"Khi biết tin bị kết án chung thân, tôi chỉ muốn chết cho xong", Chime Chidike Ben (46 tuổi, quốc tịch Nigeria) kể. Nhưng sau đó, người đàn ông này vẫn phải tiếp tục sống với khát khao một ngày được tự do, trở về quê hương của mình, nơi có mẹ già đang đợi. Bà đã không được gặp con trai suốt 13 năm nay.
Chime Chidike Ben (46 tuổi, quốc tịch Nigeria) là một trong hơn 350 phạm nhân nước ngoài với gần 20 quốc tịch đang thi hành án tại Trại giam Vĩnh Quang (Cục C10, Bộ Công an). Phạm nhân nước ngoài thụ án tại đây chủ yếu do tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy và các tội danh liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Kể về biến cố lớn nhất cuộc đời, Chime Chidike Ben cho biết, năm 2007, anh sang Việt Nam để du lịch, rồi cơ duyên khiến người đàn ông này ở lại lập nghiệp bằng công việc buôn bán và làm giáo viên tại một trung tâm Anh ngữ nổi tiếng.
Với mức lương tới 80 triệu đồng/tháng, sau đó lại kết hôn với một cô gái Việt Nam, lẽ ra cuộc sống của Chime Chidike Ben sẽ mãi bình yên tại quê hương thứ hai, nhưng anh lại sa chân vào ma túy. Ma tuý khiến thầy giáo tiếng Anh mất tất cả, mọi cơ hội, tương lai bị chôn vùi trong chốn lao tù.
Phạm nhân Chime Chidike Ben lao động cải tạo tại Trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc).
Đầu năm 2009, Chime Chidike Ben cùng đồng phạm tổ chức vận chuyển ma tuý từ Ấn Độ về Việt Nam rồi lại chuyển sang Trung Quốc với phương thức giấu heroin trong đế giày, áo váy...
Trong thời gian từ tháng 3/2009 đến tháng 6/2009, anh cùng đồng phạm 4 lần tổ chức vận chuyển thành công gần 3kg ma tuý. Ngày 18/6/2009, anh từ TP.HCM ra Hà Nội đón một số người từ Ấn Độ xách ma túy về Việt Nam và bị bắt ngay tại Sân bay Nội Bài.
"Lúc tham gia vận chuyển tôi chỉ nghĩ đơn giản là giúp bạn bè chứ không có tiền công bởi tôi có việc làm ổn định. Sau khi bị bắt, bị kết tội, tôi mới biết đó là một sai lầm lớn. Lúc đó tôi không hiểu pháp luật Việt Nam, nếu biết trước tôi đã không làm việc đó", Chime Chidike Ben nói.
Người đàn ông quốc tịch Nigeria nhớ lại những ngày đầu đi thụ án, anh tự dằn vặt bản thân, muốn tìm đến cái chết nhưng được các cán bộ trại giam quan tâm, giúp đỡ nên Chime Chidike Ben nhanh chóng lấy lại tinh thần.
"Khi mới bị bắt giam, tôi rất nhớ vợ, nhớ gia đình. Đến tận bây giờ tôi vẫn khóc vì nhớ vợ, nhớ công việc, bạn bè. Tiếc là chúng tôi đã ly hôn 6, 7 năm trước do tôi thụ án quá lâu", Chime Chidike Ben buồn rầu chia sẻ.
12 năm 10 tháng chấp hành án tại Trại giam Vĩnh Quang dài đằng đẵng, Chime Chidike Ben chưa từng được giảm án. Anh chia sẻ sẽ tiếp tục cải tạo thật tốt để được giảm xuống mức án 30 năm tù, khi đó mới có thể đếm ngược ngày trở về.
"Tôi là người nước ngoài thụ án ở đây, nhưng tôi cũng giống như tất cả các bạn tù khác, lúc nào cũng nhớ quê hương, bạn bè, nhớ nhiều thứ lắm.
Thỉnh thoảng qua tivi bất chợt nhìn thấy quê hương mình tôi lại khóc. Khi ra tù, việc đầu tiên tôi làm là về gặp mẹ, để xin lỗi mẹ, gia đình. Mẹ tôi đã lớn tuổi rồi", Chime Chidike Ben buồn rầu chia sẻ.
Trong mắt Chime Chidike Ben, từ lúc đặt chân tới Việt Nam, anh rất thích người Việt bởi tính cách vui vẻ, thoải mái. Khi phải trả giá cho tội lỗi mình gây ra, anh nhận được sự chia sẻ, động viên từ các phạm nhân người Việt cũng như cán bộ trại giam.
Hơn 10 năm chấp hành án, anh được chăm sóc tốt, ăn uống tốt. Ben được học tiếng Việt và giao tiếp rất lưu loát. Ở trại giam, anh được phân làm công việc mây tre đan. "Tôi làm rất tốt công việc này. Trong trại có hoạt động như văn nghệ, thể thao, tôi đều tham gia hết", Chime Chidike Ben cho biết thêm.
Trong suốt cuộc trò chuyện, người đàn ông Nigeria luôn cho rằng mình may mắn bởi với tội danh đó, anh lẽ ra phải lĩnh án tử hình nhưng do là người nước ngoài nên được xem xét, khoan hồng xuống án chung thân.
"Tôi cảm thấy rất may mắn vì có cơ hội làm lại cuộc đời. Giờ tôi mất hết tất cả rồi, chỉ mong được làm lại từ đầu. Nếu có ngày được ra tù, tôi chắc chắn không bao giờ mắc phải lỗi lầm này nữa", Chime Chidike Ben khẳng định và nói sau này chấp hành án phạt tù xong sẽ trở thành tình nguyện viên tuyên truyền về phòng, chống ma túy.
Thượng tá Nguyễn Đức Phương, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết, thường các phạm nhân quốc tịch nước ngoài sang Việt Nam với rất nhiều mục đích khác nhau. Khi phạm tội, vào trại giam, họ chưa biết nội quy, quy định pháp luật của Việt Nam trong công tác thi hành án. Nhiều phạm nhân rất hoang mang, chưa xác định được tư tưởng để chấp hành nghiêm nội quy trại giam, tham gia cải tạo.
Tuy nhiên, qua công tác giáo dục, thuyết phục, các phạm nhân này dần dần thấy được chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, cùng với sự quan tâm của ban giám thị, sau một thời gian họ hiểu được và chấp hành tốt.
“Tại Trại giam Vĩnh Quang, chúng tôi làm hết sức mình, chuyển tải nội dung, tính nhân văn của pháp luật Việt Nam, những nội quy quy định của pháp luật Việt Nam cho các phạm nhân nắm được để họ chấp hành tốt và tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi phải vận dụng các hình thức tuyên truyền thông qua pano, áp phích… đặc biệt phải tận dụng việc tuyên truyền qua phạm nhân người nước ngoài biết tiếng Việt, và cùng quốc tịch với những phạm nhân không biết, Thượng tá Nguyễn Đức Phương nói.
Theo Thượng tá Nguyễn Đức Phương, khi đã giáo dục, thuyết phục mà phạm nhân còn cố tình vi phạm nội quy trại giam, theo quy định đơn vị phải dùng biện pháp như khiển trách, cảnh cáo và các hình thức khác để đảm bảo được tính răn đe nghiêm minh của pháp luật. Qua đó, cũng để cho phạm nhân nước ngoài chấp hành án tại trại giam thấy được chấp hành tốt sẽ được thưởng và vi phạm sẽ bị kỷ luật. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xếp loại phạm nhân.
Giám thị Trại giam Vĩnh Quang khẳng định, tất cả phạm nhân cải tạo tại đây đều không phân biệt màu da, quốc tịch, tôn giáo, đều công bằng như nhau. Khi họ tham gia lao động, cải tạo tốt thì sẽ được giảm án.