Thân thiện, hiền hậu, nhưng cực kỳ nghiêm túc, thẳng thắn và tập trung khi nói chuyện khoa học, đó là nét phác họa về thầy giáo Trung. Từng phụ trách nhiều bộ môn như Toán, Giải thích, Vật lý và gần đây nhất là Đồ họa máy tính (Graphic Computer), thầy Trung được nhiều lứa sinh viên gọi là “ông Bụt” bởi sự hiền hòa cởi mở và tâm huyết với học trò.
Thầy giáo Trần Thế Trung bên các con robot.
Một sinh viên cũ kể, thầy rất nhiệt tình. Khi dạy môn Vật lý, thầy tự mua đồ thí nghiệm về cho sinh viên làm để hiểu được bài học một cách trực quan nhất. Có khi, thầy ở lại văn phòng đến tối mịt để làm thí nghiệm mà người khác sẽ cho là “vớ vẩn” như: Thả một mẩu giấy nhỏ từ trên cao xuống đất hàng chục lần...
"Khi tôi còn là sinh viên thực tập tại Viện của thầy, thầy chia sẻ trăn trở làm thế để thử nghiệm ý tưởng vệ tinh làm từ khinh khí cầu. Vệ tinh này sẽ chuyển động bằng sức gió mà không cần phải bay quá cao. Đó chỉ là ý tưởng thoáng qua trong đầu thầy và thầy còn có vô vàn ý tưởng. Với thầy, không có ý tưởng nào là không chấp nhận được, hay dở hơi, tất cả đều đáng được tôn trọng, lắng nghe và thảo luận", nam sinh cũ của thầy Trung hồi tưởng.
Dù đang là Viện trưởng Nghiên cứu Công nghệ của Đại học FPT nhưng thầy Trung vẫn rất yêu thích công việc giảng dạy. "Làm khoa học với tôi trước hết mang tính chất cá nhân, để thỏa mãn sự thích thú của mình, sau đó là có thể tìm kiếm và hiện thực hóa những ý tưởng phục vụ lợi ích con người. Còn giảng dạy, là để chia sẻ và truyền đạt kiến thức cho người khác", thầy chia sẻ.
Sáng chế “thả diều lấy điện”
Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về sao Hỏa ở Đại học Versailles (Pháp), nhưng thầy giáo sinh năm 1977 không ở lại nước ngoài làm việc mà quyết tâm về nước.
Mới đây, thầy Trần Thế Trung và cộng sự Lê Ngọc Thúy đã có một sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) cấp bằng sáng chế độc quyền. Sáng chế có tên đầy đủ là “Chuỗi các cánh diều có cơ cấu bám dây tự động và hệ thống chuỗi diều thu năng lượng gió”.
Ý tưởng sáng chế bắt đầu từ mong muốn tìm kiếm một công nghệ giúp tận dụng năng lượng gió một cách hiệu quả. Sau nhiều trăn trở, nghiên cứu, tìm hiểu, thầy Trung đã tìm ra “hệ thống chuỗi diều thu năng lượng gió”. Một cách dễ hiểu, đó là hệ thống những cánh diều được bố trí hợp lý mà nhờ đó, con người hoàn toàn có thể thu về dòng điện sạch, thân thiện với môi trường.
“Hệ thống sử dụng chuỗi cánh diều có cơ cấu bám giây để phát điện hoặc chuyển năng lượng gió thành cơ năng hữu ích, có khả năng thay đổi diện tích hứng gió và vận hành trong nhiều điều kiện gió ở công suất phát tối ưu. Hệ thống cơ khí cho phép chế tạo đơn giản, tận dụng được diện tích hứng gió tối đa, nhiều hơn so với diện tích hứng gió của các phương án điện gió truyền thống, do đó có tiềm năng tạo ra đủ điện đáp ứng nhu cầu sử dụng”, nhà khoa học trẻ giải thích.
Đây là sáng chế thứ hai của thầy giáo trẻ được cấp bằng và bảo hộ độc quyền. Phải mất hơn 3 năm trời nghiên cứu, xác nhận và kiểm định, sáng chế mới được công nhận.
Theo VNExpress