"Chính phủ coi việc kích thích nền kinh tế thông qua chương trình ví kỹ thuật số là rất quan trọng để phân phối tiền cho nền kinh tế và cho cộng đồng địa phương. Nền kinh tế Thái Lan hiện đang phải đối mặt với những thách thức bên trong và bên ngoài như các vấn đề địa chính trị và sự phục hồi không đồng đều về thu nhập của người dân sau COVID-19", Bộ Tài chính Thái Lan cho biết trong tuyên bố về kế hoạch phân phát 14 tỷ USD tiền mặt nhằm kích thích nền kinh tế.
Theo chương trình này, mỗi người dân Thái Lan sẽ nhận được 10.000 bath (275 USD). Chương trình đã được phê duyệt vào ngày 10/4 và dự kiến sẽ được thực hiện trong quý IV năm 2024.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin. (Ảnh: Xinhua)
Ông Lavaron Sangsnit, thư ký thường trực của Bộ Tài chính cho biết 327,7 tỷ baht (9 tỷ USD) sử dụng trong chương trình sẽ trích từ ngân sách nhà nước trong năm tài chính hiện nay và năm tới. Trong khi đó, 172,3 tỷ baht (4,73 tỷ USD) còn lại sẽ được trích từ ngân sách của Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp nhà nước. Tiền sẽ được giao trực tiếp cho khoảng 17 triệu nông dân.
Theo Bộ Tài chính, chương trình sẽ giúp tăng thêm khoảng 1,2-1,8% vào tổng sản phẩm quốc nội Thái Lan và nâng mức tăng trưởng kinh tế lên gần 5% vào năm 2025. Chương trình này sẽ tuân thủ Đạo luật Kỷ luật Tài chính của quốc gia và đảm bảo sự ổn định kinh tế và xã hội.
Gói tài chính này được coi là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, vốn đang tụt hậu so với các nước trong khu vực. Một số chủ tịch ngân hàng trung ương và các đảng đối lập đã phản đối gói chi tiêu này vì lo ngại nguy cơ tăng lạm phát và nợ công.
Tuy nhiên, Thủ tướng Srettha Thavisin nhận định các biện pháp kích thích, bao gồm cả ví kỹ thuật số, là “cực kỳ cần thiết” khi nền kinh tế Thái Lan sắp trải qua một thập kỷ tăng trưởng trung bình dưới 2% và phải đối mặt với các vấn đề khác bao gồm phục hồi kinh tế không đồng đều sau đại dịch và lãi suất cao.