Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thầy trò bó tay trước 'ma trận' phiên âm quốc tế

Việc phiên âm các từ quốc tế sang tiếng Việt trong Sách giáo khoa (SGK)không nhất quán, gây lúng túng trong phát âm cũng như tìm kiếm thông tin.

Việc phiên âm các từ quốc tế sang tiếng Việt trong Sách giáo khoa (SGK) đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, thiếu nhất quán, gây lúng túng trong phát âm cũng như tìm kiếm thông tin.

Ảnh minh họa. 

Phiên âm thiếu quy chuẩn:  Sớc - sin, ông là ai?

Trong chương trình SGK cấp 2, cấp 3, số lượng từ quốc tế tập trung chủ yếu ở 3 môn học là Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý. Nếu như vấn đề phiên âm các từ quốc tế sang tiếng Việt thống nhất, theo quy chuẩn chung thì không có gì đáng bàn.

Song, mỗi một môn lại có cách phiên âm khác nhau và ngay cả cùng một môn nhưng mỗi khối lại có những cách phiên âm khác nhau. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt mà còn làm khổ cả người dạy và người học.

Nguy hại hơn, phiên âm không sát so với nguyên bản dẫn đến người học viết sai, học vẹt, lúng túng và khó khăn khi muốn tìm kiếm thêm thông tin.

Sự thiếu quy chuẩn thể hiện trong SGK lớp 12 ghi phiên âm tên quốc gia không có gạch nối như Malaixia, Inđônêxia, Mêhicô, Bôlivia, Urugoay, Dimbabuê, Camphuchia, Achentina, Philíppin...

Trong khi đó, SGK lớp 11, lớp 8, lớp 10, lớp 9, lớp 6,... lại ghi phiên âm quốc tế có dấu gạch ngang, nối các âm với nhau như một số tên quốc gia: Ma-lai-xi-a, Cư-rơ-gư-xtan, Cam-pu-chia...

Về vấn đề này, PGS. Văn Như Cương cho rằng: "Tôi cũng là người trực tiếp tham gia biên soạn SGK, mỗi cấp quy định khác nhau trong việc phiên âm bởi các lớp nhỏ chưa học tiếng nước ngoài thì cần phải phiên âm. Hiện nay chưa có sự thống nhất theo một quy định chung bởi chúng ta dạy và học không chỉ riêng tiếng Anh, do đó không thể chuyển hết sang tiếng Anh.

Phiên âm SGK hiện nay chưa thống nhất về cách viết, song cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra một quy tắc chung. Nhiều ý kiến cho rằng vừa viết phiên âm vừa để trong ngoặc từ nguyên bản, song cũng khó quy chuẩn về một ngôn ngữ quốc tế.

Như tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn, tiếng Nga... thì làm thế nào để quy chuẩn sang tiếng Anh?! Thêm từ nguyên bản trong ngoặc nhận được nhiều ý kiến đồng thuận, nhưng vẫn cần phải có quy định viết theo kiểu nào nên rõ ràng".

Điều đáng nói, không chỉ có tên các quốc gia, mà tên các địa danh, tên riêng cũng thiếu nhất quán, chỗ có gạch nối chỗ không. Đặc biệt, phiên âm "lệch" xa so với nguyên bản, điều này gây khó khăn cho cả người dạy và người học.

Nếu dựa trên phiên âm tên riêng, tên địa danh trong SGK, người học khó có thể tìm kiếm thông tin cũng như viết đúng. Nếu như dùng công cụ tìm kiếm google để tra cứu với từ khóa đất nước "Cư -rơ-gư-xtan" thì sẽ không thể tìm ra đất nước Trung á Kyrgyzstan.

Cũng như từ Sớc -sin, vậy ông là ai? Trong khi ông chính là vị thủ tướng Anh nổi tiếng Winston Churchill.

Nhiều thầy cô cho rằng, nếu không thay đổi cách phiên âm như trên thì học sinh thay vì học lấy kiến thức, các em chỉ học vẹt. Một số từ trong đó phải kể đến như: A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (Aleksandr Sergeyevich Pushkin), Ru-rơ-ven (Franklin Delano Roosevelt), Ai-ma-tốp (Chinghiz Aitmatov), Giêm Oat (James Watt)... cũng chỉ là đánh đố học sinh.

Phiên âm từ quốc tế sang tiếng Việt nhiều khi người học không biết từ phiên âm đó chỉ ai, địa danh nào, tổ chức nào. Một số tên thủ đô, thành phố được phiên âm sang tiếng Việt trong SGK như: Man-chét-xtơ (Manchester), Xit-ni (Sydney), Niu Iooc (New York), Xan Phran-xi-xcô (San Francisco)...

Bên cạnh đó việc phiên âm từ quốc tế sang tiếng Việt kiểu nửa vời, không ra tiếng Việt cũng không ra tiếng Anh, khiến cho người đọc khó hiểu và khó có thể chấp nhận: Mêhicô, Urugoay, philíppin, Boolivia, Aixơlen, Aỏchentina, Lúc-xăm-bua, Dimbabuê, Oashintơn....

Cô Thu Hương, dạy tiếng Anh trường THCS tại Hà Nội cho rằng: "Các từ quốc tế phiên âm sang tiếng Việt chuẩn thì không sao, nếu không chuẩn sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát âm tiếng Anh của các em sau này, nhất là khi giao tiếp với người nước ngoài".

Không đồng tình với quan điểm này, cô Nguyễn Thị Thùy Anh, hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho rằng: "Không thể bỏ phiên âm từ quốc tế sang tiếng Việt bởi các em cấp 1 học tiếng Việt chưa sõi nói chi đến tiếng nước ngoài, do đó nên có phiên âm tiếng Việt để các em dễ tiếp thu".

Phiên âm từ quốc tế sang tiếng Việt như thế này khiến người học khó mà chỉ ra đúng địa danh đó ở đâu. 

Cần xây dựng Luật Ngôn ngữ

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Kim Dung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục cho rằng: "Đối với những học sinh đã bắt đầu làm quen với tiếng Anh, nên thống nhất theo quy ước quốc tế, có thể đóng mở ngoặc từ nguyên mẫu.

Việc phiên âm từ quốc tế sang tiếng Việt của chúng ta hiện nay chỉ là phiên âm để đọc được bằng tiếng Việt, nhưng lại không biết từ gốc đó là gì, điều này có thể gây khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin cũng như nhầm lẫn địa danh, nhân vật thật. Tiếng Anh hiện nay khá thông dụng, có thể phiên âm theo tiếng Anh thì sẽ hợp lý. Do vậy, cần thay đổi để chuẩn hóa phiên âm".

Trao đổi với báo chí, PGS-TS. Vũ Kim Bảng, phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ cho rằng: "Không riêng gì SGK mà báo chí cũng vậy, từ có nguồn gốc nước ngoài dùng trong tiếng Việt chưa có một chuẩn mực cả về chính tả lẫn phát âm. Vì vậy, cần có giải pháp nhất quán, có tư tưởng chủ đạo nhưng vẫn linh hoạt, không cứng nhắc.

Hiện nay SGK phục vụ cho học sinh, đối tượng sau này đóng vai trò quan trọng trong hội nhập quốc tế, nên việc phiên âm các từ quốc tế dùng trong tiếng Việt là chưa hợp lý. Chúng ta chưa có quy chuẩn nên mỗi nơi tự vận dụng một cách. Đã đến lúc SGK cần có sự thống nhất, phải có người chủ trì đứng ra giám sát để tránh lộn xộn".

Đồng tình với quan điểm nên để cả từ nguyên bản và từ phiên âm, song PGS-TS Vũ Kim Bảng lại có cách lý giải khác: "Cần đưa cả từ nguyên bản đi kèm từ phiên âm nhưng phiên âm nên để trong ngoặc đơn bởi phiên âm là cái không ổn định, mang tính chủ quan của từng người, mỗi người một kiểu nên chỉ coi phiên âm là kiến thức tham khảo thêm.

Việc đưa cả hai nội dung trên chỉ áp dụng đối với học sinh cấp 1, còn cấp 2 trở lên, các em đã có vốn kiến thức ngoại ngữ rồi thì có thể bỏ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có một hội đồng soạn sách giáo khoa thống nhất sự phiên âm.

Hiện nay, Viện chúng tôi cũng đang nghiên cứu cơ sở khoa học cho Luật Ngôn ngữ, vấn đề cấp thiết hiện nay là cố gắng chuẩn mực cái chuẩn chính tả trước, trong đó sẽ bao hàm cả vấn đề dùng tên riêng của nước ngoài trong tiếng Việt ra sao. Nếu có một chuẩn chung mang tính pháp quy thì các nhà xuất bản, sách báo, văn bản trong nhà trường...đều có thể thống nhất trong việc sử dụng nhân danh và địa danh của nước ngoài".

Theo Nguoiduatin


Nguồn:

Tin mới