Lúa gạo là linh hồn của ẩm thực Việt Nam, là "hạt ngọc" nuôi dưỡng biết bao thế hệ người Việt trưởng thành. Trên mâm cơm ngày Tết, ngoài bánh chưng bánh tét đại diện cho văn hóa ẩm thực nước nhà thì mỗi địa phương lại có một món đặc sản được làm từ gạo. Với người Thanh Hóa, đó là món bánh răng bừa.
Khi xưa, vua Lê Hoàn đích thân xuống đồng cày ruộng trong Lễ hội đầu năm với mong muốn thúc đẩy nông nghiệp, cầu cho nông dân được mùa lúa gạo. Làng Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân), Thanh Hóa chính là quê hương ông.
Người dân xứ Thanh đã chắt lọc những hạt gạo ngon nhất để làm nên những chiếc bánh với hương vị riêng để dâng lên vua. Bánh có hình dáng giống với chiếc răng bừa - công cụ lao động của người dân địa phương thời xưa, từ đó mà nó có tên gọi độc đáo như thế này.
Bánh răng bừa được làm từ gạo tẻ nhưng bắt buộc phải chọn loại gạo dẻo và thơm để có được mẻ bánh chất lượng nhất. Quá trình chế biến thì không quá phức tạp, bởi bản thân những hạt gạo được chắt lọc đã mang hương vị thơm ngon, ngọt ngào nhất.
Người xứ Thanh thường ngâm gạo trong 3-4 giờ rồi đem đi xay thành bột. Khi xay, nước được thêm vào để đảm bảo bột không bị vón. Bột được xay xong cho lên bếp khuấy, trong quá trình này phải chú ý tay khuấy đũa liên tục sao cho bột không bị vón cục và cũng không quá chín, đây là công đoạn đòi hỏi người làm bánh phải thật khéo léo.
Khi bột gạo đạt được độ sệt như ý, người dân sẽ chuẩn bị gói bánh bằng lá dong hoặc lá chuối. Nhân bánh gồm có hành khô, thịt ba chỉ và mộc nhĩ băm nhỏ trộn chung với hạt tiêu rồi đem xào chín, nêm gia vị sao cho vừa ăn, đừng mặn quá mà cũng đừng nhạt quá.
Gói xong, bánh sẽ được đem đi hấp cho đến khi các nguyên liệu chín, vỏ bánh mềm dẻo, nhân bánh thơm và đượm gia vị. Bánh ăn rất ngon nhưng không nhanh ngán, lại nhẹ nhàng và thanh đạm, xuất hiện trên mâm cỗ Tết như một món ăn thay thế cho những ai đã ngán những món cỗ mặn.
Với người xứ Thanh, bánh răng bừa thể hiện lòng thành của con cháu đối với ông bà tổ tiên và cũng là báo hiệu cho ngày Tết đang đến gần. Khi mùi thơm của thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu hòa với mùi bột gạo tỏa ra mùi thơm ngào ngạt căn bếp nhỏ, cũng là lúc con cháu sum họp đón một cái Tết đoàn viên.