Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thảm kịch 100.000 người chết vì COVID-19 ở Mỹ diễn ra thế nào?

(VTC News) -

Chỉ 4 tháng kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, số người chết do COVID-19 ở Mỹ vượt ngưỡng 100.000, và hiện chính quyền Trump vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Phản ứng ban đầu 

Ngày 21/1, nước Mỹ xuất hiện các ca mắc COVID-19 đầu tiên. Ngày 29/2, ca chết người đầu tiên được ghi nhận ở Mỹ. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ xác nhận 1 người đàn ông 50 tuổi đã qua đời ở bang Washington vì dịch bệnh này. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/3 thông báo, ông đang thực hiện các hành động “mạnh mẽ nhưng cần thiết” để ngăn chặn các ca bệnh COVID-19 mới xuất hiện tại nước Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ ban hành lệnh cấm người dân 26 quốc gia châu Âu nhập cảnh vào Mỹ trong 30 ngày. Lệnh bắt đầu có hiệu lực từ đêm 13/3.

Số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ xuất hiện cuối tháng 2 và tăng kỷ lục trong 3 tháng tiếp theo. (Ảnh: Reuters)

Cùng ngày 13/3, Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Các bang trên toàn nước Mỹ bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển, giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump lúc này vẫn khẳng định nguy cơ mắc bệnh đối với người Mỹ không cao, đồng thời nhận định rằng, những người trẻ khỏe có thể hồi phục hoàn toàn, song người già có bệnh nền cần cẩn thận hơn.

Ông Trump nhắc lại các hướng dẫn của cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ: “Hãy rửa tay, lau chùi các bề mặt hay tiếp xúc, che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Quan trọng nhất, nếu bạn ốm hoặc cảm thấy không khỏe, hãy ở nhà”.

Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi sự đoàn kết chống dịch: "Chúng ta phải đặt chính trị, tư tưởng đảng phái sang một bên và thống nhất với nhau như một quốc gia, một gia đình".

Những tuần khó khăn tiếp theo

Hôm 31/3, Mỹ ghi nhận 3.807 người thiệt mạng vì COVID-19, chính thức vượt số ca thiệt mạng ở Trung Quốc, nước đầu tiên phát hiện dịch bệnh trên thế giới. 

Các chuyên gia y tế hàng đầu trong lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 của Nhà Trắng cho rằng, quyết định duy trì giãn cách xã hội nghiêm ngặt là cách duy nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới.

Tiến sĩ Deborah Birx - Điều phối viên lực lượng chống COVID-19 của Nhà Trắng cảnh báo ngay cả khi các hướng dẫn của liên bang được tuân thủ tuyệt đối, sẽ có khoảng 100.000 đến 240.000 người Mỹ có thể thiệt mạng vì COVID-19.

Tổng thống Donald Trump cảnh báo nước Mỹ chuẩn bị đối mặt với 2 tuần "rất đau đớn" vì COVID-19. (Ảnh: Sky)

Những bình luận của các chuyên gia y tế hàng đầu nước Mỹ hôm 31/3 là lần đầu tiên chính quyền Mỹ đưa ra dự báo chính thức về số người Mỹ có thể chết vì dịch COVID-19.

Hôm 7/4, người Mỹ bắt đầu bước vào tuần được các nhà chức trách cảnh báo là khó khăn nhất, với số người chết do COVID-19 vượt 10.000 người, trong khi số người mắc bệnh cao nhất thế giới (356.942 ca).

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Mỹ đang xét nghiệm cho hơn 100.000 người mỗi ngày. 

Chưa đầy một tuần sau (11/4), Mỹ vượt qua Italy trở thành quốc gia có số người chết do COVID-19 nhiều nhất trên thế giới, với hơn 20.000 trường hợp. Phần lớn các ca chết người tập trung ở thành phố New York.

Mỹ cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới vượt mốc 20.000 người chết, tăng 2.500 lần sau 30 ngày. 

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết: "Số lượng người phải nhập viện dường như đã chạm đỉnh và hiện là một đỉnh nằm ngang. Tỷ lệ nhập viện giảm là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng tôi đang có nhiều người bị nhiễm bệnh."

Lúc này, chỉ tính riêng bang New York, Mỹ mất đi 700-800 sinh mạng mỗi ngày do COVID-19.

Tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia

Sau khi số người chết tăng lên mức cao nhất thế giới hôm 11/4, Mỹ ban bố tình trạng tuyên bố thảm họa quốc gia. Toàn bộ 50 bang, cùng 5 vùng lãnh thổ (gồm quần đảo Virgin thuộc Mỹ, quần đảo Bắc Mariana, đảo Guam, Puerto Rico và Washington D.C) đã được phê chuẩn và áp dụng tuyên bố thảm họa, nhằm dễ dàng tiếp cận vào các quỹ Liên bang để chống lại sự lây lan của virus.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông muốn cuộc sống của người dân Mỹ quay trở lại bình thường sớm nhất có thể.

Nhiều người Mỹ biểu tình phản đối phong tỏa COVID-19.

Ông Trump cho biết sẽ đưa ra một hội đồng tư vấn mới, bao gồm các Thống đốc bang, nhằm tập trung vào quá trình mở cửa lại nền kinh tế. Trong khi đó, số người Mỹ đệ trình đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 3 tuần vượt quá 16 triệu.

Chính phủ Mỹ cho biết, nền kinh tế nước này đã mất 701.000 việc làm trong tháng 3, con số lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái (1929-1933). Điều này cũng chấm dứt chuỗi bùng nổ việc làm dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, bắt đầu từ cuối năm 2010.

Ngày 19/4, số người chết vì COVID-19 ở Mỹ vượt qua mốc 40.000. Dù vậy, tính riêng ngày 19/4, số ca thiệt mạng xuống thấp nhất trong 2 tuần liên tiếp. Một số vùng tâm dịch như New York được cho là đã vượt qua đỉnh dịch. 

Trong khi đó, hàng nghìn người Mỹ xuống đường biểu tình đòi gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội ở nhiều thành phố. Người biểu tình mang theo khẩu hiệu đòi mở cửa trở lại nền kinh tế để được đi làm lại. Họ cho rằng quyền tự do của dân Mỹ đang bị xâm phạm khi chính quyền áp đặt các lệnh hạn chế.

Con số người chết tăng lên 50.000 vào ngày 25/4, và lên 70.000 đến ngày 5/5.

Điều gì tiếp theo đến với nước Mỹ?

Hôm 26/5, số người chết vì COVID-19 ở Mỹ được báo cáo vượt ngưỡng 100.000. Trong khi đó, tổng số ca bệnh tại Mỹ là hơn 1,7 triệu, hiện đang dẫn đầu thế giới.

Theo thống kê của Reuters, 11 tiểu bang Mỹ tiếp tục ghi nhận số lượng ca nhiễm mới tăng kỷ lục cuối tuần qua. Trong đó có Alabama, Arkansas, Minnesota, North Dakota, New Hampshire, Maryland, Maine, Nevada, Utah, Virginia và Wisconsin. 

Video: Tổng thống Trump nói Mỹ giữ mức người chết do COVID-19 dưới 200.000 đã là điều tốt

Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận rằng, virus đã gây ra nhiều nguy hiểm hơn ông tưởng. Song nhà lãnh đạo Mỹ tin rằng, các công viên và bãi biển vẫn nên mở cửa trở lại và các trường học sẽ tiếp tục mở lớp vào mùa thu.

Ông Trump cho rằng những gì chính quyền đang làm đã giúp ngăn chặn con số trở nên tồi tệ hơn. "Nếu chúng ta không làm điều đó, tối thiểu chúng ta sẽ mất 1,2 triệu, 1,4 triệu, 1,5 triệu, thậm chí hơn 2,2 triệu người."

Ngày Tưởng niệm hàng năm (25/5) thường là thời điểm các nghĩa trang trên toàn nước Mỹ tràn ngập cờ và nghi lễ để tưởng nhớ những người đã chết trong các cuộc chiến. Năm nay nó cũng trở thành thời gian để tưởng nhớ hơn 100.000 người đã chết do đại dịch COVID-19 ở Mỹ.

Hôm 25/5, tờ The New York Times dành toàn bộ trang nhất với tên và thông tin của 1.000 nạn nhân COVID-19 hôm 24/5 để thể hiện một cách biểu tượng mất mát to lớn này.

Tất cả 50 tiểu bang ở Mỹ đã nới lỏng các hạn chế COVID-19 ở một mức độ nào đó. Ở nhiều tiểu bang miền Nam, hầu hết các doanh nghiệp được mở cửa trở lại, với những hạn chế về số người hoạt động. Tuy nhiên, ở một số tiểu bang như Illinois và New York, các nhà hàng vẫn đóng cửa không phục vụ trực tiếp và các tiệm làm tóc cũng vậy. 

Tính đến tháng 5, gần 30 triệu người tại Mỹ đã phải xin trợ cấp thất nghiệp.

Nhiều người Mỹ ra đường tụ tập bất chấp người chết do dịch bệnh vượt mốc 100.000. (Ảnh: Reuters)

Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Fox News Sunday”, Mohamed El-Erian, Trưởng nhóm cố vấn kinh tế của Tập đoàn bảo hiểm quốc tế và dịch vụ tài chính thứ 2 trên thế giới Allianz nói rằng, cơ hội để Mỹ phục hồi theo hình chữ V là "không chắn chắn". 

"Điều đó là không chắc chắn bởi hành trình đến năm tới và những gì xảy ra trong năm tới đều không chắc chắn", ông El-Erian cho hay. 

Chuyên gia này tin rằng, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ phục hồi theo hình chữ W chứ không phải chữ V.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây trên đài CNN, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar cho biết, số ca bệnh vẫn chưa tăng trở lại ở các bang đang tái mở cửa nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông này thừa nhận còn quá sớm để xác định xu hướng dịch bệnh tại các khu vực này trong thời gian tới. 

Phương Anh (Tổng hợp)

Tin mới