“Ukraine phải trở thành thành viên NATO. Chiếc ô an ninh xuyên Đại Tây Dương của NATO cũng phải bảo vệ những quốc gia bị bỏ lại trong vùng xám về địa chính trị”, Landsbergis nói tại một hội nghị an ninh ở Warsaw, theo Bộ Ngoại giao Litva.
Những người ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột với Nga “phải làm mọi cách để Ukraine nằm trong biên giới năm 1991 của họ ở phía bên này”, ông nói, đồng thời ca ngợi Đức đã đồng ý đóng 4.000 quân dài hạn ở Litva. Ông nói: “Những nỗ lực tăng cường sườn phía đông phụ thuộc vào ý chí tự vệ của chúng ta”.
Binh sĩ Đức và Litva trong cuộc tập trận ngày 26/6.
“Khi chúng ta nói rằng sẽ giúp đỡ Ukraine đến khi nào cần thiết, tại sao không thể tuyên bố rõ ràng rằng chúng ta muốn chiến thắng cho Ukraine?" Landsbergis lập luận rằng chiến thắng của Ukraine phải là "mục tiêu chiến lược của tất cả chúng ta".
Theo Điều 5 của Hiến chương NATO, cuộc tấn công vũ trang vào một thành viên sẽ được coi là tấn công vào tất cả các thành viên khác.
Dù các nước NATO liên tục cam kết tiếp tục cung cấp vũ khí hạng nặng và viện trợ quân sự cho Kiev, họ vẫn chưa cấp cho Ukraine một lộ trình rõ ràng để trở thành thành viên. Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hơn một năm trước.
Hồi tháng 7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích việc không cho nước này cơ hội trở thành thành viên NATO là “chưa từng có và vô lý”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào thời điểm đó nói Kiev không thể tham gia liên minh “giữa cuộc chiến” với Moskva.
Nga nhấn mạnh rằng việc NATO tiếp tục mở rộng về phía đông và sự hợp tác quân sự của khối này với Kiev là một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột. Moskva cũng cảnh báo rằng viện trợ quân sự cho Ukraine khiến các thành viên NATO trở thành những bên tham gia vào cuộc xung đột trên thực tế.