Video: Nữ giáo viên ở Huế bị đồng nghiệp "cưỡng chế" ra khỏi lớp học
Liên quan đến vụ cô giáo bị 'khoá tay' đuổi khỏi lớp học xảy ra tại Thừa Thiên - Huế, sáng 28/10, ông Ngô Đức Thức – Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) cho biết vừa báo cáo sự việc cho Sở GD&ĐT và đề nghị những người liên quan đến vụ việc viết tường trình.
Ông Thức cho rằng, clip đăng tải trên mạng xã hội được quay tại một lớp 10 của trường, thời gian xảy ra sự việc vào thứ 7 ngày 22/10 trong tiết sinh hoạt do giáo viên chủ nhiệm Trần Thị Thùy D. đứng lớp.
Tuy nhiên, hôm đó ban giám hiệu có hội ý về việc chuẩn bị tổ chức một hoạt động ở trường nên cô D. vào lớp muộn và cho lớp tự quản.
Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) nơi xảy ra sự việc.
Sau đó, cô D. trở về lớp thì thấy cô T. đang ở trong lớp nên yêu cầu cô T. ra khỏi lớp nhưng cô này không đồng ý. Sự việc được một cô giáo khác gọi điện thoại báo với Ban giám hiệu nhà trường.
Sau đó, thầy P. có mặt và thuyết phục cô T. khoảng 10 phút nhưng nhận thấy hình ảnh thầy cô giáo cự cãi trước mặt học sinh không đẹp nên thầy P. đã cầm tay kéo cô này ra khỏi lớp.
"Thầy P. có thiện ý đưa cô T. ra khỏi lớp nhưng cử chỉ thầy P. hơi "cứng", nên người xem hiểu nhầm. Việc làm của thầy P. sẽ bị nhà trường nhắc nhở. Còn cô T. vào lớp vào giờ sinh hoạt khi chưa được phép của giáo viên chủ nhiệm là hoàn toàn sai. Đáng tiếc clip là phần cuối câu chuyện diễn biến xảy ra trong lớp, nên bị lợi dụng, xuyên tạc”, Hiệu trưởng Trường THCS Hai Bà Trưng thông tin.
Cũng liên quan đến việc này, PV VTC News xác định được 2 nhân vật chính trong clip là cô Hồ Thị T. (Giáo viên môn Ngữ Văn đang công tác tại Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế) và thầy N.Đ.P (Tổ trưởng tổ Thể dục và quốc phòng của Trường THPT Hai Bà Trưng).
Cô Hồ Thị T. cho biết, đoạn clip trên được quay sáng 22/10 tại lớp 10A9 của trường. Sau sự việc, cô thấy rất buồn, hụt hẫng và như bị xúc phạm.
Cô T. chia sẻ, sự việc có lẽ bắt đầu từ đầu tháng 10 năm nay, khi cô nhận được thông tin từ lãnh đạo nhà trường về việc bị nhiều học sinh của lớp 10A9 gửi đơn yêu cầu đổi giáo viên dạy văn của lớp. Lý do trong đơn ghi cô dạy yếu, qua loa và nhiều học sinh không hiểu bài.
"Tôi giảng dạy ở Trường THPT Hai Bà Trưng nhiều năm nay và năm nào cũng được đánh giá là lao động loại giỏi, vì thế khi nhận được thông tin trên tôi thấy rất bất ngờ. Bản thân khi dạy tại lớp 10A9, tôi luôn tự nhủ phải đảm bảo đúng chuyên môn và dạy bằng cả tình yêu thương, tự trọng nghề nghiệp.
Thú thật, có nhiều học sinh ở lớp có đề xuất xin học thêm môn văn ở nhà nhưng tôi từ chối dạy vì sợ bị mang tiếng. Ngay sau đó trong một cuộc họp, lãnh đạo nhà trường đã bêu tên và chỉ trích tôi trước toàn thể giáo viên, cán bộ nhân viên của trường. Tại cuộc họp đó tôi đã bật khóc vì uất ức và không được phát biểu ý kiến", cô T. chia sẻ.
Sau cuộc họp, nhân một buổi có tiết dạy ở lớp 10A9 nói trên, cô T. hỏi các bạn học sinh ở lớp về đơn đề nghị, đồng thời xin lỗi chân thành nếu trong quá trình đứng lớp cô để lại ấn tượng không tốt. Thế nhưng phần lớn các bạn trong lớp nói không biết và không hề ký tên vào đơn đề nghị đổi giáo viên kia.
Đến ngày 21/10, cô T. càng bất ngờ khi nhà trường công bố thời khóa biểu mới. Trong đó trường cắt tiết dạy của cô ở lớp 10A9 nói trên và thay vào một giáo viên khác. Cô T. tìm những người có thẩm quyền để hỏi lý do mình bị cắt tiết dạy thì không nhận được câu trả lời nào thỏa đáng.
Cô T. chia sẻ thêm: "Là giáo viên của trường, tôi chấp nhận sự phân công của tổ chức. Ngày 22/10 vừa qua, tôi có hai tiết văn liên tiếp ở lớp 10A9, đây cũng là hai tiết cuối tôi đứng lớp trước khi bàn giao cho giáo viên mới. Sau khi hoàn thành hai tiết học nhưng chưa hết giờ, tôi tổ chức một buổi chia tay nho nhỏ để nói lời tạm biệt với các em học sinh.
Trong buổi chia tay này, tôi có đề nghị các bạn học sinh của lớp thực hiện một cuộc khảo sát trên giấy với tinh thần tự nguyện về việc các bạn có ký tên đề nghị đổi giáo viên dạy văn hay không, tôi có điểm nào chưa tốt…
Ban đầu đúng là có sự gượng gạo, một số bạn không muốn làm khảo sát. Tuy nhiên tôi có nói với các bạn là tôi xin phép được lấy ý kiến từ các bạn ấy bởi "người tử tù trước khi ra pháp trường còn được nói lời sau cùng", tôi chỉ chân thành muốn biết được sự thật là các bạn có đề nghị đổi giáo viên hay không.
Cả lớp nghe tôi nói xong thì đồng ý tự nguyện làm khảo sát. Thế nhưng khi các bạn đang làm thì giáo viên chủ nhiệm của lớp đi vào và yêu cầu dừng cuộc khảo sát lại rồi báo cho nhà trường.
Sau đó, hai thầy giáo và một bác bảo vệ ập vào yêu cầu tôi đi ra khỏi lớp với lý do tôi đang làm điều trái quy định. Tôi phân bua rằng mình chỉ đang chia tay lớp học và không làm bất cứ điều gì trái với quy định của trường, của ngành giáo dục thì bất ngờ thầy giáo Đ.P. (giáo viên thể dục) tiến tới bẻ tay, đẩy tôi ra khỏi lớp như clip ghi lại".
Cô Hồ Thị T. bị đồng nghiệp "cưỡng chế' ra khỏi lớp học.
Cũng liên quan đến sự việc nêu trên, thầy N.Đ.P. (người được cho là "cưỡng chế" cô T. khỏi lớp học) cho hay, sự việc xảy ra khi thầy được cấp trên phân công xuống một lớp 10 để khuyên nhủ cô giáo T. (nữ giáo viên trong clip) trả lại tiết sinh hoạt cho lớp này. Do lúc đó, cô T. dùng điện thoại quay từng học sinh và yêu cầu các em nhận xét về tiết học của cô, đòi làm rõ em nào đã yêu cầu đổi giáo viên.
"Thực ra, hình ảnh trong clip là khoảnh khắc sau cùng mà các em học sinh quay lại khi thầy giáo đưa cô giáo ra khỏi phòng. Nhìn vậy, thấy như thầy giáo xô đẩy. Nhưng trước đó, tôi đã có hơn 10 phút khuyên giải nhưng cô T. đang bức xúc nên không chịu ra", thầy P. giải thích.
"Cô T. cũng từng là học trò của tôi tại trường Hai Bà Trưng. Bình thường cô cũng quý tôi lắm, nhưng lần này do bức xúc (vì học sinh yêu cầu thay đổi giáo viên) nên cô không kiềm chế được. Sau khi đưa ra khỏi phòng, cô T. vẫn còn bức xúc nên tôi tiếp tục khuyên giải, đưa về phòng y tế nằm nghỉ ngơi để lấy lại bình tĩnh. Sau đó, cô bình tĩnh lại và giữa tôi với cô không có chuyện gì. Tuy nhiên, khi khoảnh khắc này đưa lên mạng đã khiến mọi người bất bình, tưởng tôi hành xử thô bạo với cô. Kỳ thực không phải như vậy”, thầy P. nói thêm.