Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thâm nhập công ty đào tạo 'lương y' thần tốc, dọa bệnh nhân để bán thuốc

(VTC News) -

Phóng viên VTC News đến thử việc tại một “công ty dược” và được đào tạo cấp tốc để trở thành “thần y” với đủ loại mánh khóe, với mục đích là bán được nhiều thuốc.

Video: Công ty đào tạo 'lương y' thần tốc, dọa bệnh nhân để bán thuốc

Độc giả của VTC News phản ánh tại một căn hộ chung cư ở Hà Đông, TP. Hà Nội có biểu hiện bán thuốc giả mang nhãn mác Thuốc trị xương khớp An Vương, được quảng cáo là “thần dược trị bệnh xương khớp”.

Từ số điện thoại được cung cấp, phóng viên đã liên hệ và được một người tên Hà giới thiệu “gặp chị Huế để phỏng vấn”. Người này hẹn phóng viên đến trụ sở của công ty, nhưng đây thực chất là một căn hộ chung cư, không có biển hiệu gì. Người đi xin việc phải có lý lịch rõ ràng, nếu chưa có kinh nghiệm bán thuốc thì khi vào làm sẽ được đào tạo.

Công ty An Vương chuyên về thuốc chữa bệnh, nhưng khi tuyển dụng lại không đòi hỏi bất cứ chứng chỉ gì liên quan đến y dược.

Ảnh: “Tài liệu mật” đào tạo siêu tốc nhân viên trở thành “thần y”

Đào tạo “lương y” cấp tốc

Ngày hôm sau, phóng viên đến công ty để thử việc, được một người khá trẻ tên là Tùng quản lý bán hàng chỉ cho những mánh khoé, chiêu trò làm sao để chốt được nhiều đơn đặt hàng mua thuốc.

Tùng hướng dẫn chúng tôi: “Đầu tiên, khi mình gọi điện cho người bệnh bắt buộc phải xưng tôi, sau đó giới thiệu đang là nhân viên y tế tại phòng khám, hiện tại công ty đang liên kết trực tiếp với Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương bào chế thuốc đặc trị xương khớp đông y”.

“Thứ hai, mình không được nói chuyện bán thuốc quá nhiều, mà cứ hỏi thăm sức khoẻ, tình trạng bệnh, hỏi có hay đau nhức ở phần xương khớp không, có thường xuyên nghe tiếng lạo xạo, lục cục ở trong các khớp không”.

Nội dung cuốn tài liệu đào tạo “lương y online” của Công ty TNHH An Vương media & sale

Tùng nói tiếp: “Tiếp nữa, các em phải nhấn mạnh tính cấp thiết của thuốc, rằng người bệnh phải mua luôn, mua ngay về điều trị”.

Theo anh ta, nhân viên lúc đó phải áp dụng những nội dung trong tài liệu đào tạo mật được phát cho nhân viên tư vấn. Nhân viên tư vấn phải nói với người bệnh rằng, với tình trạng này, chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ có biến chứng gây đau buốt tứ chi, đi lại cực kì khó khăn, lâu ngày có thể liệt, nặng quá có thể phải mổ, “mà mổ thì 50/50, một là khỏi được nhưng mất thời gian dài để bình phục, hai là có thể bị bại liệt hoàn toàn”.

Ngoài ra, nhân viên phải tư vấn rằng phẫu thuật còn tốn kém tiền bạc, mất nhiều thời gian.

Để củng cố thêm kiến thức cho nhân viên, công ty cho người mới đến mượn một cuốn tài liệu đào tạo nhưng chỉ được đọc tại chỗ, không được mang về.

Đe dọa người bệnh, ép mua thuốc

“Thần dược thuốc đặc trị xương khớp được chúng tôi liên kết trực tiếp bào chế theo liều lượng với Bệnh viên Y học cổ truyền Trung ương (Số 2, Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội)”.

Đây là những lời quảng cáo của công ty An Vương về sản phẩm viên thuốc uống An Vương.

Nhân viên trực tiếp gọi điện cho bệnh nhân trong quá trình đào tạo phóng viên thành “thần y”

Chiêu “dọa bệnh” trong tài liệu đào tạo được phát cho nhân viên tư vấn, nhằm đạt được mục đích cuối cùng là bán thuốc.

Nhân viên công ty nói bệnh nhân không có bảo hiểm y tế phải trả 4 triệu đồng một liệu trình (2 lọ thuốc), với người có bảo hiểm y tế sẽ được hưởng mức chi trả khác nhau, tùy theo 50% hay 80%. Người được hưởng mức chi trả 80% sẽ phải trả 800 nghìn đồng cho đơn thuốc 2 lọ xương khớp An Vương.

Một nhân viên còn khá trẻ mới vào làm việc nói: “Mô hình tại đây giống như đa cấp. Nhân viên được trả lương cứng 5 triệu đồng cộng thêm 20% doanh số bán hàng, như thế là hơn rất nhiều người làm shipper hay nhân viên chạy bàn hàng quán rồi”.

Nhân viên tại Công ty TNHH An Vương media & sale.

Cậu nhân viên cho biết thêm: “Tuỳ thuộc vào khách hàng mà ra giá thuốc. Gặp khách sộp thì có thể chốt 600 nghìn/hộp, còn gặp khách ít tiền thì bắt buộc phải chốt với giá 400 nghìn/đồng vì đó là giá niêm yết công ty đưa ra”.

Những hộp thuốc không tem mác

Theo quan sát của phóng viên, những hộp thuốc An Vương này không có tem kiểm định, bên ngoài hộp có in chữ Khớp An Vương và dòng chữ Đặc trị các bệnh về xương khớp. Trên hộp ghi địa chỉ: Số 2, Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội (đây là địa chỉ của Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam). MST 010398025618 (mã số thuế này tra cứu không ra kết quả nào).

Bên trong là lọ thuốc có chứa những viên thuốc dạng viên tròn màu đen. Phần ngoài lọ thuốc có in công dụng và thành phần của thuốc.

Thuốc được bào chế theo dạng viên

Để xác minh nguồn gốc của những lọ thuốc này, phóng viên đã liên hệ với Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam. Đại diện đơn vị này cho biết: số 2 , Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội đúng là địa chỉ của Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam. Còn các thông tin trên vỏ, lọ thuốc và cả loại thuốc này đều không liên quan gì đến Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một số cá nhân, đơn vị bán thuốc online bằng cách nào đó đã lấy được thông tin cá nhân và số điện thoại của người đi khám bệnh tại các bệnh viện, phòng khám sau đó gọi điện để bán thuốc. Những người bệnh tầm tuổi trung niên và ở tỉnh lẻ thường được nhắm tới.

 

Nhóm phóng viên

Tin mới