Tình hình thế giới đang diễn biến vô cùng phức tạp với hai cuộc xung đột lớn bùng nổ liên tiếp giữa Nga - Ukraine tại châu Âu và Israel - Hamas tại Trung Đông. Các sự kiện này đã gây ra nhiều sự thay đổi đối với trật tự thế giới, cũng như tác động tới xu hướng vận động của địa chính trị toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là liệu các sự kiện này sẽ tác động thế nào tới tình hình thế giới?
Dai dẳng xung đột Nga - Ukraine
Vào tháng 2/2022, cả thế giới chấn động trước thông tin Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Phát biểu thông báo về sự kiện, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông phát động chiến dịch này để đáp lại lời đề nghị hỗ trợ an ninh từ Cộng hòa tự xưng Donestsk (DPR) và Lugansk (LPR). Mục tiêu mà Nga đề ra bao gồm phi quân sự hóa, phi quốc xã hóa và trung lập hóa ở Ukraine.
Thời gian đầu chiến dịch, các lực lượng của Moskva đã nhanh chóng tiến về phía thủ đô Kiev của Ukraine. Tuy nhiên, sau đó vài tháng, Nga đã có sự điều chỉnh, chuyển trọng tâm sang miền Đông Ukraine. Kể từ đó tới nay, chiến dịch quân sự của Moskva đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt từ các lực lượng Ukraine.
Xung đột Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau gần 2 năm. (Ảnh: AP)
21 tháng đã qua, xung đột giữa Nga và Ukraine đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Diễn biến trên thực địa vẫn hết sức khốc liệt, không chỉ tiêu tốn nhiều nguồn lực, mà còn gây ra những mất mát khó có thể đong đếm cho cả hai phía, đồng thời để lại những “vết sẹo” kinh tế - xã hội sâu sắc.
Bên cạnh đó, những nỗ lực trung gian hoà giải, tìm kiếm một thoả thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine vẫn chưa thành công. Khả năng đàm phán hòa bình chấm dứt xung đột trong tương lai khó có thể xảy ra. Thậm chí, theo các chuyên gia, khó có thể dự báo thời điểm của một cuộc đàm phán như vậy, cũng như kết quả do lập trường của các bên hoàn toàn khác nhau. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó cũng từng tuyên bố sẽ không đàm phán với Nga chừng nào ông Putin vẫn tiếp tục nắm quyền.
Những tháng gần đây, Ukraine đã phát động một đợt phản công nhằm giành lại các khu vực đang bị Nga kiểm soát. Tuy nhiên, kết quả cuộc phản công này không thật sự như những gì Kiev kỳ vọng. Diễn biến chiến sự vẫn là sự giằng co giữa 2 bên.
Các nhà quan sát đã dự đoán một vài kịch bản cho cuộc xung đột này. Trong đó, kịch bản đầu là hai bên đạt được một thoả thuận ngừng bắn khi cuộc xung đột lâm vào bế tắc kéo dài. Thế nhưng, đây có thể chưa phải sự kết thúc mà giống như một đợt “đóng băng” xung đột. Kịch bản thứ hai, lạc quan hơn, là Nga và Ukraine đạt được một thoả thuận hoà bình để chính thức khép lại cuộc xung đột dai dẳng gần 2 năm.
Tuy nhiên, điều này vẫn khó có thể đạt được trong thời gian ngắn khi hai bên đều đưa ra những quan điểm có phần đối lập. Cụ thể, Nga mong muốn phi hạt nhân, phi vũ trang và trung lập hoá Ukraine. Còn Ukraine muốn Nga rút hoàn toàn quân khỏi các vùng lãnh thổ nước này.
Thế giới vẫn đang cần tìm kiếm một giải pháp để chấm dứt xung đột ở Ukraine. (Ảnh: AP)
Kể từ khi xung đột bắt đầu, Nga đã sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine vào lãnh thổ bao gồm Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson. Một số nhà phân tích cho rằng Nga có thể có sự điều chỉnh đối với mục tiêu chiến dịch ban đầu.
Cụ thể, Moskva sẽ chấp nhận một “chiến thắng” hoặc tuyên bố “chiến thắng” theo cách riêng của mình dưới hình thức một thỏa thuận hòa bình, trong đó có thể Nga kiểm soát được nhiều vùng lãnh thổ hơn so với trước khi cuộc xung đột diễn ra. Tuy nhiên, kịch bàn này cũng khó có thể xảy ra, đặc biệt khi Ukraine tuyên bố sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ, bao gồm cả bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga từ năm 2014.
Có thể thấy, để chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng hiện nay giữa Nga và Ukraine, thế giới, đặc biệt là phương Tây sẽ cần đạt được một sự thỏa hiệp hoặc dùng những lực đẩy tác động từ bên ngoài để tạo lối thoát cho các bên.
Xung đột Israel - Hamas khó đoán định
Trong khi thế giới còn đang “nín thở” dõi theo diễn biến tại Ukraine, ngày 7/10/2023 - sự kiện gây chấn động khác đã xảy ra tại dải Gaza. Cụ thể, vào ngày 7/10, lực lượng Hamas đã bất ngờ tấn công cộng đồng người Israel gần khu vực dải Gaza, châm ngòi cho một trong những cuộc đụng độ vũ trang đẫm máu nhất ở khu vực suốt nhiều năm qua. Đáp trả hành động trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ khiến Hamas trả giá và phát động một chiến dịch tấn công toàn diện nhằm vào lực lượng này với tuyên bố sẽ “quét sạch Hamas”.
Theo tờ Foreign Policy, sau 16 năm nắm quyền, Hamas đã xây dựng được tầm ảnh hưởng nhất định ở dải Gaza. Theo đó, các chuyên gia trong khu vực đã đặt câu hỏi về khả năng Israel “quét sạch” toàn bộ nhóm chiến binh này. Ngay cả khi Israel thành công trong việc lật đổ Hamas, cuộc xung đột cũng sẽ để lại khoảng trống về mặt quản lý và chính trị cũng như một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quy mô không tưởng tại dải Gaza.
Dải Gaza bị tàn phá sau gần 2 tháng giao tranh. (Ảnh: Reuters)
Mới đây, sau nhiều tuần đàm phán dưới sự trung gian của Qatar, chính phủ Israel và Hamas đã đạt được bước đột phá ngoại giao lớn về ngừng bắn để trao đổi con tin và đưa hàng viện trợ vào Gaza.
Dù vậy, thoả thuận này vẫn khiến nhiều người lo lắng. Nguyên nhân là vì trong đợt trao đổi này, chỉ có 50 con tin bị giữ ở Gaza được thả, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, để đổi lấy 150 người Palestine bị cầm tù ở Israel. Nhiều gia đình không biết liệu con em họ có nằm trong đợt trao đổi lần này hay không.
Bên cạnh đó, hiện chưa có gì chắc chắn rằng lệnh ngừng bắn và trao đổi con tin có được hiện thực hóa hay không bởi vẫn còn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố làm gián đoạn thoả thuận này.
Nhìn lại lịch sử xung đột giữa Israel và Hamas trong nhiều năm qua, đây không phải lần đầu tiên xảy ra đụng độ lớn giữa hai bên. Theo Reuters, kể từ khi Israel rút quân khỏi dải Gaza năm 2005, giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine, bao gồm Hamas và Jihad đã xảy ra nhiều lần xung đột với mức độ khác nhau. Trước cuộc xung đột hiện nay, giữa Israel và Hamas đã xảy ra 4 lần đụng độ vào các năm: 2008, 2012, 2014 và 2021.
Cuộc xung đột đẫm máu nhất là năm 2014, kéo dài 7 tuần, khiến hơn 2.000 người Palestine và 74 người Israel (trong đó có 68 binh sĩ) thiệt mạng. Theo Al Jazeera, Hamas đã giành quyền kiểm soát khu vực dải Gaza từ năm 2007 từ phong trào Fatah trong cuộc bầu cử quốc hội. Fatah và Hamas là hai phong trào có vai trò chủ đạo ở Palestine, nhưng mỗi bên lại theo đuổi lập trường khác nhau trong vấn đề Israel cho dù đều nhắm tới đích thành lập một nhà nước Palestine theo đường biên giới năm 1967.
Trong khi Hamas chủ trương đối đầu với Israel bằng vũ lực và không công nhận Israel, không đàm phán với Nhà nước Do Thái thì Fatah theo đuổi con đường đàm phán hòa bình. Lực lượng Hamas đi theo hệ tư tưởng Hồi giáo trong khi Fatah theo thế tục. Hệ lụy của thực trạng chia rẽ này đó là các cuộc xung đột không thể ngăn chặn xảy ra thường xuyên giữa Hamas và Israel với quy mô và mức độ khác nhau.
Để tìm kiếm một giải pháp giải quyết dứt điểm xung đột tại dải Gaza vốn không phải điều dễ dàng. Một số chuyên gia cho rằng, một cách tối ưu nhất cho vấn đề này có thể là thành lập một nhà nước Palestine tại khu vực xung đột. Giải pháp này đã được đưa ra từ lâu những cũng đã bị “bỏ quên” trong những năm gần đây.
Thế giới sẽ ra sao?
Với hai cuộc xung đột lớn đang diễn ra, cùng với nhiều nguy cơ xung đột cục bộ tiềm ẩn ở nhiều khu vực, tình hình thế giới trong thời gian tới đang được nhiều nhà phân tích quan tâm.
Theo đó, kề từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, các nhà quan sát nhận định trật tự thế giới đang trong quá trình chuyển đổi sâu sắc. Cụ thể, tháng 6/2022 - 4 tháng sau khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Tổng thống Nga Putin tuyên bố: “Trật tự thế giới đơn cực đã kết thúc!”, ám chỉ trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt sau khi Liên Xô sụp đổ.
Trong gần nửa thế kỷ từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, thế giới trở nên hỗn loạn với các cuộc chiến tranh đẫm máu ở Vùng Vịnh Ba Tư, khu vực Balkan, Afghanistan, Iraq... Theo đó, cuộc xung đột Ukraine đã làm thay đổi cán cân quyền lực phương, làm thay đổi các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Bên cạnh đó, với việc xung đột tiếp tục nổ ra ở dải Gaza giữa Israel - một đồng minh thân thiết của Mỹ - và lực lượng Hamas, Washington tiếp tục phải điều chỉnh lại các chính sách để cân bằng sự hỗ trợ cho cả Israel và Ukraine.
Các cuộc xung đột cũng dẫn đến sự thay đổi trong cục diện quan hệ quốc tế, đưa Trung Quốc và Nga tới gần nhau hơn vì chung lập trường đối lập với Mỹ. Đồng thời, hàng loạt trung tâm mới của một trật tự thế giới đa cực đang tiếp tục nổi lên bao gồm các quốc gia đơn lẻ, như Ấn Độ, Nhật Bản; các tổ chức khu vực, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS),... Chính sự liên kết mối quan hệ Nga - Trung Quốc cùng sự nổi lên của những trung tâm quyền lực mới trên bản đồ địa - chính trị thế giới đang thúc đẩy một trật tự thế giới mới đa cực.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) họp ngày 21/11 về vấn đề dải Gaza. (Ảnh: New York Times)
Cục diện này cũng đưa thế giới rơi vào cảnh “đa cực hỗn loạn”, trong đó, các vấn đề như năng lượng, dữ liệu, kết cấu hạ tầng, di cư đều có thể được sử dụng như một loại vũ khí. Địa - chính trị trở thành một vấn đề mấu chốt và mọi sự vận động của thế giới đều xoay quanh vấn đề này.
Do đó, xu hướng thế giới trong tương vẫn sẽ có những sự đối đầu, mâu thuẫn và tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Tuy nhiên, hợp tác vẫn sẽ là xu hướng xuyên suốt và là động lực để các quốc gia cùng giải quyết các vấn đề.