Không biết từ khi nào, tháng 7 âm lịch được gọi là “tháng cô hồn”, bên cạnh rất nhiều tên gọi khác như tháng Vu lan, tháng báo hiếu, tháng Xá tội vong nhân… Việc tên gọi “tháng cô hồn” vang lên nơi cửa miệng đã mặc định một cảm giác hơi ghê sợ, khiến cảm giác về sự xui xẻo hiện lên trong tâm trí. Vậy tháng cô hồn có xui xẻo thật không?
Tháng cô hồn có xui xẻo thật không là điều nhiều người băn khoăn.
Theo tín ngưỡng dân gian, tháng 7 Âm lịch được gọi là tháng Xá tội vong nhân hay tháng cô hồn. Còn theo tín ngưỡng của những người theo đạo Phật, đó là tháng Vu lan. Nhìn nhận tháng 7 dưới góc nhìn tuệ giác của nhà Phật, chúng ta sẽ nhận được nhiều thông điệp ý nghĩa.
Hiện nay nhiều người cho rằng tháng 7 Âm lịch là tháng không may mắn nên phải kiêng kỵ rất nhiều điều, từ công việc đến cuộc sống. Trước khi nói rõ tháng cô hồn có xui xẻo thật không, sự kiêng cữ trong thời gian này có đúng với triết lý Phật giáo hay không, chúng ta cần làm rõ vấn đề: Trong cuộc sống, có ngày xấu, tháng xấu hay không?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng cho biết, với nhà Phật, con số nào cũng linh thiêng. “Con số 1 là nhất như, số 2 là âm dương, số 3 là Tam bảo, số 4 là tứ đế, số 5 là ngũ căn ngũ lục, số 6 là lục độ, số 7 là thất Bồ đề Phật, số 8 là Bát chánh đạo… Tôi nghĩ rằng con số nào cũng linh thiêng hết, và ngày nào cũng là ngày tốt hết. Một ngày được gọi là xấu là bởi vì trái tim của mình không được trong sáng mà thôi” – vị thiền sư nói.
Cũng theo nhà Phật, luật nhân quả là sự thường hằng muôn đời, và thường xuyên được nhắc thấy, nhìn thấy trong đời sống. Bởi vậy khi mình luôn vui vẻ, hòa ái với mọi người, luôn nghĩ tích cực và làm nhiều việc thiện lành, tránh xa những điều xấu, ác thì sẽ luôn thấy cuộc sống may mắn, thuận lợi. Cho nên, ngày tốt hay xấu, tháng tốt hay xấu thực ra phụ thuộc vào suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta.
Đặc biệt với nhà Phật, tháng 7 Âm lịch được coi là “mùa xuân của Phật giáo”. Đây chính là thời điểm sau 3 tháng an cư kiết hạ (chư tăng ni dành trọn thời gian cho việc tu học), chư tăng ni tịnh hóa thân tâm, quay trở về phụng hóa chúng sinh để làm đẹp cho đời. Ngày rằm tháng Bảy còn là ngày Tết Trung nguyên - tết giữa năm - và theo quan niệm dân gian thì các vong nhân được xá tội, tha thứ lỗi lầm, thoát cảnh giam cầm để về gặp lại người thân. Ý nghĩa ấy hoàn toàn tốt đẹp chứ không mang ý nghĩa xui xẻo.
Rằm tháng 7 cũng là ngày lễ Vu lan báo hiếu – là cơ hội để con cái bày tỏ lòng thành kính, tâm hiếu đạo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đây là một trong những điều vô cùng ý nghĩa, thiêng liêng, nhắc nhở làm con cần luôn lấy chữ hiếu làm đầu.
Rằm tháng 7 cũng là ngày lễ Vu lan báo hiếu – là cơ hội để con cái bày tỏ lòng thành kính, tâm hiếu đạo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. (Ảnh: Lương Đình Khoa)
Vậy nên, chuyện tháng cô hồn có xui xẻo thật không đều do tâm thức ta tự suy diễn theo nghĩa đen, rằng liên quan đến phần âm là xui xẻo, mà quên mất rằng sự từ bi, yêu thương chính là sức mạnh để gắn kết, lan tỏa, hóa giải mọi điều trong cuộc sống. Mỗi người chúng ta nên chọn cách nghĩ tháng Bảy là tháng để bỏ qua mọi hận thù, là tháng mọi oán ghét được dập bỏ để chỉ còn lại những điều may mắn và tốt đẹp cho cuộc sống, để thấy ngày nào, tháng nào cũng là hạnh phúc và bình an.
Tham lam, đố kỵ chính là địa ngục
Tháng 7 Vu lan bắt nguồn từ câu chuyện báo hiếu mẹ của Mục Kiền Liên tôn giả - một trong những đại đệ tử ưu tú của Đức Phật. Chuyện rằng bà Thanh Đề - mẹ của Mục Kiền Liên - mắc nhiều tội nặng nên sau khi chết phải chịu cực hình dưới địa ngục A Tỳ, tiều tụy và đói khát. Khi thấy con trai mang cơm xuống dâng lên, bà một tay bốc ăn, một tay che bát vì sợ các cô hồn khác đến tranh cướp. Vì tâm bủn xỉn, thiếu sự nhường nhịn, sẻ chia của bà mà bát cơm vừa đưa lên miệng liền hoá thành lửa đỏ. Bà gào thét trong đau khổ.
Giáo lý nhà Phật là tự độ - tức là dùng sức mình mà tu, ai ăn người ấy no, ai tu người ấy chứng. Nếu khi ăn bát cơm đó, bà Thanh Đề không khởi tâm tham lam như khi còn sống, biết chia sẻ cho chúng ngạ quỷ xung quanh thì tâm thiện lành đó sẽ giúp bà siêu sinh, tự giải thoát khỏi cảnh địa ngục. Dưới góc nhìn của đạo Phật, địa ngục chính là khi con người giữ lòng tham và sự sân hận, đố kỵ. Chỉ khi tâm từ được mở ra, địa ngục sẽ tự biến mất.
Tháng Vu lan và tháng Xá tội vong nhân là một?
Chính bởi tâm tham lam của bà Thanh Đề vẫn còn nên bát cơm trắng biến thành than lửa. Khi đó, bà có nói một câu: “Mục Liên ơi, con hãy về xin với Đức Phật tìm phương cách cứu mẹ”. Như vậy, nhân duyên có pháp Vu lan bồn chính là từ bà Thanh Đề, đồng thời bà cũng là người đề xuất phương thức để tôn giả Mục Kiền Liên tìm cách hóa giải.
Khi Mục Kiền Liên về thưa với Đức Phật, Phật có nói rõ rằng dù thần lực của ông rất lớn cũng không thể cứu được mẹ mình, mà cần phải dựa vào thần lực của chúng tăng ở khắp mười phương. Giữa tháng Bảy là thời điểm phù hợp nhất, vì đó là sau mùa tự tứ - chư tăng đã trau dồi công năng, công hạnh của mình sau 3 tháng an cư. Mục Kiền Liên nghe lời Đức Phật, chuẩn bị phẩm vật, cơm canh thanh tịnh dâng lên mời chư tăng hồi hướng cầu siêu cho mẫu thân của mình. Nhờ công đức đó, bà Thanh Đề thoát được cảnh địa ngục.
Đặc biệt, cùng với thời điểm cầu siêu cho bà Thanh Đề, các tội nhân khác dưới địa ngục cũng đều nhờ lực chú nguyện của chư tăng mà được giải thoát. Có thể hiểu đơn giản rằng, lúc đó ai mắc tội nặng thì ngừng bị tra tấn, tội vừa thì được “giảm án”, cho về thăm gia quyến. Ai tội nhẹ thì được đầu thai giải thoát. Vậy nên người ta mới gọi tháng 7 Âm lịch là tháng Xá tội vong nhân (tương tự như trên dương thế có việc đặc xá, giảm án, khoan hồng), chứ không phải tất cả đều được giải thoát.
Chúng ta gọi tháng Bảy là tháng Vu lan báo hiếu từ tích về ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ; đồng thời đó cũng là thời điểm nhiều vong nhân được xá tội nên có thể gọi là tháng Xá tội vong nhân. Vậy nên cần hiểu các tên gọi này vốn chỉ là một. Quan điểm của nhà Phật coi trọng đạo hiếu, nên những người theo Phật thường gọi là tháng Vu lan.