Sau khi xem đoạn clip cô giáo ở Huế bị nam đồng nghiệp bẻ tay, đẩy ra khỏi lớp học, tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng, không nên vội vàng lên án thầy giáo khi chỉ dựa vào 18 giây ngắn ngủi trong clip bị ngắt ra khỏi bối cảnh thực tế: liệu có phải trước đó cô giáo đã có hành xử thế nào ảnh hưởng đến công việc, gây bức xúc cho thầy? Tuy nhiên, việc các thầy cô to tiếng với học sinh, tranh cãi với đồng nghiệp, có các hành vi thiếu chuẩn mực trước sự chứng kiến của học sinh là điều không nên để xảy ra, bất luận vì lý do gì.
“Điều đó cho các em thông điệp sai lệch về cách ứng xử giữa người và người, mất đi sự tôn trọng đối với người thầy, trở nên hoài nghi với những gì thầy cô trao gửi trên bục giảng”, tiến sĩ nhấn mạnh.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, vụ việc trên cảnh báo văn hoá ứng xử của thầy cô với học trò, của thầy cô với nhau trước mặt học trò, phong thái và hình ảnh của thầy cô giáo nói chung trong văn hoá học đường.
“Khác với phong thái mực thước nhưng xa cách của nhà giáo xưa, thầy cô giáo bây giờ vui tươi, hiện đại, gần gũi hơn với học trò. Nhưng sự đúng mực khi xử lý các vấn đề trong các mối quan hệ học đường có vẻ như đang bị coi nhẹ hoặc không được hướng dẫn cụ thể bằng một quy trình hợp lý”, tiến sĩ Thụy Anh nói.
Nữ tiến sĩ cho rằng, thầy cô giáo có quyền được minh bạch thông tin, được phản biện với người quản lý, được cấp trên và tập thể giáo viên lắng nghe để giải toả bức xúc. Nếu có quy trình rõ ràng, các thầy cô sẽ không rơi vào tình trạng mất kiểm soát cảm xúc và hành vi. Ở chiều ngược lại, mỗi thầy cô có trách nhiệm rèn luyện để giữ được tác phong, lời nói hợp lý trước mặt học sinh trong bất kỳ tình huống nào.
Chung quan điểm, PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hành động của nam giáo viên càng trở nên thiếu tính sư phạm hơn khi được thực hiện trước mặt rất nhiều học sinh.
“Mặc dù chưa biết ai đúng ai sai, cũng không nghe rõ hội thoại nên không biết nam giáo viên có sử dụng ngôn ngữ đúng mực không, nhưng trong tình huống này, rõ ràng hành động của nam giáo viên chưa góp phần bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của đồng nghiệp”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Từ tình huống này, thầy giáo đã làm sứt mẻ đi hình ảnh mẫu mực, bao dung, yêu thương, một tấm gương chống bạo lực học đường, góp phần xây dựng một môi trường giáo dục an toàn và thân thiện mà thầy đang hướng tới.
“Liệu sau này những bài học của thầy về ứng xử yêu thương, tôn trọng có còn được chuyển tải vẹn nguyên đến học trò hay không? Bài học trên lớp từ thầy có thể làm thay đổi cảm xúc, thái độ dẫn đến chuyển biến trong hành vi ứng xử của người học không?”, PGS.TS Nam cho biết. Những hành vi thiếu nhạy cảm và sơ suất như vậy sẽ ảnh hưởng vị thế, biểu tượng nhà giáo trong cộng đồng.
Đáng buồn hơn, những vụ việc về hành vi ứng xử lệch chuẩn trong trường học gần đây đều đến từ góc nhìn của người học. Hay nói cách khác là do chính các em học sinh trong lớp ghi hình lại và phát tán lên các nền tảng mạng xã hội. Đó cũng chính là biểu hiện của việc không hình thành được giá trị yêu thương, tôn trọng, bảo vệ uy tín của người khác ở chính học sinh có hành vi ghi lại và lan truyền thông tin đó.
Cô giáo bị nam đồng nghiệp 'cưỡng chế' ra khỏi phòng học. (Ảnh cắt từ clip).
Trước đó, mạng xã hội lan truyền clip cô giáo bị “cưỡng chế”, đuổi khỏi lớp học. Đoạn clip dài 18 giây cho thấy một nữ giáo viên trong trang phục áo dài, vai mang túi xách nhưng bị một người đàn ông to tiếng, có hành động "bẻ tay" rồi đẩy ra khỏi phòng học. Clip cho thấy sự việc xảy ra trên bục giảng, trước sự chứng kiến của một nữ giáo viên khác và nhiều học sinh. Được biết, hình ảnh này xảy ra tại Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế.
Sáng 28/10, ông Ngô Đức Thức – Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) - cho hay, vừa báo cáo sự việc cho Sở GD&ĐT và đề nghị những người liên quan đến vụ việc viết tường trình.