Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tham vọng sau hệ thống nhận diện khuôn mặt của TPBank

(VTC News) -

Công nghệ rút tiền bằng nhận diện khuôn mặt của TPBank được triển khai trên hệ thống máy VTM lớn nhất thế giới nằm trong mục tiêu “ngân hàng số hàng đầu”.

Không cần thẻ hay mật khẩu cũng có thể rút được tiền. Viễn cảnh dường như khó tin này vừa trở thành sự thật vào ngày 1/7 vừa qua, khi TPBank tung ra ứng dụng giao dịch thông qua nhận diện khuôn mặt tại hệ thống máy LiveBank của ngân hàng. 

Theo đó, khách không cần mang theo thẻ hay nhớ mật khẩu, chỉ cần để máy LiveBank quét nhận diện khuôn mặt và ấn thêm vân tay để bổ sung một lớp xác thực là có thể thực hiện các giao dịch như gửi, rút và chuyển tiền. 

Để nhận diện khách, mỗi điểm LiveBank được trang bị một camera có chức năng Liveness check (đảm bảo người thật, chống mạo danh bằng ảnh hay video). Camera không chỉ nhận biết khuôn mặt khách hàng mà còn xác thực người thật bằng hình ảnh 3D, kiểm tra sự chuyển động và thân nhiệt.

Thay vì so sánh hình ảnh với một mẫu duy nhất như nhiều hệ thống nhận diện sinh học khác, hệ thống công nghệ được tích hợp trong LiveBank sẽ so sánh mẫu hình ảnh thu được với kho dữ liệu gồm hàng triệu mẫu để kiểm tra và trả kết quả trùng khớp trong một vài giây.

 Chỉ mất 3s để nhận diện khuôn mặt và xác nhận thêm bằng vân tay là có thể thực hiện giao dịch.

Với 300 máy LiveBank theo cách gọi của TPBank, hay VTM – Video Teller Machine theo tên gọi thông dụng, TPBank trở thành ngân hàng sở hữu hệ thống VTM có ứng dụng nhận diện khuôn mặt lớn nhất thế giới. 

Trước đó, CaixaBank ở Tây Ban Nha ngân hàng đầu tiên ứng dụng nhận diện khuôn mặt từ 2019, và đến tháng 6/2020 mở rộng trên 100 máy VTM. Khác với TPBank, công nghệ nhận diện ở Caixa Bank vẫn đòi hỏi người dùng mang theo thẻ vật lý hoặc thẻ tích hợp trên điện thoại để quẹt vào máy, bên cạnh lớp xác thực thứ hai là khuôn mặt. 

Công nghệ để gắn kết người dùng

Nhiều ngân hàng trong khu vực cũng đã sang TPBank để tham khảo, học hỏi công nghệ của chúng tôi”, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết khi nói về tính tiên phong trong công nghệ của ngân hàng.

Theo đó, ứng dụng rút tiền bằng nhận diện khuôn mặt nói trên cũng chỉ là một phần trong chiến lược số hóa mạnh mẽ của ngân hàng với hàng loạt biện pháp cải tổ, với mục tiêu trở thành "ngân hàng số hàng đầu Việt Nam".

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ: “Ngân hàng đã chi hàng ngàn tỷ đồng cho những lĩnh vực liên quan đến công nghệ và ngân hàng số”. Những công nghệ hàng đầu, như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số đều đang được ứng dụng tại đây. Đội ngũ làm công nghệ được đặc biệt chú trọng để nâng cao chất lượng nhân lực, tuyển dụng người tài. Các quy trình giấy tờ trong ngân hàng được số hóa gần như toàn bộ, giảm thiểu tối đa những rủi ro liên quan đến con người. Hệ thống LiveBank cũng là một thành tựu mà sau 3 năm triển khai, vẫn chưa có ngân hàng nào tại Việt Nam bắt kịp. 

Theo đó, LiveBank cho phép khách hàng giao dịch gửi tiền, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, mở thẻ… mà không cần làm việc trực tiếp với nhân viên tại quầy. LiveBank có thể đếm 100 triệu nộp vào trong 25 giây, hoàn thành giao dịch nộp tiền trong một phút. Từ khi hệ thống này chính thức đi vào vận hành, giá thành trên giao dịch khách thực hiện đã giảm đi một nửa. 

Trên thực tế, lựa chọn tiên phong công nghệ đã dẫn dắt TPBank từng bước hái quả ngọt trong hơn một thập kỷ trở lại đây. Từ con số tổng tài sản chỉ khoảng 13.000 tỷ đồng năm 2012, đến 2019, con số này đã tăng gấp hơn 10 lần, đạt 181.000 tỷ đồng tính đến hết 30/6/2020. Tổng huy động đạt trên 162.000 tỷ đồng, tăng 25% so với nửa đầu 2019. 

6 tháng đầu năm nay, bất chấp dịch bệnh, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.034 tỷ đồng, tăng đáng kể so với cùng kỳ. Các chỉ số về huy động, tín dụng và nợ xấu được kiểm soát tốt. 

Tuy nhiên, khi nói về những thành quả, những con số mà hệ thống này mang lại, TPBank không đưa ra những thống kê khủng về lượng chuyển đổi, số tiền giao dịch hay sự tăng trưởng khách hàng. Nhà băng nhìn xa hơn về sự gắn kết với người dùng. 

Ông Nguyễn Hưng nhấn mạnh: “Từ cơ sở khách hàng lớn chúng tôi sẽ có cơ hội bán các sản phẩm khác cho khách hàng, dần dần từ khách hàng mới sang khách hàng trung thành, khách hàng đang thu nhập chưa cao nhưng dần họ sẽ thành đạt, có gia đình, con cái, mua nhà, mua xe và từ đó chúng tôi có nguồn khách hàng lớn”.

Đại diện ngân hàng cho biết, chính sự đầu tư cho công nghệ một cách bài bản, có lộ trình rõ ràng, hiểu mình muốn gì và cần đầu tư đến đâu mà hiện nay, TPBank đã có thể hái quả ngọt. Với khoảng 50 điểm ban đầu, hiện nay trên toàn quốc, TPBank đã đưa vào vận hành gần 300 điểm LiveBank, phục vụ khách hàng bất cứ thời gian nào trong ngày và trở thành hình mẫu về một hệ thống VTM lớn nhất thế giới, liên tục vận hành và tăng trưởng, được nhiều quốc gia đến để học tập. Tính đến hiện tại, hệ thống LiveBank có khoảng 2 triệu khách hàng, xử lý giao dịch đạt giá trị 1.200 tỷ đồng mỗi tháng. 

6 tháng đầu năm nay, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.034 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, dưới những tác động của COVID-19, khi các quầy giao dịch hoạt động hạn chế do lệnh cách ly xã hội, chính hệ thống LiveBank đã đảm bảo hoạt động giao dịch của ngân hàng luôn thông suốt. 

Hiện tại, ngân sách đầu tư cho công nghệ của TPBank chiếm tỷ trọng khoảng 20% và theo ngân hàng, đây là con số khá lớn. Tuy nhiên, những người đứng đầu nhà băng này cho biết, đây là khoản đầu tư cho mục đích lâu dài mà ngân hàng đang hướng tới, nỗ lực để tiên phong về công nghệ và biến công nghệ thành lợi thế cạnh tranh trong tương lai.

Quỳnh Chi

Tin mới