Có một chi tiết cần nhấn mạnh trong cuộc xung đột giữa HAGL với VPF liên quan nhà tài trợ mới của đội bóng phố núi thời gian qua, đó là trên thực tế quy định ngành hàng độc quyền ở V-League không mới.
Cụ thể là gần nhất từ năm 2012, điều lệ V-League đã có quy định cấm quảng cáo ngành hàng độc quyền của nhà tài trợ chính, kéo dài đến mùa giải 2015.
Quy định ngành hàng độc quyền ở V-League có và tồn tại từ thời bầu Đức và các chiến hữu còn làm lãnh đạo ở cả VPF và VFF.
Đây là thời điểm bầu Đức đang làm Phó chủ tịch HĐQT VPF, cùng các ông bầu thân thiết khác nắm giữ công ty. Ông chủ HAGL thậm chí ngồi cả ghế Phó chủ tịch tài chính Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) giai đoạn trên. Như vậy không thể nói bầu Đức và HAGL không nắm quy định của V-League và nếu thấy bất hợp lý, bầu Đức từ lâu đã phải có ý kiến.
Dù vì động cơ gì, có thể thấy nhà tài trợ mới của HAGL đã rất nhanh chóng sử dụng cuộc tranh cãi do HAGL tạo nên để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu của mình, qua đó cạnh tranh với thương hiệu thuần Việt như Night Wolf ngay tại thị trường Việt Nam.
Cần lưu ý trước thương hiệu này, một thương hiệu khác của người Thái là Redbull cũng đã đẩy mạnh quảng bá hình ảnh tại Việt Nam thông qua HAGL và mới đây là đội tuyển Việt Nam.
HLV Kiatisuk Senamuang luôn khéo léo, không chỉ có tài cầm quân mà còn như một đại sứ hình ảnh của các doanh nghiệp Thái?
Quá trình trên gắn liền với một cái tên không xa lạ với giới bóng đá, chính là HLV Kiatisak Senamuang. Câu chuyện sẽ thú vị hơn nếu tìm hiểu kỹ về những bàn tay đứng sau các cuộc sắp xếp để đưa thương hiệu Thái Lan mở rộng, chiếm thị phần tại thị trường Việt Nam.
Ở phương diện này, có thể nói người Thái thực sự đáng học hỏi trong việc sử dụng bóng đá làm công cụ phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Khéo léo có tất cả, dù vô tình hay hữu ý, người Thái thông qua HAGL trong vụ việc này vừa tạo nên sự chia rẽ trong cộng đồng bóng đá Việt Nam, vừa nâng thêm sức mạnh cho doanh nghiệp Thái.