Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thay đổi thiết kế, quy trình sản xuất theo hướng tuần hoàn

(VTC News) -

Thay đổi thiết kế, quy trình sản xuất theo hướng tuần hoàn là hàm ý của công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Công cụ EPR trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu những thiệt hại nặng nề từ đại dịch Covid-19. Một quy định yêu cầu doanh nghiệp hoặc phải đầu tư cho thu gom, tái chế, hoặc phải đóng góp kinh phí vào Quỹ Bảo vệ môi trường đặt ra nhiều nỗi băn khoăn. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ nỗi lo lắng về chi phí phát sinh sẽ gây ảnh hưởng tới tiến trình phục hồi.

Trả lời vấn đề này, đại diện ban soạn thảo Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng như nghị định hướng dẫn luật, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết, công cụ EPR không nhằm mục đích “càng thu nhiều tiền càng tốt”.

Chai nhựa không còn màng co nắp chai của La Vie.

Cụ thể, doanh nghiệp được khuyến khích tự tổ chức thu gom, tái chế thay vì đóng phí vào quỹ Bảo vệ môi trường do mức tài chính đóng góp được tính toán sao cho cao hơn mức thực tế cần sử dụng để thu gom, tái chế rác thải.

Tương tự đối với điều 55 Luật Bảo vệ môi trường, mức phí đóng bắt buộc cho các sản phẩm phát sinh rác thải nguy hại, khó xử lý cũng cao hơn so với chi phí xử lý rác thải. Như vậy, công cụ EPR thực chất tạo ra sức ép khiến nhà sản xuất bắt buộc phải thay đổi thiết kế, thay thế nguyên vật liệu theo hướng dễ thu gom, tái chế, xử lý rác thải phát sinh nhất có thể.

Ông Hùng cho biết, công cụ EPR được coi là thành công không phải là Quỹ Bảo vệ môi trường nhận được nhiều đóng góp mà là khi không còn doanh nghiệp nào đóng phí EPR vào Quỹ Bảo vệ môi trường nữa.

Thiết kế sinh thái

Thấu hiểu được tinh thần của công cụ EPR, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều hoạt động thay đổi thiết kế sản phẩm theo hướng thuận tiện nhất cho thu gom, tái chế rác thải.

Một điều dễ nhận thấy nhất là việc nhiều doanh nghiệp nước giải khát đã đồng loạt loại bỏ màng co nắp chai, thay vào đó là thiết kế cầu nối giữa nắp và vành nắp, từ đó không phải sử dụng một miếng nilon nhỏ bọc đầu chai nước.

Hành động mạnh dạn phá bỏ “thông lệ” sử dụng màng co nắp chai của doanh nghiệp giải khát nhận được sự đồng tình từ phía người tiêu dùng bởi màng co nắp chai là miếng nilon nhỏ, có giá trị quá thấp nên rất khó để thu gom.

Một số hãng nước giải khát thực hiện hành động này có thể kể đến như La Vie; Coca Cola; Nestlé; Pepsi… là những thành viên sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).

Một sáng kiến khác cũng được các nhà sản xuất nước giải khát lựa chọn là chuyển sang sử dụng chai nhựa trong suốt, thay vì những chai nhựa màu mang tính đặc trưng cho nhiều thương hiệu. Chai nhựa trong suốt có giá trị cao hơn do không phải trải qua quy trình kỹ thuật phức tạp.

Những ví dụ trên cho thấy, thay đổi một chi tiết nhỏ trong thiết kế bao bì cũng giúp tạo ra lợi ích lớn trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đang chứng tỏ sự chủ động ở mức nhất định để đón đầu xu thế bền vững thay vì chờ đợi chính sách từ phía Nhà nước.

Tuy nhiên, rào cản đến từ việc chưa có những quy định rõ ràng trong thiết kế bao bì, dẫn đến việc các doanh nghiệp “nhìn nhau”, chưa thực sự tiến hành giải pháp mạnh tay hơn. Thực trạng ở Việt Nam, theo đại diện ngành tái chế, bao bì vẫn sử dụng tem mác quảng cáo lớn, sử dụng keo dán nhãn và mực in không đạt tiêu chuẩn.

Những thực trạng này khiến công tác tái chế gặp rất nhiều khó khăn và khó mở rộng quy mô, chỉ chủ yếu được thực hiện ở các cơ sở tái chế nhỏ lẻ, phi chính thức, không có tiêu chuẩn rõ ràng về chất lượng tái chế và thâm dụng lao động thay vì ứng dụng công nghệ.

Như vậy, một bộ quy chuẩn về quy cách thiết kế bao bì là đặc biệt cần thiết. Những quy chuẩn về diện tích tem mác, loại keo dán, mực in… thực tế đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng rất hiệu quả.

PHẠM SƠN

Tin mới