang kìm hãm sự phát triển của các ngành công nghiệp như hàng không vũ trụ và công nghệ tin học.

Ngày 23/6, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết lãnh đạo các nước công nghiệp G7 gặp nhau tại Madrid ngày 26/6 sẽ thảo luận về các kế hoạch mới nhằm "bóp nghẹt" nền kinh tế Nga.

Hiện vẫn chưa rõ liệu bên nào đang có nhiều thời gian hơn. Phía Ukraine cho biết khoảng 200 binh lính của họ hy sinh mỗi ngày trong khi hàng nghìn dân thường thiệt mạng. Trong khi đó, Nga tiếp tục chiến dịch quân sự ở phía Đông Ukraine theo kế hoạch và đạt được những thành quả nhất định, trong đó có việc kiểm soát hoàn toàn thành phố Severodonetsk.

"Hệ thống tài chính của Nga đã quay trở lại hoạt động như bình thường sau một vài tuần việc điều hành ngân hàng gặp khó khăn", Elina Ribakova - nhà kinh tế học tại Viện Tài chính Quốc tế nhận định trên Twitter tuần trước, đồng thời cho rằng những người nghĩ rằng có thể "loại Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế trong một vài tuần khi cuộc chiến bắt đầu có thể sẽ ngăn chặn được chiến tranh, đã quá ngây thơ".

Hầu như rất ít quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ chấm dứt chiến tranh ngay lập tức. Nhưng cả chính quyền Mỹ và các đối tác châu Âu đều đã không lường trước được những sức ép kinh tế mà họ đang trải qua hiện nay. Bất chấp những đảm bảo ban đầu rằng lệnh trừng phạt sẽ không "đụng" đến ngành xuất khẩu năng lượng Nga, Mỹ đã thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga trong khi EU thông báo kế hoạch sẽ giảm nhập khẩu 90% dầu Nga trong năm nay. Như một phần tác động từ các hành động này, giá năng lượng đã tăng vọt ở Mỹ và châu Âu với giá xăng hàng ngày vượt mức 5 USD/gallon ở một số bang của Mỹ.

Hiện Tổng thống Biden đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào mùa thu trong khi đảng Cộng hòa có thể lợi dụng việc chi phí sinh hoạt tăng để có thêm lợi thế. Mùa hè kết thúc cũng khiến nhiệt độ ở châu Âu lạnh hơn giữa bối cảnh Moscow đang cắt giảm nguồn cung khí tự nhiên cho châu lục này.

Một số nhà quan sát cho rằng chính các lệnh trừng phạt và cấm vận của phương Tây đang giúp cho đối thủ hàng đầu của Mỹ là Trung Quốc mua số lượng lớn dầu thô được giảm giá sâu khi Nga đang tìm kiếm các khách hàng mới để bù đắp doanh thu đã mất.

Tính toán sai lầm của phương Tây

Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden ban đầu coi việc đe dọa áp các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ về kinh tế là công cụ để ngăn cản chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, sau khi kế hoạch này thất bại, mục tiêu chính xác của họ là gì vẫn chưa rõ ràng. Khi bình luận với báo giới ở Đức ngày 24/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Washington sẽ khiến Nga trả giá đắt đến mức phải chấm dứt cuộc chiến thông qua các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu chưa từng có". Tuy nhiên, các quan chức Mỹ không công khai đề nghị dỡ bỏ trừng phạt nếu Nga có những nhượng bộ trên chiến trường.

"Các lệnh trừng phạt chắc chắn không thể ngăn chặn Nga tiến hành chiến dịch quân sự hiện tại", Alina Polyakova, Chủ tịch Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu thừa nhận.

"Hầu hết các chính phủ phương Tây đều đã tính toán sai lầm về lập trường cũng như mối quan tâm của Nga. Rõ ràng về dài hạn, Nga không bận tâm đến tăng trưởng kinh tế. Những gì Tổng thống Putin và giới chức Nga bận tâm là doanh thu và họ vẫn đang nhận được doanh thu từ việc bán năng lượng", bà Alina Polyakova cho hay.

Theo Andrew Weiss, một chuyên gia lâu năm về Nga, đồng thời là Phó Chủ tịch Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế đánh giá, một phần của vấn đề là nền kinh tế của các nước phương Tây dễ bị tác động hơn so với những gì các chính phủ những nước này dự đoán. Hồi tháng 2, các quan chức Mỹ từng phản đối bất kỳ kế hoạch nào nhắm vào xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ Nga.

"Chúng ta cần phải tính toán để khiến Nga là bên chịu tổn thất vì các lệnh trừng phạt chứ không phải chúng ta", Daleep Singh, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia phụ trách kinh tế quốc tế của Nhà Trắng cho hay hồi cuối tháng 2, đồng thời đánh giá: "Các biện pháp của chúng tôi không được thiết kế để làm gián đoạn dòng chảy năng lượng ra thị trường toàn cầu".

Dù vậy, lập trường đó đã thay đổi.

Sự phản kháng mạnh mẽ của Ukraine đã khiến cuộc xung đột kéo dài lâu hơn so với những gì các chuyên gia và các cơ quan tình báo dự đoán. Điều này cũng kéo Nga và các đối thủ của nước này vào một cuộc chiến kinh tế dài hạn ngày càng leo thang.

Binh lính Ukraine giao tranh với quân đội Nga ở Sievierodonetsk ngày 20/6. (Ảnh: Reuters)

"Tương tự như mọi kế hoạch chiến đấu, mục tiêu ban đầu của liên minh xuyên Đại Tây Dương nhằm áp lệnh trừng phạt mạnh mẽ lên Nga đã mâu thuẫn với thực tế chiến trường sau khi cuộc chiến diễn ra và các nhà lãnh đạo phương Tây đã buộc phải làm điều mà họ không có kế hoạch từ trước hoặc không muốn thực hiện, đó là áp lệnh trừng phạt lên ngành dầu mỏ và khí đốt Nga", ông Weiss đánh giá.

Ngoài ra, lạm phát hiện tăng nhanh hơn so với các quan chức Nhà Trắng dự đoán. Tổng thống Biden đã đổ lỗi cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vì giá sinh hoạt ở Mỹ tăng mặc dù Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell nhận định với một ủy viên Thượng viện tuần trước rằng "lạm phát tăng cao trước cả khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ".

Nga cũng đang chịu tổn thất?

Các quan chức Mỹ cho rằng không nên đánh giá thấp cú sốc kinh tế mà Nga đang trải qua. Ngày 24/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết nhiều nhà kinh tế học dự đoán, GDP của Nga sẽ giảm 10-15% trong năm nay. Hiện tại Moscow vẫn có thể "ngăn chặn nền kinh tế sụp đổ bằng cách thực hiện nhiều biện pháp đột phá để tăng giá đồng nội tệ nhưng chiến thuật này không ổn định bởi tác động toàn diện từ các lệnh trừng phạt và lệnh hạn chế thương mại của phương Tây đang bắt đầu có tác dụng".

Tuy nhiên, ông Blinken cũng cho rằng việc kiểm soát xuất khẩu đồng nghĩa với việc Nga hầu như có rất ít thứ có thể mua được bằng doanh thu từ dầu mỏ. Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng tác động của các lệnh trừng phạt đang được cảm nhận rõ ràng ở Moscow khi các cửa hàng xa xỉ phải đóng cửa. Lạm phát tăng cao và người dân đang lo lắng về nghề nghiệp của họ. Nhiều người giàu ở Nga đã tới Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Tuy nhiên, quan chức này cũng thừa nhận sức chống chịu khó tin của nền kinh tế Nga.

Các quan chức Mỹ trước đó cũng đã đánh giá quá cao tác động từ các lệnh trừng phạt lên Nga. Vào tháng 1/2015, cựu Tổng thống Barack Obama tuyên bố các lệnh trừng phạt vì Nga sáp nhập Crimea sẽ khiến nền kinh tế nước này bị phá hủy. Dù vậy, hiện nay, các quan chức dưới thời cựu Tổng thống Obama cho biết những biện pháp trừng phạt này có tác động rất hạn chế mặc dù một số người khác cho rằng chúng đã giúp ngăn chặn Nga tiến hành chiến dịch lớn hơn ở Ukraine vào thời điểm đó.

Trên thực tế, các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran, Syria, Triều Tiên, Venezuela và Cuba cũng không thể thay đổi hành vi của các nước này.

Câu hỏi khó của phương Tây

Một câu hỏi quan trọng là liệu các nước phương Tây có thể duy trì sự kiên nhẫn bao lâu trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt. Phát biểu với báo giới tuần trước, ông Biden cho biết "ở thời điểm hiện nay, đây là một trò chơi câu giờ: Những gì Nga và châu Âu có thể làm là chuẩn bị để duy trì nền kinh tế", Tổng thống Biden nhận định đó là một chủ đề trong cuộc trao đổi tại Hội nghị Thượng đỉnh G7.

Một vấn đề nảy sinh nữa là sự chia rẽ giữa các nước phương Tây về việc áp thêm trừng phạt. Trong một cuộc tranh luận gần đây giữa các nước châu Âu về khả năng tẩy chay dầu mỏ Nga, Hungary đã trì hoãn động thái này trong nhiều tuần cho tới khi đàm phán để đạt được ngoại lệ.

Ngày 20/6, Jens Plötner, cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng Đức cần có cuộc trao đổi nghiêm túc về mối quan hệ dài hạn của nước này với Nga - vốn có thể hiểu như một dấu hiệu cho thấy ông Scholz ủng hộ hướng tiếp cận hòa giải hơn với Moscow.

"Nhìn chung, tôi nghĩ chúng ta vấp phải những hạn chế chính trị khi áp lệnh trừng phạt. Các lệnh trừng phạt mới có lẽ không cần thiết và chắc chắn không đủ để đạt được một kết cục có thể chấp nhận được nhằm chấm dứt xung đột. Nhưng chiến thắng của Ukraine trên chiến trường có lẽ mới là điều cần thiết và đáp ứng được mục tiêu này. Đó sẽ là trọng tâm chính sách của Mỹ", Gerard DiPippo, học giả cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, đồng thời từng là cựu quan chức tình báo cấp cao Mỹ về các vấn đề kinh tế bình luận.

Kiều Anh (VOV.VN)

Tin mới